Tùy bút Trần Mạnh Hảo: Tôi tự hào là một người nông dân cầm bút

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo - Thứ Tư, 18/01/2023 , 09:10 (GMT+7)

Tôi chính là hạt máu phù sa của sông Hồng, sông Đáy, hít thở khí trời thơm mùi cỏ rả, rạ rơm của tình yêu quê hương yêu dấu.

Cảnh sắc làng quê hôm nay.

Từ bảy tuổi đầu, tôi đã biết cưỡi trâu theo bố mẹ ra đồng. Nghề nông là nghề truyền đời của bố mẹ, ông bà, cụ kỵ nhà tôi hàng nghìn năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tôi tự hào tổ tiên mình truyền đời làm nghề nông, nghề nuôi sống dân tộc Việt suốt bốn nghìn năm lịch sử.

Cất tiếng chào đời, tôi đã hít thở khí trời thơm mùi lúa khoai của đồng bằng Bắc bộ. Và mùi phù sa trong thoang thoảng hơi sương bơm vào hai lá phổi tôi hồn vía sông Hồng, ngòn ngọt hương đòng đòng tinh khiết.

Bảy tuổi đời, bố đã dạy tôi tập bơi, bơi qua sông làng Bình Hải, một chi nhánh nhỏ sông Đáy, cháu chắt của sông mẹ Hồng Hà. Tám tuổi đầu, tôi đã biết cưỡi trâu đi học và biết đánh vần học chữ trên lưng trâu. Mười một tuổi, tôi đã biết mượn sách truyện để ngồi đọc khi chăn trâu. Các bộ tiểu thuyết Tàu như “Hán Sở tranh hùng”, “Tam Quốc chí”, “Thủy Hử”, “Hồng Lâu mộng”… tôi đều đọc trên lưng trâu!

Những năm trọ học cấp 3 xa nhà, xa lưng trâu, xa ruộng đồng dấu yêu trộn mồ hôi với bùn đất làm ra hạt lúa, củ khoai, tôi nhớ đồng quê khôn xiết. Đến nỗi khi vào lính, vô rừng tắm suối, ba năm mùi da trâu, mùi mồ hôi trâu vẫn còn bám vào đùi cậu trai 18 tuổi là tôi…

Cha mẹ tôi ăn hạt gạo, củ khoai, ăn tôm cá sông ngòi, tích tụ hồn vía đất đai quê kiểng mà sinh ra tôi, truyền cho tôi tình yêu ruộng đồng. Tôi chính là hạt máu phù sa của sông Hồng, sông Đáy, hít thở khí trời thơm mùi cỏ rả, rạ rơm của tình yêu quê hương yêu dấu.

Vậy mà có những đứa con hư của ruộng đồng, lưỡi bị nhiễm “chất thị thành” dỏm, như thơ Chế Lan Viên từng viết “Khi lưỡi ta không còn đắng chất thị thành”, đã nhiều lần mắng tôi là đồ nhà quê! Không, họ đang tôn vinh tôi đấy, bởi vì tôi đích thị nhà quê, đích thị lúa khoai, đích thị rạ rơm, đích thị chiêm mùa đồng áng…

Làng quê thanh bình.

Tôi vinh dự mang hồn nhà quê, hồn phù sa, hồn cào cào châu chấu vào thi ca chữ nghĩa. Chao ôi, đến sen kia còn mọc từ bùn. Hạt lúa, củ khoai nhờ bùn đất mà sinh ra dân tộc Việt, sinh ra Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, sinh ra ca dao, sinh ra nền văn minh lúa nước sông Hồng…

Hãy chứng minh cho tôi những anh hùng dân tộc từ các vua Hùng, từ Bà Trưng, Bà Triệu, từ các vua triều Ngô, Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn… ai là người được sinh ra từ thành phố? Tất cả các vương triều đất Việt, các danh nhân văn hóa Việt đều sinh ra từ làng quê, từ bờ ca dao kẽo kẹt guốc võng gộc tre nghìn đời nâu sồng dân dã.

Có làng, mới có nước. Tiếng kêu làng nước ơi, vang vọng nghìn đời, ơi hai tiếng tiểu nông: chia ra nghìn làng nhỏ lẻ, rào bằng bờ tre chống giặc. Nước còn vì từng làng nhỏ không mất. Nhờ tinh thần tiểu nông sống chết giữ từng làng quê, không cho lọt vào tay giặc thù mà bốn nghìn năm tích tiểu thành đại, mới có giang san Đại Việt hùng cường.

Cảm ơn chất tiểu nông anh hùng, cảm ơn chất nhà quê thề chết giữ non sông của triệu triệu anh hùng nông dân áo vải, đã nghìn đời hi sinh mạng sống cho quê hương.

Tôi căm ghét một số gã mà tổ tiên cũng là nông dân như tôi, thi thoảng lên báo chửi người khác là đồ “tiểu nông”, “tiểu khí”… Đọc câu thơ của Nguyễn Bính mà thương chất nhà quê vô cùng: “Hôm qua em đi tỉnh về / Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.

Ở nước ta, trước khi Pháp xâm lược dựng lên các thành phố kiểu phương Tây thì Thăng Long, Huế hay Sài Gòn chỉ là những làng lớn mà thôi. Làng là quê hương của dân tộc Việt Nam, tiểu nông là ông cha nghìn đời làm ruộng nuôi cả dân tộc.

Là người dân Việt, ai ai cũng có tổ tiên ở các làng quê. Sống đến tuổi trăm năm, ai cũng mong về nằm bên cha mẹ ông bà tổ tiên, an nghỉ giấc muôn đời. Xin đừng biến nông thôn thành thành thị. Ở các nước Âu Mỹ, con người bất đắc dĩ phải sống tập trung trong đô thị để dễ làm ăn, nhưng người khá giả đều có trang ấp ở làng quê không chỉ để dành sau hưu trí, mà thứ bảy, chủ nhật còn được sống trong ruộng vườn cây trái mới là diễm phúc trong đời.

Bây giờ làng quê Việt Nam đã thay đổi quá chừng, không còn bờ tre ôm làng ru kẽo cà kẽo kẹt xửa xưa. Hơn trăm năm trước, thi hào Tú Xương đã buồn vì làng đang hóa phố.

Tự hào mình là người nông dân cầm bút. Tuổi thơ tôi ở đâu, linh hồn tôi ở đó. Nông thôn ơi, nhà quê ơi, đừng xóa mất tinh thần làng thôn yêu dấu của tôi là ruộng vườn, là con sông phù sa ôm làng xóm ru cánh cò dỗ ngủ bao lời mẹ ru xưa. Hồn Việt muôn năm trước chính là hồn quê kiểng cha ông gửi qua ca dao, qua thơ Nguyễn Du, Nguyễn Bính… Linh hồn tôi mãi là hồn quê áo vải, mãi mãi theo cha mẹ ra đồng học cách trồng cây lúa mà nuôi dân tộc này muôn thuở.

Nhà thơ Trần Mạnh Hảo
Tin khác
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời
Người quê lúa lặng lẽ viết lại những trang đời

Người quê lúa Đặng Đình Liêm sau chuỗi ngày tham gia quân đội và công tác xa nhà, đã trở về Thái Bình thanh thản viết lại những câu chuyện đời mình.

Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê
Thức dậy một dòng sông để thương nhớ làng quê

‘Thức dậy một dòng sông’ của tác giả Trần Nam Phong hình thành một bút pháp với những câu thơ ngân như ngọn gió không lời vừa quen vừa lạ.

Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình
Nghe tin bão lụt quê mệ Quảng Bình

Tôi nhớ tới thuật ngữ “nước khách” của vùng rốn lũ Lệ Thủy và chỉ mong nước như một vị khách quý đến rồi lại đi nhẹ nhàng, đừng để lại những đau thương, tổn thất gì cho quê hương.

Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa
Nứt ra từ đá những chân tình vùi dưới cơn mưa

‘Nứt ra từ đá’ là tập thơ thứ 7 của nhà thơ Phạm Phương Lan, một gương mặt nữ khá ấn tượng trong đời sống thi ca đô thị phương Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng miệt mài dõi theo chuyển động văn hóa

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng từ Hà Nội vào TP.HCM để giới thiệu hai cuốn sách mới viết về đời sống văn hóa, với công chúng đô thị phương Nam sáng 26/10.

Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam
Tiếc thương vĩnh biệt người Thầy, người Anh cả của ngành BVTV Việt Nam

Ngày 23/10/2024, GS.TS Đường Hồng Dật đã qua đời ở tuổi 96, để lại tiếc nuối cho những người làm nông nghiệp và bảo vệ thực vật trên cả nước cũng như bạn bè, đồng nghiệp.

Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'
Nhà văn Yên Ba cùng những tâm sự về 'Viết & Đọc'

Trải qua 6 năm, chuyên đề 'Viết & Đọc' đã đạt con số 26 ấn phẩm và nhận được nhiều yêu mến của độc giả.

Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca
Vẻ đẹp phụ nữ Việt như điểm tựa cảm xúc thi ca

Vẻ đẹp phụ nữ Việt không chỉ được nhắc đến trong những dịp nhộn nhịp như Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mà luôn giống như điểm tựa cảm xúc thi ca bất tận.

Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’
Lão thi sĩ trầm tư kỷ niệm ‘ai cũng có ngày xưa’

Lão thi sĩ Trần Duy Hiển ngoài tuổi tám mươi vẫn chứng minh sức nghĩ và sức viết chưa mệt mỏi, với tập thơ ‘Ai cũng có ngày xưa’ vừa ra mắt công chúng.

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử
Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử

Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng được tác giả đang công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng phục dựng bằng các tư liệu lịch sử ít được phổ biến.

GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp
GS.TSKH Phan Phải - Người sáng lập Viện Di truyền Nông nghiệp

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện Di truyền Nông nghiệp, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của GS.TSKH Phan Phải.

Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'
Gã trai xứ Nghệ thổn thức với 'năm ngón chưa đặt tên'

Gã trai xứ Nghệ với bút danh Đinh Nho Tuấn trong tập thơ ‘Năm ngón chưa đặt tên’ đã bày tỏ 'dành cho lúa những lời thứ nhất, dành cho lúa những lời sau cùng’.