Văn chương Việt cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi thị trường xuất bản trầm lắng vì Covid-19. Thế nhưng, văn chương Việt vẫn phải chuẩn bị nội lực để bước vào năm Tân Sửu một cách tự tin và đột phá. Cơ hội nào cho văn chương Việt trước thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng?
Dù Hội nghị văn học đầu năm 2021 và Ngày thơ Việt Nam vào dịp Nguyên Tiêu 2021, đều không thể diễn ra do dịch bệnh phức tạp, nhưng công chúng vẫn còn nguyên niềm chờ đợi vào sự phát triển của văn chương Việt.
Chúng tôi quyết định "xông đất" nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vào sáng mùng 1 Tết, để lắng nghe những chia sẻ về con đường sáng tạo của năm Tân Sửu 2021.
@ Năm 2020 vừa qua, một trong những sự kiện được chú ý nhất của đời sống văn hóa là Đại hội các hội nghề nghiệp. Từ Hội Mỹ thuật VN, Hội Nhà văn VN đến Hội Văn nghệ Dân gian VN đều có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Những người trẻ hơn đang được giao trách nhiệm quy tụ và phát triển văn học nghệ thuật nước nhà. Tôi nghĩ, đó là một sự hy vọng mới từ bệ phóng năm Tân Sửu để bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21.
- Mọi sự thay đổi đều luôn mang đến niềm hy vọng. Nhưng có một điều tôi muốn nói là Ban chấp hành Hội nhà văn VN khóa 10 đúng bản chất là sự chuyển giao thế hệ chứ không thể gọi là trẻ vì tất cả đều qua tuổi 50. Với tuổi đó, người xưa gọi là tuổi “tri thiên mệnh”. Làng tôi khi ai đến tuổi 50 thì được công nhận là “lão” và có nơi hiện nay còn làm lễ “lên lão”. Nhưng chúng ta chưa đủ yếu tố và cả sự tự tin để trẻ hóa Ban chấp hành Hội Nhà văn VN lúc này. Chúng ta phải đợi chờ. Trong lúc đợi chờ thì những người ít già hơn sẽ phải đảm đương công việc.
@ Tôi thấy trong diễn văn nhận chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông dùng khái niệm “đặt cược vào thế hệ trẻ”. Liệu sự đặt cược có mang tính mạo hiểm không?
-Cuộc đặt cược nào cũng có tính “mạo hiểm”. Riêng đối với Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 10, khi tôi nói thế là tôi và Ban chấp hành đã tự chặt đứt “cây cầu” để rút lui. Như thế chúng tôi chỉ có tiến lên mà không còn đường bỏ chạy. Nhưng cái nghĩa cơ bản là tôi muốn nói với mọi người hãy tin vào thế hệ các nhà văn trẻ, những người mà tôi đang nhìn họ từ dưới 40 tuổi. Cho dù chúng ta không tin vào thế hệ trẻ thì thế hệ ấy vẫn thay thế chúng ta, bởi chúng ta sẽ dần dần tàn lụi. Không ai chống lại được thời gian. Đầu tư lòng tin vào thế hệ trẻ là một đầu tư đáng giá nhất. Khi bạn tin một ai đó thì người đó sẽ không muốn để bạn mất lòng tin cho dù với lý do nào.
@ Thực tế chứng minh, những người trẻ đang làm chủ các kênh giải trí trên mạng, nhưng tuổi trung bình của hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nằm ở ngưỡng ngoài 60. Tôi cho rằng, cần cải thiện phương pháp hoạt động để thu hút người trẻ gia nhập Hội nhà văn Việt Nam.
- Đây là một điều không dễ. Trước hết, chúng tôi phải làm sao làm cho những người viết văn trẻ muốn tham gia vào Hội nhà văn Việt Nam. Như thế, chúng tôi phải tạo cho họ một cơ hội, một môi trường và một diễn đàn và lắng nghe họ cũng như tôn trọng họ. Chúng tôi muốn có một giải thưởng dành riêng cho những người trẻ và những điều kiện khác nữa. Một giải thưởng mà chúng tôi muốn cho mọi người thấy được những tín hiệu đầy hy vọng vào một nền văn học trong tương lai. Tôi tin những năm tới sẽ nhiều hơn những người viết trẻ muốn vào hội.
@ Ông từng đến nhiều quốc gia, ông thấy những Hội nghề nghiệp của họ có những ưu điểm gì?
-Trước hết những người đảm đương vị trí đứng đầu là những người thực sự dấn thân cho tổ chức văn chương của họ, vì không ai muốn đánh mất thời gian tư duy, đọc và viết của mình. Việc bầu bán của họ không hề phức tạp mà gần như cử ra hoặc tự nguyện gánh vác vị trí đó. Thứ hai là mỗi người đứng đầu chỉ trong một nhiệm kỳ rất ngắn và hầu như họ chỉ làm một nhiệm kỳ. Họ quan niệm người đứng đầu tổ chức văn chương là người có khả năng điều hành công việc của một tổ chức, chứ không phải là người có uy tín nhất về sáng tác. Thứ ba là họ chỉ tập trung vào chuyên môn và thúc đấy văn hóa đọc.
@ Một trong những thách thức của nền văn hóa hiện nay là hội nhập quốc tế. Thực sự, chúng ta cần chuẩn bị rất nhiều thứ cho sân chơi thế giới rộng lớn. Hòa nhập mà không bị hòa tan là điều then chốt.
- Khi chúng ta hòa nhập vào một cộng đồng và để có một vị trí riêng trong cộng đồng ấy thì chúng ta phải khác biệt và có bản sắc của chúng ta. Cái chúng ta cần cho sân chơi thế giới là chúng ta phải có một giá trị riêng biệt của chúng ta. Nếu không, chúng ta sẽ bị đồng hóa ở nghĩa nào đó, hình thức nào đó và chúng ta bị nhấn chìm. Khi chúng ta đến với sân chơi thế giới, thế giới sẽ hỏi chúng ta đưa ra cho họ xem cái chúng ta có. Thế giới không cần và chẳng bao giờ để ý nếu chúng ta chỉ là một bản sao nhạt nhẽo của thế giới.
@ Xã hội hóa hoạt động nghệ thuật là một xu thế tất yếu. Thế nhưng, xã hội hóa sân khấu và xã hội hóa điện ảnh đã có ít nhiều thành tựu, còn xã hội hóa văn chương có thể hình dung như thế nào?
- Xã hội hóa sân khấu và điện ảnh có chứa đựng khả năng quảng bá hình ảnh cho người đầu tư. Còn với văn chương thì tính hiệu quả trong khía cạnh ấy khiêm tốn hơn nhiều. Chúng ta thường chỉ nghĩ xã hội hóa văn chương là các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền cho sự phát triển văn học. Đó chỉ là một yếu tố. Khi chúng ta làm cho xã hội muốn đọc tác phẩm văn chương thì đó cũng là một con đường vô cùng quan trọng của cái gọi là xã hội hóa văn chương.
@ Nghĩa là nhà văn phải có tác phẩm đáp ứng được nguyện vọng của công chúng?
- Đúng! Vấn đề là các nhà văn phải làm ra những tác phẩm mà xã hội phải tìm đến. Nói cách khác, văn học có sức lan tỏa trong xã hội. Khi một tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội nó sẽ có sức mạnh lâu dài nhiều lần so với các sản phẩm khác. Khi các nhà văn tạo ra sự ảnh hưởng thực sự trong xã hội thì con đường xã hội hóa sẽ đầy hứa hẹn. Nhưng khi các tác phẩm văn chương không để lại ấn tượng mạnh trong xã hội thì các nhà đầu tư sẽ khó mà tự nguyện bỏ tiền của mình vào một nơi mà sự hy vọng quá ít ỏi.
@ Xin trân trọng cảm ơn những dự báo tốt đẹp của ông về văn chương Việt. Xin chúc ông năm Tân Sửu nhiều sức khỏe và thành công.