Chiều 8/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến bàn về ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ ở các địa phương miền núi phía Bắc.
Tại điểm cầu Phú Thọ, đồng chủ trì là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, ngoài ra còn có đại diện các địa phương miền núi phía Bắc và đại diện một số Bộ như Giao thông - Vận tải, Tài nguyên môi trường, Công thương… tham gia họp trực tuyến.
Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, những ngày qua, hiện tượng mưa lớn liên tục ở khu vực khiến nhiều địa bàn bị chia cắt, phá hủy nhiều cơ sơ hạ tầng và gây ra cả thương vong về người. Trong tình hình đó, các Bộ, ngành và địa phương sẽ cùng bàn họp để đưa ra các phương án đối phó cả trước mắt và lâu dài.
"Qua cuộc họp này, Bộ NN-PTNT sẽ nắm tình hình, ghi nhận kiến nghị của các địa phương để có thống kê, báo cáo lên Thủ tướng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Người dân chủ quan với mưa lũ
Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), trong 7 ngày vừa qua, khu vực miền núi Bắc Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng từ 300-400 mm.
Mưa lớn gây lũ cục bộ trên sông suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc, gây thiệt hại về người, nhà ở, sản xuất, cơ sở hạ tầng, nhất là tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai...
Dự báo, đến sáng 9/8, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-50mm, có nơi trên 100mm; mưa lớn cục bộ ở có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 11-12/8.
Với tình hình mưa lũ vừa qua, ở khu vực miền núi phía Bắc đã có 11 người thiệt mạng, 2 người mất tích và 3 người bị thương. Ngoài ra có hơn 300 ngôi nhà, hơn 170 ha cây trồng và 11 ha nuôi trồng thủy sản, hàng loạt công trình thủy lợi, trường học bị thiệt hại. Bên cạnh đó là sạt lở gây ảnh hưởng đến giao thông và gãy đổ cột điện 35 KV gây mất điện diện rộng ở Yên Bái.
Càng kinh nghiệm càng không được chủ quan
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong vấn đề đối phó với thiên tai, mưa lũ, càng có kinh nghiệm lại càng không được chủ quan. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo và sẵn sàng cho những đợt mưa lũ trong thời gian tới.
“Những mất mát là không mong muốn, qua đây tôi muốn gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân của mưa lũ thời gian qua. Đồng thời, cảm ơn các cơ quan, đơn vị, lực lượng và bà con đã kịp thời ứng phó với tình hình mưa lũ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với hội nghị và yêu cầu sớm có phương án hỗ trợ cho các gia đình bị nạn, khắc phục thiệt hại, khẩn thương thông tuyến giao thông. Đồng thời lưu ý bảo đảm an toàn cho lực lượng ứng phó, cứu hộ, khắc phục khi thực hiện nhiệm vụ.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng yêu cầu các đơn vị chức năng phải trực 24/24, để theo dõi các khu vực xung yếu, sẵn sàng di dân ra khỏi vùng nguy cơ. Bên cạnh đó là kiểm soát người dân, không để bà con chủ quan trước mưa lũ bằng các phương án tuyên truyền, thông tin ngay từ cấp cơ sở.
Về lâu dài, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng cần có những phương án, chiến lược dài hạn với cách tiếp cận đồng bộ, phát huy nguồn lực cả địa phương và trung ương, trong đó ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân đồng thời đảm bảo công tác sản xuất tại các địa phương.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề cập đến việc các địa phương, đơn vị phối hợp với Cục Lâm nghiệp để có phương án cải thiện tình trạng sạt lở bằng những biện pháp liên quan đến cây trồng. Liên quan vấn đề này, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương chủ động rà soát các diện tích đất cho lâm nghiệp, không chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ, rừng ở các khu vực xung yếu.
Về kỹ thuật, Phó Cục trưởng cho biết: “Về trồng rừng hạn chế ảnh hưởng mưa lũ, các địa phương cần uu tiên những loại cây bản địa, tán rộng, lá thường xanh, bộ rễ phát triển, là cây lâu năm và trồng với mật độ 600 cây/ha”.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang nhấn mạnh, tỉnh sẽ tăng cường công tác dự báo và sẵn sàng ứng phó với các tình huống, trong đó tập trung vào phương án “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành, trong đó có Bộ NN-PTNT quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ cơ chế, nguồn lực cho các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai.