| Hotline: 0983.970.780

Ung thư cổ tử cung - căn bệnh nguy hiểm với phụ nữ

Thứ Tư 28/03/2018 , 08:24 (GMT+7)

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) thường gặp ở phụ nữ. Đây là bệnh mà tế bào ung thư xuất hiện ở cổ tử cung, là phần nối giữa tử cung và âm đạo.

Để giúp chị em hiểu rõ hơn về căn bệnh này, cũng như cách phòng tránh và phương pháp điều trị, PV NNVN đã trao đổi với BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa ngoại 1 - Ung thư phụ khoa (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM).

15-57-59_hinh_2
BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa cùng tập thể Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

Bác sĩ có thể cho độc giả biết rõ hơn về bệnh UTCTC?

 Đây là bệnh phát triển do các tế bào ở niêm mạc tử cung phát triển một cách nhanh chóng, khó kiểm soát và hình thành một khối u lớn. Bệnh thường gặp ở phụ nữ từ 30 - 50, phổ biến nhất là độ tuổi 45- 50, ít gặp ở phụ nữ dưới 20 tuổi.

Ở nước ta, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 người mắc bệnh UTCTC, trong đó 11 trường hợp không qua khỏi.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này?

Nguyên nhân chính do nhiễm Papilloma virut (HPV) lâu ngày, dẫn đến loạn sản gây ung thư trong biểu mô và phát triển thành UTCTC. Ngoài ra, việc có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm, hút thuốc lá,... cũng được xem là những yếu tố nguy cơ dẫn đến UTCTC.

Tầm soát UTCTC là gì, thưa bác sĩ?

 Tầm soát ung thư là sử dụng các xét nghiệm đơn giản, dễ làm để phát hiện ung thư ở các bệnh nhân chưa có biểu hiện bệnh. Hiện nay, việc tầm soát UTCTC bằng xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) khá đơn giản, không quá mắc tiền và có thể thực hiện ngay ở các trạm y tế. Việc tầm soát tiến hành lần đầu tiên khi phụ nữ từ 21 tuổi, thực hiện cứ 3 năm 1 lần và kéo dài đến năm 65 tuổi.

HPV là một nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, nên việc chích ngừa HPV có thể hạn chế mắc UTCTC, tuy nhiên chi phí hiện nay còn khá cao.

Đâu là những triệu chứng nhận biết bị bệnh UTCTC?

 Trước tiên là chảy máu âm đạo bất thường, thường xảy ra giữa kỳ kinh nguyệt, hoặc sau khi quan hệ tình dục, sau mãn kinh. Máu thường đỏ tươi, lượng ít, tự ngưng nhưng sau đó lặp lại và tăng dần.

Thứ hai, là ra dịch âm đạo bất thường, huyết trắng lúc đầu ít, sau tăng dần, có thể loãng hay nhầy, trắng đục hoặc lẫn máu nhầy như máu cá, lâu ngày có mùi hôi.

Thứ ba, là đau sau quan hệ tình dục.

Thứ tư là đau vùng chậu, hay lên cơn đau âm ỉ, xảy ra bất cứ lúc nào trong tháng và thường xuyên hơn.

Thứ năm là rối loạn kinh nguyệt, UTCTC có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài hơn bình thường, rong kinh.

Thứ sáu là khó chịu khi tiểu, tiểu gắt buốt; tiểu khó, lắt nhắt, đôi lúc kèm máu, không tự chủ.

Thứ bảy là giảm cân không rõ lý do, thường gặp ở giai đoạn muộn, sụt cân cho thấy bệnh đang tiến xa.

Thứ tám là mệt mỏi liên tục, cơ thể thiếu máu và suy giảm miễn dịch, cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng dù đã nghỉ ngơi.

Cuối cùng là đau chân, vì lúc này khối ung thư lan ra làm tắc nghẽn dòng máu, gây sưng và đau chân. Đau có xu hướng liên tục và tăng theo thời gian.

15-57-59_hinh_1
BS Tiến đang thăm khám cho một bệnh nhân có khối u rất to

Các triệu chứng trên không đồng nghĩa với ung thư, mà còn gặp trong nhiều bệnh khác. Khi phát hiện, chị em lập tức đi khám tại khoa phụ sản các bệnh viện địa phương, tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết như: Pap`s, soi cổ tử cung, siêu âm bụng và được bác sĩ tư vấn các bước tiếp theo.

Vì vậy, không nên chờ đến khi có triệu chứng mới thăm khám phụ khoa, mà nên chủ động tầm soát hàng năm, tiêm vắcxin ngừa HPV sớm, từ 9- 26 tuổi để giảm 70% nguy cơ UTCTC.

Đối với phương pháp điều trị thì thế nào, thưa bác sĩ?

Nếu được phát hiện từ sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh ở giai đoạn tiền ung thư là 100%. Bệnh càng tiến triển thì kỹ thuật điều trị càng phức tạp, gây đau đớn, chi phí tốn kém, thời gian sống giảm đi, khả năng khỏi bệnh thấp.

Ở giai đoạn đầu, tỷ lệ đạt 85-90%, giảm dần đến giai đoạn 2 còn 50-75%, giai đoạn 3 là 25-40% và chỉ có dưới 15% người bệnh ở giai đoạn 4 còn sống sau 5 năm.

Nếu phát hiện giai đoạn tiền ung thư hoặc xâm lấn sớm, có thể chữa khỏi mà vẫn giữ được tử cung và buồng trứng, bảo tồn chức năng nội tiết và sinh sản.

Còn với giai đoạn muộn, điều trị triệt để bằng phẫu thuật hay hóa, xạ trị không giữ được chức năng của hai cơ quan này, mất cơ hội sinh con. Song bệnh nhân có thể thảo luận với bác sĩ để lưu trữ trứng trước khi điều trị, nhờ mang thai hộ.

Xin bác sĩ cho biết, số lượng bệnh nhân đến điều trị tại Khoa ngoại I mỗi năm?

Mỗi năm, Khoa ngoại I mổ trên 500 ca bị UTCTC.

BS Nguyễn Văn Tiến là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm điều trị tại Khoa ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đã phẫu thuật cho rất nhiều phụ nữ có những khối u rất lớn, tới trên 40kg. BS Tiến cùng với tập thể Khoa ngoại I còn điều trị miễn phí cho nhiều phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh lý về ung bướu phụ khoa.

 

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.