| Hotline: 0983.970.780

Văn Giang: Nỗi lo mưu sinh sau thu hồi đất

Thứ Tư 09/05/2012 , 14:25 (GMT+7)

Hai tuần sau khi UBND huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cưỡng chế thu hồi đất tại xã Xuân Quan, các hộ dân ở đây đang tất bật nỗi lo mưu sinh khi không còn đất canh tác. Họ vẫn khiếu nại vì cho rằng có những văn bản vi phạm pháp luật và không có giá trị thực hiện.

>> Được, mất…

>> Vì sao người dân quyết liệt bám giữ đất?
>> Yêu cầu làm rõ vụ 2 nhà báo bị hành hung ở Văn Giang

>> “Vụ việc Văn Giang, các cơ quan báo chí chính thức đưa tin ít, phản ứng chậm”
>> Ruộng đất, nhìn từ chuyện cưỡng chế ở Văn Giang
>> Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm Trung tâm Nấm Văn Giang
>> Văn Giang trồng hoa Thu từ 150 đến 200 triệu đồng/ha/năm

Chiều 8-5, hàng chục nông dân xã Xuân Quan có mặt tại ngôi nhà tạm của ông Lê Thạch Bàn (74 tuổi), sau buổi sáng ra trồng cây trên những thửa ruộng của họ mới bị cưỡng chế xây dựng dự án khu đô thị thương mại - dịch vụ Văn Giang (Ecopark) hôm 24-4.

“Chúng tôi vừa ra trồng chuối lại trên mảnh đất đã bị cưỡng chế. Cũng chỉ dám trồng những cây ngắn ngày như chuối, đậu... bởi không làm thì không biết lấy gì ăn” - những người này cho biết.

Người dân Xuân Quan, Văn Giang trở lại trồng cây ngắn ngày trên đất đã bị cưỡng chế.

Mất thu nhập ổn định

Ông Bàn nói: “Dự án và các chính sách của Đảng, Chính phủ và Nhà nước chúng tôi không phản đối, nhưng cần phải làm đúng với kết luận và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ trong việc đền bù và đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân”. Ông Bàn đặt vấn đề câu chuyện tạo công ăn việc làm cho những người lao động tại địa phương, đồng thời có mức đền bù thỏa đáng bởi mức giá đền bù chưa thể bằng được thu nhập một năm trên một sào đất trồng cây cảnh mà người dân đang có.

Bày tỏ sự lo lắng về công ăn việc làm, chị Đỗ Thị Sửu cho biết nhà có 2 sào ruộng bị cưỡng chế. Trước đây, 2 sào ruộng này vốn là đất trồng lúa, chịu khó chăm bón mỗi năm cũng cho gia đình hơn 1 tấn thóc. Tuy nhiên, 2 sào đất ấy của nhà chị Sửu đã được chuyển đổi sang trồng cây cảnh cho thu nhập từ 50 đến hàng trăm triệu đồng/sào/năm. Nhờ khoản tiền này, gia đình chị Sửu đủ chi phí sinh sống và đầu tư cho con đi học.

“Từ hôm bị cưỡng chế đến nay chúng tôi không biết làm gì để sống. Nhà tôi có một đứa con đang học ĐH ở Hà Nội, hằng tháng phải cung cấp tiền cho nó mà giờ không còn ruộng, không còn nơi để trồng cây cảnh nên không có thu nhập, chưa biết có vay mượn mà cho cháu học đến lúc tốt nghiệp hay không” - chị Sửu bất lực.

Trăn trở chuyển đổi nghề

Vấn đề chuyển đổi công việc, làm gì sau khi bị thu hồi đất cũng là nỗi trăn trở của người dân bị cưỡng chế.

Ông Lê Thạch Bàn cho biết nhà đầu tư nói sẽ nhận người tại xã Xuân Quan vào làm tại dự án nhưng chẳng có mấy thanh niên trai tráng trong làng được nhận. Việc hứa hẹn đưa người đi xuất khẩu lao động nước ngoài đến nay cũng chưa có ai ở xã Xuân Quan ra nước ngoài làm việc. Thậm chí nhà đầu tư hứa hẹn đào tạo nghề, tạo việc làm cho các hộ dân nhưng chưa được thực hiện, chỉ là những lời hứa hẹn suông. Về phần chính quyền cũng chưa có lớp đào tạo nghề nào hay tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi công việc.

Thực tế, khi có dự án Ecopark, UBND tỉnh Hưng Yên đã có chủ trương xây dựng làng nghề gốm sứ tại xã Xuân Quan, làng nghề mây tre đan tại thị trấn Văn Giang để tạo việc làm cho người dân. Tuy nhiên, những chủ trương này vẫn chưa đến được với người dân, chưa thành hiện thực để người dân có một nghề thật sự mưu sinh.

Về phía nhà đầu tư, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) mới chỉ đào tạo, tuyển dụng được một lớp nhân viên bảo vệ an ninh. Ngoài ra, công ty này hứa hẹn đối với những hộ bị thu hồi 100% đất nông nghiệp, công ty sẽ nhận mỗi hộ một lao động vào làm việc; nhận mỗi hộ hoàn thành bàn giao đất một lao động phổ thông vào làm việc.

Nhà đầu tư cũng cam kết sau khi bàn giao 100% diện tích đất dự án sẽ nhận khoảng 3.000 lao động phổ thông, tập huấn, đào tạo để sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, những hứa hẹn này được triển khai như thế nào vẫn còn phải chờ đợi.

Trả lời về việc đã thực hiện chính sách hỗ trợ lao động cho người dân bị thu hồi đất thế nào, ông Nguyễn Công Hồng, phó tổng giám đốc Vihajico, khẳng định sẽ thực hiện cam kết với tỉnh và người dân. Tuy nhiên, ông Hồng cho biết khó tuyển được lao động là người địa phương vào làm việc vì hiện nay những công việc như cắt hoa tỉa cành trong Ecopark chỉ có mức lương 130.000 đồng/ngày, người dân chê thấp nên không làm, do đó không tuyển được người.

Ông Hồng đưa ra lý do người dân không chịu vào khu đô thị làm là bởi “dù còn đất canh tác nhưng người dân vẫn đi làm thuê bên Bát Tràng với mức lương cao hơn nên họ không muốn làm trong khu vực dự án”.

Trong khi đó, một phó tổng giám đốc khác của Vihajico là ông Vũ Mai Phong lại khẳng định có thời điểm số người địa phương làm việc trong Ecopark lên đến 500 người. Tuy nhiên, những lao động này đều là lao động chân tay hoặc làm việc liên quan đến cây cảnh là công việc chuyên môn người dân địa phương đã thực hiện nhiều năm. Ông Phong thừa nhận từ khi dự án bắt đầu khởi công đến nay, chủ đầu tư cũng chưa mở được một khóa đào tạo và dạy nghề nào cho người dân của Xuân Quan nói riêng và Văn Giang nói chung.

Điều căn cơ nhất là việc làm cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất dường như chưa được chú ý. Với người nông dân “ăn chắc mặc bền”, đương nhiên họ cần một công việc cho thu nhập ổn định để đảm bảo tương lai chứ không chỉ là số tiền đền bù hay những lời hứa vẫn còn nằm trên giấy.

(Theo Tuổi trẻ)

Xem thêm
Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.