Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức phiên họp thứ 29, từ ngày 12/6 đến 15/6. Trong những điều Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, quần chúng không khỏi băn khoăn về hai nhiệm kỳ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa liên tục từ 2010-2020 đã tồn tại tiêu cực kéo dài.
Không chỉ vi phạm nghiêm trọng các chủ chương, quy hoạch, giao đất và sử dựng ngân sách cho một số dự án, trong đó có các dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC thực hiện, mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa còn để một số cán bộ, đảng viên kê khai tài sản cá nhân thiếu trung thực, vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Danh sách hơn 20 cán bộ thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa có liên quan đến vi phạm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu tên, nổi cộm lên hai trường hợp là ông Mai Văn Ninh và ông Trịnh Văn Chiến.
Cụ thể, ông Mai Văn Ninh đảm nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa từ tháng 10/2010 đến tháng 11/2014, còn ông Trịnh Văn Chiến kế nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa từ tháng 11/2014 đến tháng 10/2020.
Vi phạm được xác định xảy ra suốt 10 năm, thì người trước và người sau đều không thể vô can. Ít nhất, cả ông Mai Văn Minh và ông Trịnh Văn Chiến đều phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng những vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020 đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn tiền, tài sản Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra. Đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa phải kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Một câu hỏi nghiêm túc: Trước khi những vi phạm bị lộ diện tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và công khai trên các phương tiện truyền thông, thì vai trò kiểm tra và giám sát ở địa phương như thế nào, hoạt động phê bình và tự phê bình ở cơ sở như thế nào?
Vi phạm của một người có thể đổ lỗi cho nhận thức hạn chế trong một khoảng thời gian nhất định, còn vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa qua một thập niên thì phải lý giải ra sao?
Có sự nể nang, có sự thỏa hiệp hay có sự bao che nào không?
Nếu thực sự trong sáng và cầu thị thì sai phạm của người nọ phải được người kia cảnh tỉnh và ngăn chặn theo đúng tinh thần đồng chí cùng phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương không thể làm thay trách nhiệm mỗi cán bộ.
Vi phạm ở bất kỳ nơi nào và vi phạm ở bất kỳ tổ chức nào, cũng sẽ không đến mức nghiêm trọng, nếu mỗi cán bộ phát huy trách nhiệm cá nhân trước Đảng và Nhà nước.
Cán bộ im lặng và vô cảm trước tiêu cực, cũng xem như biểu hiện tha hóa đạo đức, lối sống.
Bài học Thanh Hóa chính là một lời nhắc nhở nghiêm khắc cho tất cả những ai đang phụng sự đất nước - đang dùng quyền và tiền của nhà nước.