| Hotline: 0983.970.780

Tức tốc đắp đê cứu lúa

Chủ Nhật 03/04/2022 , 14:13 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH 'Lụt tháng ba, cháy nhà tháng sáu'. Mưa lũ bất thường những ngày qua đã nhấn chìm nhiều diện tích lúa, hoa màu tại tỉnh Quảng Bình. Các địa phương đang tức tốc ứng phó.

Từ ngày 31/3 đến ngày 3/4, trên địa bàn Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to. Mưa lớn đã khiến hàng nghìn ha lúa, hoa màu của người dân bị ngập nặng.

Cánh đồng lúa ở Lệ Thủy (Quảng Bình) chìm nghỉm trong mưa lụt. Ảnh: N.H.

Cánh đồng lúa ở Lệ Thủy (Quảng Bình) chìm nghỉm trong mưa lụt. Ảnh: N.H.

Đắp đê cứu lúa...

Vùng chiêm trũng huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là địa phương bị ngập lụt nặng nhất. Nông dân ở đây thường có câu “Lụt tháng ba, cháy nhà tháng sáu”, ý nói lũ tháng ba sẽ ảnh ưởng nặng nề đến mùa màng. Ông Nguyễn Văn Tiệp (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) cho hay: “Trận lũ tháng ba này được lặp lại sau gần 15 năm nay. Nhưng lũ năm nay lớn hơn trước rất nhiều”.

Rạng sáng ngày 2/4, gần 100 người dân đã có mặt tại cánh đồng lúa xã Hồng Thủy để đắp những đoạn đê thấp nhằm ngăn nước tràn qua cánh đồng lúa. Lúa trên đồng đang kỳ phát triển mạnh để chuẩn bị trỗ bông. Nước trong ruộng đã ngập đến ngọn cây lúa. Nước ngoài sông Kiến Giang cao hơn chừng vài phân đang mấp mé con đập và chảy tràn vào đồng ruộng. Ông Tiệp bảo: “Nếu không ngăn được, nước lụt tràn qua đê thì xem như 60 ha lúa vụ đông xuân ở vùng này thất bát nặng.”

Người dân xã Hồng Thủy chở bao cát ra đồng ngăn đê cứu lúa. Ảnh: N.H.

Người dân xã Hồng Thủy chở bao cát ra đồng ngăn đê cứu lúa. Ảnh: N.H.

Chính quyền xã cũng đã vận động, huy động nhiều máy móc, phương tiện để vận chuyển cát đến gia cố mặt đê. Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy có mặt tại hiện trường để động viên, chỉ đạo việc đắp đê cứu lúa.

Trong cơn mưa nặng hạt, ông Huấn cho biết: "Từ đêm 1/4 đến giờ, địa phương đã huy động hàng trăm nhân công, phương tiện. Cát được vận chuyển đến và bà con cho cát vào bao. Các phương tiện như ô tô, công nông, xe bò… vận chuyển bao cát đến tận những đoạn đê xung yếu, có nguy cơ bị lũ tràn qua để bà con đắp nâng cao mặt đê, chặn nước lũ. Đến nay, chúng tôi đã đắp được gần 2,5km đê để cứu hơn 200ha lúa chưa bị ngập”.

Theo UBND huyện Lệ Thủy, đến tối 2/4, diện tích lúa bị ngập lụt từ 70% trở lên gần 3.700ha. Cánh đồng lúa bị ngập sâu tập trung tại các xã Hồng Thủy, An Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Lộc Thủy, Thị trấn Kiến Giang, Xuân Thủy, Phú Thủy, Mai Thủy, Hoa Thủy, Sơn Thủy... Ngoài ra, còn có gần 1.000 ha diện tích cá - lúa bị ngập và gần 700 ha cây hoa màu bị ngập hoàn toàn.

Những tuyến đê xung yếu đã được tức tốc nâng cấp để chắn lụt. Ảnh: N.H.

Những tuyến đê xung yếu đã được tức tốc nâng cấp để chắn lụt. Ảnh: N.H.

Trên cánh đồng lúa của HTX Xuân Giang (Thị trấn Kiến Giang), nước đã ngập mênh mông. Cây lúa chìm lấp ló theo sông nước. Do mưa lớn, nước lên nhanh nên có hơn 50ha lúa đã bị ngập sâu. Hàng trăm nhân lực, phương tiện đã được HTX huy động ở hói Niệu để đắp đê bao cứu diện tích lúa còn lại.

Ông Đỗ Trung Tý, Bí thư Chi bộ Thị trấn Kiến Giang cho hay: “Ngay trong mưa lụt, chúng tôi tích cực động viên bà con xã viên có gắng đắp những đoạn đê xung yếu. Cho đến giờ, bà con đã đắp nâng khoảng 700m đê xung yếu, chặn được nước lụt tràn vào, giữ hơn 100ha lúa đang có nguy cơ bị nước tràn ngập sâu”.

Lãnh đạo chủ chốt của huyện Lệ Thủy những ngày mưa lụt luôn có mặt tại những nơi xung yếu để chỉ đạo việc đắp đê cứu lúa. Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy trực tiếp chỉ đạo công tác đắp đê cứu lúa tại xã Hồng Thủy cho hay, các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện tại chổ để cấp tốc giữ các đoạn đê xung yếu. Tuy nhiên do mưa lớn, nước lên nhanh, tràn đột ngột nên đã có hàng nghìn ha lúa, cây hoa màu bị ngập. Trong đó, nhiều diện tích lúa có nguy cơ mất trắng.

Máy múc được điều động để nâng cao mặt đê ở Hoành Vinh. Ảnh: A.M.

Máy múc được điều động để nâng cao mặt đê ở Hoành Vinh. Ảnh: A.M.

“Để tốc lực cứu lúa, các địa phương gia cố, đắp đê thật chắc chắn, cao hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ở những vùng đê chắc chắn thì khẩn trương đấu úng, tăng công suất máy bơm để hạ mực nước trên đồng cứu lúa”, ông Tình cho biết.

Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cũng thông tin, hiện địa phương có gần 620 ha lúa bị ngập từ 70% cây lúa trở lên, trên 110 ha lúa - cá bị ngập và khoảng 60 ha hoa màu bị ngập và hư hại. “Chúng tôi đang chờ xả lũ từ phía cống Mỹ Trung để giảm ngập úng. Sau đó, chỉ đạo các HTX  khẩn trương bơm nước tiêu úng cứu lúa kịp thời”, ông Huấn nói.

Đổ nước ra sông

Cánh đồng ngoài của HTX Hoành Vinh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) rộng hơn 300 ha cũng đang mênh mông trong trong biển nước.

Phương tiện cơ giới được huy động trực tại điểm đê xung yếu để hộ đê. Ảnh: Đ.Thuần.

Phương tiện cơ giới được huy động trực tại điểm đê xung yếu để hộ đê. Ảnh: Đ.Thuần.

Do ở đây đã có hệ thống đê, đập ngang dọc với tổng chiều dài gần 30 km được đầu tư kiên cố và được tu bổ hàng năm nên khá vững chắc. Dù ở ven sông Kiến Giang, nhưng tuyến đê ngoài đã chặn được nước lụt tháng ba.

Theo ông Võ Doãn Dực, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoành Vinh, các tuyến đê cơ bản đã bảo vệ được cánh đồng lúa. Những chỗ có nguy cơ đã được HTX điều động máy múc đến múc đất từ dưới kênh mương lên đắp bồi cho vững chắc. Hiện HTX đang tập trung cho việc bơm đấu úng.

Tuyến đê bao được gia cố trong mưa lụt. Ảnh: Đ.Thuần.

Tuyến đê bao được gia cố trong mưa lụt. Ảnh: Đ.Thuần.

Hiện hai trạm bơm điện có công suất lớn của HTX đã được sử dụng tối đa công suất để bơm nước từ đồng ruộng ra sông. Chưa có năm nào, HTX phải tăng số máy bơm dự phòng vào hoạt động. Ông Dực cho hay: “Chúng tôi cho máy bơm chạy cả ngày đêm. Thợ máy được tăng cường thêm để thay nhau trực, thay nhau nghỉ ngơi và phòng khi xảy ra sự cố”.

Cũng theo ông Dực, nếu trời giảm mưa và tạnh, các trạm bơm chạy đều thì khoảng 4 - 5 ngày sẽ chống được úng cho lúa trên đồng. “Khi bơm, nước sẽ rút từ từ trên đồng nên sẽ không ảnh ưởng đến sự phát triển của cây lúa”, ông Dực chia sẻ.

Trạm máy bơm được sử dụng hết công suất để bơm nước từ đồng ra sông ở Hoành Vinh. Ảnh: A.M.

Trạm máy bơm được sử dụng hết công suất để bơm nước từ đồng ra sông ở Hoành Vinh. Ảnh: A.M.

Diện tích hoa màu bị mưa lụt ngập cũng khá lớn. Nhiều bà con đội mưa ra thu hoạch rau, khoai lang sớm để tránh mất trắng.

Trên ruộng khoai bị ngập, gia đình ông Nguyễn Thắng (xã Hồng Thủy) đã cùng nhau thu hoạch. Cứ xục tay mò trong nước để nhấc gốc khoai lên là củ được nhấc lên theo. Ông Thắng bẻ khoai bỏ vào rổ tre. Khi rổ khoai gần đầy lại bê lên bờ. Lúc nghỉ tay ông bảo: “Khoai bị ngâm nước lụt nhanh bị hỏng lắm. Tiếc của nên phải chịu khó. Phần nào dùng thì để lại, phần khác thì bán rẻ cho bà con được đồng nào hay đồng đó chứ biết làm sao”.

Bà con nông dân huyện Lệ Thủy mò mẫm thủ thu hoạch hoa màu bị lụt ngập. Ảnh: Đ. Thuần.

Bà con nông dân huyện Lệ Thủy mò mẫm thủ thu hoạch hoa màu bị lụt ngập. Ảnh: Đ. Thuần.

Sáng nay (3/4), trời đã có dấu hiệu ngớt mưa. Bà con nông dân nhìn bầu trời vẫn còn xám xịt, nhìn cánh đồng lúa còn ngập nước mà hi vọng cho một vụ mùa không bị thất bát.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.