Tiến vào thị trường thực phẩm Halal 2.500 tỷ USD: Từ loài cây mọc hoang thành sản phẩm xuất khẩu cho thu tiền tỷ

Quốc Toản - Thứ Tư, 06/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

Cách đây vài năm, sau chuyến tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản và Israel cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, anh Tân quyết định bỏ nghề nhôm kính, chuyển sang làm nông nghiệp công nghệ cao với sản phẩm chính là rau má.

Sâm của người Việt”

Anh Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết, lý do lựa chọn rau má để sản xuất hàng hóa quy mô lớn bởi đây là loại cây phổ biến, dễ trồng, gắn liền với đời sống, văn hóa của người xứ Thanh. Trong ẩm thực, rau má được mệnh danh là “Sâm của người Việt”.

Để thực hiện ý tưởng của mình, anh Tân đi khắp vùng quê xứ Thanh, thu thập các mẫu cây rau má mọc tự nhiên về nghiên cứu, chọn lọc, bảo tồn giống bản địa. Sau khi thành công về chọn giống, công ty đã liên kết với nhiều hợp tác xã, nông dân tại hầu khắp các huyện trong tỉnh, chuyển giao quy trình, kỹ thuật chăm sóc, sản xuất rau má, bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Chuyên gia Halal khảo sát, đánh giá chất lượng vùng trồng tại Công ty Phong Cách Mới. Ảnh: Quốc Toản.

Khi tạo lập được nguồn nguyên liệu ổn định, anh Tân đặt mua dây chuyền công nghệ Nhật Bản phục vụ chế biến, đồng thời xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu “Rau má xứ Thanh” từ rau má bản địa, gắn với việc xây dựng sản phẩm OCOP . 

Từ đây, các sản phẩm như bột rau má, nước rau má, thạch rau má, viên nén rau má, trà túi lọc rau má, bánh trung thu rau má… của Công ty Phong Cách Mới lần lượt ra đời. Ngay thời điểm đầu, các sản phẩm làm từ rau má đã được thị trường đón nhận, đặc biệt là hệ thống nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh. 

Không những thế, các sản phẩm làm từ cây rau má của Công ty Phong Cách Mới còn được mời tham gia các hội chợ, triển lãm nông sản quốc tế. Thông qua hình thức xúc tiến thương mại này, sản phẩm rau má của doanh nghiệp đã được đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan, Mỹ, Ấn Độ đặt hàng. Trong đó đối tác Ấn Độ đặt hàng với số lượng 3.000 - 3.500 tấn rau má tươi mỗi năm để chiết xuất tinh dầu. Hiện các sản phẩm từ rau má của anh Tân cũng đã được công nhận OCOP 4 sao.

Anh Trần Văn Tân, Giám đốc Công ty Phong Cách Mới. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Tân cho biết, việc liên kết sản xuất, ổn định nguyên liệu đầu vào, đồng thời tạo lập được thị trường ổn định đã và đang giúp nông dân và doanh nghiệp có thu nhập ổn định.

“Nếu nông dân tuân thủ đúng kỹ thuật, quy trình sản xuất sẽ cho 11 lứa rau má/năm, năng suất 45 - 50 tấn/ha. Trừ tất cả chi phí, sẽ có nguồn thu từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Với nguồn nguyên liệu ổn định, mỗi tháng, nhà máy có thể chế biến từ 80 - 100 tấn rau má tươi và hàng trăm nghìn hộp sản phẩm làm từ rau má”, anh Tân cho biết.

Hiện tại, các sản phẩm rau má của Công ty Phong Cách Mới đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương đều có đại lý phân phối. Các sản phẩm rau má mỗi năm đem lại cho doanh nghiệp doanh thu từ 25 - 30 tỷ đồng.

Chủ doanh nghiệp Phong Cách Mới cho biết thêm, các sản phẩm rau má của doanh nghiệp hiện nay tiêu thụ chủ yếu qua kênh thương mại điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp còn liên hệ với các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, giúp kết nối với chính quyền nước sở tại, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đưa rau má chinh phục thị trường tiềm năng, khó tính

Mới đây, anh Tân được Bộ Ngoại giao Việt Nam mời tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư, đưa nông sản tiếp cập thị trường Halal. Theo chủ doanh nghiệp Phong Cách Mới, đây là cơ hội để sản phẩm rau má của doanh nghiệp và nông sản địa phương chinh phục thị trường tiềm năng nhưng đầy “khó tính” này.

Dù Halal là thị trường tiềm năng, nhưng anh Tân thẳng thắn nhìn nhận một thực tế, nhiều nông sản của Thanh Hóa chưa đủ điều kiện để "chạm" đích đến.

“Muốn chinh phục thị trường quốc tế, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Trong khi đó, sản phẩm nông sản của Thanh Hóa sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, quy mô hàng hóa chưa đủ lớn để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều chủ thể đang chạy theo số lượng sản phẩm OCOP mà quên mất việc tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng tầm thương hiệu. Theo tôi, mỗi địa phương chỉ nên tập trung xây dựng một vài sản phẩm chủ lực gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền, từ đó định hướng phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường tiềm năng Halal”, anh Tân chia sẻ.

Cũng theo anh Tân, để sản phẩm có mặt trên các kệ hàng nước ngoài, doanh nghiệp, hợp tác xã cần thay đổi tư duy, cách làm, trong đó phải chú trọng đến nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. "Thị trường cần sản phẩm gì thì mình bán sản phẩm đó chứ không phải cứ thích là sản xuất rồi chờ giải cứu”, anh Tân nói.

Để chuẩn bị các điều kiện chinh phục thị trường Halal, trước đó, anh Tân đã liên kết tạo vùng nguyên liệu tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh với diện tích khoảng 100ha. Quy trình kỹ thuật trồng rau má của người dân được cán bộ kỹ thuật công ty "cầm tay chỉ việc" nhằm đáp ứng tiêu chí sạch, an toàn trong sản xuất. Công ty phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu rau má lên 300 - 500ha, đủ đáp ứng nhu cầu cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia có đông dân theo Hồi giáo.

Chuyên gia Halal thăm cơ sở sản xuất và khu trưng bày sản phẩm của Công ty Phong Cách Mới. Ảnh: Quốc Toản.

Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp Phong Cách Mới thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại một số quốc gia Hồi giáo để tìm hiểu, đánh giá thị trường. Cách đây vài tháng, các chuyên gia về Halal đã sang Việt Nam tham quan nhà máy chế biến, khảo sát vùng nguyên liệu và đánh giá chất lượng sản phẩm của công ty.

“Qua đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dây chuyền sản xuất, nguồn nguyên liệu, cho đến khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản của chúng tôi cơ bản đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của thị trường Halal. So với sản xuất các sản phẩm xuất khẩu thông thường, chi phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để đạt được chứng nhận Halal lớn hơn nhiều. 

Tuy nhiên, thay vì xem đó là thách thức, chúng tôi coi đây là cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ. Nếu đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của thị trường Halal, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tham gia vào sân chơi lớn và đầy tiềm năng này”, anh Tân kỳ vọng. 

Cũng theo anh Tân, hiện nay doanh nghiệp đã gửi toàn bộ mẫu các sản phẩm làm từ cây rau má cho đơn vị chứng nhận Halal kiểm định. Dự kiến đầu năm 2025 doanh nghiệp sẽ có giấy chứng nhận Halal và xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường một số nước có đông người dân theo Hồi giáo. Bên cạnh đó, Công ty Phong Cách Mới đang hoàn tất các thủ tục thuê đất, mở rộng sản xuất, đồng thời xúc tiến hợp tác, liên kết với nhà đầu tư Trung Đông để đầu tư dây chuyền, công nghệ chế biến, nâng quy mô sản xuất các sản phẩm rau má, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tại các nước Hồi giáo trong thời gian tới.

Quốc Toản
Tin khác
Biến phế phẩm từ quả điều thành đặc sản chay xuất khẩu
Biến phế phẩm từ quả điều thành đặc sản chay xuất khẩu

Tây Ninh Với phương châm đưa thực phẩm chay ra thế giới, Công ty Vương Ngọc Vegan đã biến những quả điều, loại quả được xem như phế phẩm trong nông nghiệp, thành nước mắm chay hảo hạng.

Biến rác hữu cơ thành phân hữu cơ quy mô nông hộ
Biến rác hữu cơ thành phân hữu cơ quy mô nông hộ

Theo các chuyên gia, nếu biết tận dụng lượng chất thải hữu cơ trong sinh hoạt biến thành phân bón hữu cơ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho nhiều nông hộ.

Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học
Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học

Bà Rịa - Vũng Tàu Nhờ làm phân hữu cơ từ đệm lót sinh học, Công ty Trang Linh đang chứng minh được hiệu quả kinh tế và sự đúng đắn trong triết lý nông nghiệp tuần hoàn.

Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô
Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô

Than dừa được làm chủ yếu từ gáo dừa - một phụ phẩm của ngành dừa. Xuất khẩu than dừa nói chung đang ngày càng tăng, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước.

Xơ mướp thành hàng xuất khẩu cao cấp đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao
Xơ mướp thành hàng xuất khẩu cao cấp đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao

Từ xơ mướp, những bạn trẻ Đồng Tháp đã sáng tạo thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao, được thị trường đón nhận, đã xuất khẩu đi nhiều nước như Nhật, Hàn, Mỹ, EU...

Bã sắn cứu cánh ngành chế biến tinh bột
Bã sắn cứu cánh ngành chế biến tinh bột

Từ một phế phẩm tưởng chừng vô giá trị, bã sắn tại Tây Ninh đã trở thành nguồn thu quan trọng cho các doanh nghiệp chế biến tinh bột.

Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục
Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục

Ngày nay, sản xuất không chỉ dựa vào kinh nghiệm, từ những mô hình thành công ở địa phương cho thấy tri thức hóa nông dân đang là nhiệm vụ hàng đầu.

Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức
Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức

ĐBSCL Việc tham gia của nông dân vào các tổ chức kinh tế tập thể còn thấp và công tác đào tạo chưa đồng đều khiến hành trình tri thức hóa nông dân gặp khó khăn.

Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp
Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp

Từ ý tưởng thi đua ‘Người nông dân chuyên nghiệp’, nông dân Đồng Tháp từng bước thay đổi tư duy sản xuất, khẳng định vai trò trong xây dựng nền kinh tế nông nghiệp.

Hơn 250 doanh nghiệp tham gia Ngày Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản
Hơn 250 doanh nghiệp tham gia Ngày Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

Chuỗi sự kiện Ngày Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản 2024 với slogan 'Chung tầm nhìn, chia sẻ thành công' đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình
Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình

Tiềm năng sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình phục vụ thị trường trong nước và đáp ứng xuất khẩu.

Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán
Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Thuận Tân Hội Quán còn thành lập điểm du lịch nông nghiệp, tổ chức các hoạt động cho du khách tham quan, trải nghiệm cuộc sống vùng sông nước.