| Hotline: 0983.970.780

Tuyệt đối không dung túng các hành vi khai thác IUU

Thứ Tư 04/10/2023 , 19:20 (GMT+7)

Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp.

4 tồn tại lớn

Ngày 4/10, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Công điện số 916/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4.

Sau gần 6 năm triển khai các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) và qua 3 đợt thanh tra thực tế của Đoàn Thanh tra EC, kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, sau đợt thanh tra lần thứ 3 (vào tháng 10/2022) của EC đến nay, kết quả triển khai các khuyến nghị của EC tại địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.

4 tồn tại lớn có thể nêu ra là: Tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân địa phương vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi vi phạm khai thác IUU còn chưa nghiêm; Chưa hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản; Chậm triển khai xử lý đối với các phát hiện của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3 liên quan đến một số tàu cá nhập khẩu, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và cảng cá xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác có dấu hiệu vi phạm quy định IUU…

Nếu không sớm giải quyết dứt điểm hiện trạng vi phạm khai thác IUU như hiện nay, không những không gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" mà nguy cơ bị cảnh báo "thẻ đỏ" là rất cao, trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành và lực lượng chức năng tại địa phương chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng.

Công điện khẳng định không dung túng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Ảnh: Tùng Đinh.

Công điện khẳng định không dung túng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Ảnh: Tùng Đinh.

Xử lý dứt điểm

Để quyết tâm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 4 của EC (từ ngày 10-18/10/2023), không để ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản, đời sống sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển; đặc biệt là làm giảm uy tín, vị thế, hình ảnh của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ban, bộ, ngành và địa phương có liên quan cần phải đặt trách nhiệm cao nhất tại thời điểm hiện nay, nghiêm túc chấn chỉnh, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU giao.

Cụ thể, từ nay đến trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra thực tế tại Việt Nam lần thứ 4 cần tập trung nguồn lực, xử lý dứt điểm các nội dung trọng tâm, cấp bách.

Trước tiên, Thủ tướng yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan đảm bảo nguồn lực, kinh phí khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế; chuẩn bị nội dung và các điều kiện tốt nhất để đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4.

"Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không dung túng, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình thực hiện hành vi trái phép làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế", Công điện nêu rõ.

Với Bộ NN-PTNT, tiếp tục tổ chức các Đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC, đặc biệt là chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC đảm bảo đạt kết quả tốt nhất.

Trong quá trình Đoàn Thanh tra EC công tác tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT phải tận dụng mọi cơ hội giải thích, chứng minh cho Đoàn Thanh tra EC hiểu, nắm được hoàn cảnh, điều kiện ngành thủy sản Việt Nam, quyết tâm của Chính phủ, nỗ lực của các cơ quan liên quan của Việt Nam trong chống khai thác IUU để trên cơ sở đó Đoàn có ý kiến ủng hộ gỡ cảnh báo "thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần này.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sau khi Đoàn Thanh tra EC kết thúc làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn không để tái diễn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với Bộ NN-PTNT thực hiện các thủ tục cho Đoàn Thanh tra EC và Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vào cảng biển chỉ định do Bộ Quốc phòng quản lý thực hiện Hiệp định về Biện pháp các quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cho tàu nước ngoài cập cảng để thực hiện chương trình làm việc theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra EC.

Tăng cường lực lượng biên phòng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, cảng vụ tại cảng biển chỉ định thực hiện Hiệp định PSMA và cơ quan quản lý thủy sản tại cảng cá để chuẩn bị tốt nội dung, phương án làm việc với Đoàn Thanh tra EC.

Rà soát, lưu trữ hồ sơ đảm bảo thống nhất số liệu kiểm soát tàu cá giữa lực lượng biên phòng và cảng cá tại địa phương, kịp thời cung cấp hồ sơ xử lý các hành vi khai thác IUU theo yêu cầu của Đoàn Thanh tra EC; cập nhật đầy đủ kết quả xử phạt vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Nhiệm vụ của địa phương

Với các địa phương ven biển, Thủ tướng yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quy định pháp luật trong công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.

Đảm bảo nắm được toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương; nắm rõ, cập nhật hiện trạng hàng ngày đối với các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác (tàu đang neo đậu ở đâu, tình trạng tàu…).

Chỉ đạo lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh và tàu cá của tỉnh khác phải đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định; đặc biệt thiết bị VMS trên tàu cá từ 15 mét trở lên phải mở máy, hoạt động bình thường từ lúc rời cảng, đến khi cập cảng.

Điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về VMS, trước mắt tập trung xử lý 100% tàu cá có chiều dài 24 mét trở lên vi phạm theo thông báo của Bộ NN-PTNT.

Ngoài ra, khẩn trương xây dựng chi tiết kế hoạch, chương trình, nội dung đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4; chuẩn bị kỹ hồ sơ, tài liệu liên quan, công tác hậu cần, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp với Bộ NN-PTNT làm việc với Đoàn Thanh tra EC đảm bảo đạt kết quả tốt nhất; đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Đoàn Thanh tra EC trong thời gian làm việc.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hãy để khoa học gặp gỡ cuộc sống

Chia sẻ với các nhà khoa học ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở, đừng dừng lại ở mục tiêu nghiên cứu mà hãy nhìn về lợi ích của nông dân.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bộ TN-MT phản hồi về đề xuất dẫn nước sông Hồng cải tạo sông Tô Lịch

Bộ TN-MT cho rằng, đề xuất bổ cập nước sông Hồng sang sông Tô Lịch là rất cần thiết, cấp bách nhưng giải pháp này chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy.