Đây là minh chứng rõ nét cho sự sáng tạo không ngừng và hiệu quả của công nghệ trong việc nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).
Việc thực hiện sinh thiết xương, đặc biệt tại các vị trí khó tiếp cận như cột sống cổ, xương nền sọ, luôn là một thách thức lớn trong y học. Tuy nhiên, sáng kiến cải tiến kỹ thuật sinh thiết xương với sự hỗ trợ của robot MaxiO, được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 175, đã mở ra một bước tiến đột phá.
Đây là công trình sáng tạo của Thiếu tá, Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thành Luân cùng đội ngũ tại Khoa Xạ trị, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175.
Theo bác sĩ Phạm Thành Luân, trước đây, kỹ thuật sinh thiết xương tại Bệnh viện Quân y 175 chủ yếu dựa trên phương pháp kinh điển dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính.
Phương pháp này khiến bệnh nhân dễ bị đau, thời gian sinh thiết kéo dài và tăng nguy cơ tai biến do kim đi lệch hướng, đặc biệt với những vị trí phức tạp có nhiều cấu trúc nguy hiểm xung quanh như mạch máu, thần kinh và tủy sống.
"Trong nhiều trường hợp, kỹ thuật kinh điển không thể thực hiện được hoặc bệnh nhân không đồng ý do nguy cơ cao", bác sĩ Phạm Thành Luân cho hay.
Từ năm 2022, Bệnh viện Quân y 175 được trang bị robot MaxiO với khả năng định vị chính xác, hỗ trợ nhiều kỹ thuật điều trị khác nhau. Tuy nhiên, việc ứng dụng robot này vào sinh thiết xương đòi hỏi những cải tiến vì đặc thù của kim sinh thiết xương không tương thích với các thao tác của robot trong môi trường xương cứng.
Nhận thấy tiềm năng vượt trội của robot MaxiO trong việc định vị chính xác, nhóm nghiên cứu đã cải tiến quy trình sinh thiết bằng cách kết hợp giữa phương pháp truyền thống và sự hỗ trợ của robot.
Robot được sử dụng để dẫn đường chính xác cho kim đến vị trí cần sinh thiết, từ vị trí chọc kim trên da đến vỏ xương. Sau khi định vị thành công, quá trình khoan cắt xương được thực hiện thủ công nhằm đảm bảo hiệu quả.
Việc sử dụng túi hút chân không cố định giúp bệnh nhân giữ nguyên vị trí trong suốt quá trình thực hiện, tránh hiện tượng di lệch do tác động lực mạnh khi sinh thiết.
Thuốc tê được tiêm theo đường dẫn của robot đến vỏ xương – nơi có mật độ dây thần kinh cảm giác cao nhất, đảm bảo bệnh nhân không đau và hạn chế cử động ngoài ý muốn.
Sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả tại Bệnh viện Quân y 175, đặc biệt với những ca sinh thiết xương khó như xương sọ, cột sống cổ và các vị trí phức tạp khác.
Bác sĩ Phạm Thành Luân cho biết thêm, trong hơn một năm triển khai, kỹ thuật này đã được thực hiện thành công trên 95 bệnh nhân, bao gồm nhiều trường hợp đặc biệt khó.
Kỹ thuật này không chỉ đảm bảo độ chính xác và an toàn cao, mà còn giúp rút ngắn thời gian thực hiện, giảm đau đớn cho bệnh nhân và hạn chế số lần tiếp xúc với tia xạ.
"Kỹ thuật cải tiến này có thể được chuyển giao dễ dàng cho các cơ sở y tế có trang bị robot MaxiO mà không cần mua sắm thêm thiết bị. Với các cơ sở chưa có robot, bệnh nhân có thể được chuyển đến nơi có trang bị để thực hiện", bác sĩ Phạm Thành Luân thông tin thêm.
Ngoài lĩnh vực ung bướu, kỹ thuật này còn có thể áp dụng cho các chuyên ngành khác như thần kinh cột sống, xương khớp, lao xương…
Theo bác sĩ Phạm Thành Luân, giải pháp này giúp giảm 75% chi phí so với phương pháp mổ mở, giảm thời gian nằm viện và gánh nặng chăm sóc sau mổ. Bên cạnh đó, còn giúp giảm tải cho hệ thống phẫu thuật vốn đang quá tải.
Hiện sáng kiến ứng dụng robot MaxiO trong sinh thiết xương ở các vị trí khó tiếp cận đã được lựa chọn vào vòng cuối của giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam lần thứ V do Sở Y tế TP.HCM tổ chức và được đề xuất tham dự giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội lần thứ 25.