Văn hóa đọc thực sự được củng cố khi ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, văn hóa đọc không chỉ cần “lễ” và “hội” mà cần một chiến lược quốc gia lâu dài. Để có văn hóa đọc thực sự, thì phải nhìn thẳng vào thực trạng và nhu cầu đọc sách của người Việt Nam.
Theo số liệu lạc quan được giới xuất bản đưa ra, thì hiện nay trung bình mỗi năm một người Việt Nam đọc 4 cuốn sách, trong đó 2/3 đã là sách giáo khoa bắt buộc ở hệ thống học đường. Rõ ràng, sức đọc của người Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp, nếu so với một số quốc gia khác. Ví dụ, trung bình mỗi năm một người Singapore đọc 14 cuốn sách, hoặc trung bình mỗi năm một người Nhật Bản đọc 20 cuốn sách.
Không thể phủ nhận đã có nhiều nỗ lực cải thiện văn hóa học tại Việt Nam. Sau khi Ngày sách Việt Nam ra đời năm 2014, thì tháng 1/2016 đã có Đường sách TP.HCM. Và khi Ngày sách Việt Nam được nâng cấp lên Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam từ năm 2022 thì tại TP.HCM có thêm Đường sách Thủ Đức. Hiệu quả mô hình Đường sách của đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam đã lan tỏa sang nhiều địa phương khác. Lần lượt xuất hiện Đường sách Hà Nội, Đường sách Ban Mê Thuột, Đường sách Vũng Tàu, Đường sách Cao Lãnh… và bây giờ đang chuẩn bị khai trường Đường sách Cần Thơ.
Cùng với xu hướng nở rộ các Đường sách là những hội sách cũng được tổ chức khá tưng bừng. Nhận thức về sách của người Việt Nam đã nâng lên, còn thói quen đọc sách và sở thích đọc sách của người Việt Nam vẫn là ẩn số.
Tại TP.HCM hàng năm đề cử 10 đại sứ văn hóa đọc và xây dựng câu lạc bộ đại sứ văn hóa đọc. Sự có mặt của các đại sứ văn hóa đọc có ý nghĩa gì không? Có, đó là giá trị về truyền thông và thúc đẩy phong trào. Thế nhưng, đọc sách không phải và không thể là một phong trào, mà phải vun bồi bền bỉ từ gia đình và xã hội.
Mỗi cá nhân không phải tự nhiên mà làm bạn với sách, xem đọc sách như một hành vi rèn luyện và tu dưỡng bản thân. Đọc sách đối với mỗi cá nhân phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất, thói quen đọc sách được hình thành từ thời thơ ấu. Thứ hai, sở thích đọc sách được khuyến khích từ môi trường xung quanh. Cho nên, phụ huynh không ngó ngàng đến sách thì con cái không thể có thói quen đọc sách. Đồng thời, những nhân vật thành đạt trong cộng đồng không cầm lấy sách thì giấc mơ khởi nghiệp của những bạn trẻ cũng không có bóng dáng trang sách.
Đành rằng, đọc sách giúp ích cho trí tuệ, năng lực và tình cảm của từng con người, nhưng văn hóa đọc của một đất nước phải được thiếp lập trên những điều kiện cần thiết. Đường sách và hội sách chỉ phục vụ cư dân thành phố, còn cư dân nông thôn thì sao? Hơn nữa, thư viện ở vùng sâu vùng xa vừa ít ỏi vừa không bắt kịp chuyển động của đời sống được dẫn dắt bởi cái điện thoại thông minh.
Vì vậy, hãy tìm ra giải pháp đưa sách đến tay người đọc mọi nơi bằng giá cả hợp lý với thu nhập người lao động bình thường và bổ sung phương thức tiếp cận thuận tiện thông qua công nghệ số, trước khi kêu gọi hoặc than vãn về văn hóa đọc hôm nay và ngày mai.