Sau khi dỡ về, không cần bóc vỏ, họ băm nhếu nháo tung ra bãi cỏ phơi 2-3 nắng thấy ráo tay là cho vào bao tải đem cân cho các thương lái từ khắp nơi đổ về. Những chiếc xe Hyundai trọng tải 20-30 tấn dài như đoàn tàu tấp nập vượt đèo ách, Cửa Nhì lên tận: Suối Giàng, Gia Hội, Nậm Búng…thu mua sắn lát khô chở lên Lào Cai để xuất khẩu sang Trung Quốc, hoặc xuôi về các tỉnh đồng bằng sau đó lại ngược lên Lạng Sơn... Theo các thương lái thì sắn lát khô chủ yếu bán sang Trung Quốc để chế biến thành tinh bột hoặc cung cấp cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi gia súc, một số nhà máy chế biến thức ăn gia súc của Việt Nam có thu mua nhưng với số lượng không lớn lại phải bóc sạch vỏ.
Giá thu mua sắn lát khô tại chỗ từ 1.700- 1.800đ/kg, theo tính toán của bà con cứ hai cân sắn lát khô thì mua được một cân thóc. Nếu giá sắn lát khô cứ được như mấy năm nay thì trồng sắn nhàn hơn trồng lúa, nếu đầu tư thì thu nhập trên cùng diện tích trồng sắn cao hơn trồng các loại hoa màu khác. Bởi thế, chả cần tuyên truyền vận động, nhiều người dân tự nguyện trồng những giống sắn mới có năng suất cao như: KM94, KM60, HN124…Năng suất trung bình mỗi ha từ 20-25 tấn/ha, nhiều hộ đầu tư phân bón và chăm sóc nên năng suất đạt khoảng 30tấn/ha. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hợp Đoàn, vụ sắn 2007 Văn Chấn trồng gần 2.000 ha, chủ yếu là sắn cao sản. Với năng suất bình quân 20tấn/ha thì năm nay Văn Chấn dự kiến thu khoảng 40.000 tấn củ tươi, tương đương 10.000 tấn sắn lát khô.
Điều đáng nói là bà con vùng cao Văn Chấn nhiều năm trước đây trồng sắn chỉ để chăn nuôi, nấu rượu thì nay bà con trồng sắn chế biến để bán. Sắn trở thành một mặt hàng nông sản mang lại nguồn thu không nhỏ. Việc chế biến sắn lát khô những năm trước là việc xa lạ đối với bà con các dân tộc: Mông, Dao, Khơ Mú…thì nay việc làm đó trở nên thành thạo đối với bà con. Gia đình ông Giàng Tả Chinh ở Suối Giàng trồng tập trung khoảng gần 2 ha sắn cao sản, từ đầu vụ đến nay ông Chinh ngoài những người trong gia đình ông còn nhờ một số người trong bản theo kiểu đổi công để dỡ sắn và thái lát sắn. Vợ ông Chinh bảo: Mình không biết chồng nó bán được bao nhiêu đâu, nhiều lắm à. Tết này con mình có áo mới từ cây săn này á…Tết người Mông theo dương lịch, bà con vùng cao Suối Giàng mấy năm nay vui hơn nhiều là nhờ một phần thu nhập từ cây sắn.
Một “tổ hợp” trồng và chế biến sắn lát khô cũng đã hình thành từ các hộ gia đình, trong đó phải kể đến “tổ hợp” gia đình nhà chủ tịch xã Giàng A Đằng liên kết với gia đình Giàng A Su, Giàng A Chang. Xã Suối Giàng năm nay trồng trên khoảng 300 ha sắn, ngoài đầu mối thu mua của Vàng A Chúng-Hà Văn Đại còn một số đầu mối thu mua khác, chị Nguyễn Thị Thiếp cho biết: Mỗi ngày tôi thu mua khoảng hơn 10 tấn sắn lát khô, tiền trao ngay cho bà con, khoảng 3 ngày thì được một chuyến xe.