| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 23/09/2024 , 13:16 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 13:16 - 23/09/2024

Vạn Thịnh Phát cách nào tái diễn bi kịch huy động vốn?

Vạn Thịnh Phát dưới bàn tay thao túng của đối tượng Trương Mỹ Lan, đã huy động vốn trái phép bằng chiêu thức phát hành trái phiếu, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vạn Thịnh Phát từ một tập đoàn có sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường tài chính, đã trở thành một đại án có những hệ lụy thật khó tưởng tượng. Quy mô đại án Vạn Thịnh Phát buộc phải chia làm nhiều giai đoạn xét xử. Ở giai đoạn 1, đã có phán quyết cho 86 bị cáo, với các tội danh “tham ô tài sản”, “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Giai đoạn 2 của đại án Vạn Thịnh Phát được Tòa án nhân dân TP.HCM tiến hành xét xử từ ngày 19/9 đến ngày 19/10, truy tố 33 bị cáo với các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Trong đó, dư luận quan tâm nhất là hành vi phát hành trái phiếu “khống” để huy động vốn của người dân.

Theo cáo trạng, từ năm 2018 đến năm 2020, đối tượng Trương Mỹ Lan đã dùng bốn công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra, để phát hành 25 mã trái phiếu với tổng số lượng hơn 308 triệu trái phiếu. Điều oái oăm là 25 mã trái phiếu được đưa ra thị trường không để phục vụ bất kỳ dự án nào, mà chỉ nhằm chiếm đoạt tài sản các nhà đầu tư. Kết quả, 35.824 nạn nhân đã bị “móc túi” hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Thủ đoạn huy động vốn bằng chiêu thức “bán vịt trời” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được triển khai khá ngoạn mục với sự tiếp tay của Ngân hàng SBC và công ty chứng khoán Tân Việt. Dù có thay đổi về hình thái, nhưng kiểu huy động vốn không nhằm sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, hoàn toàn không khác gì vụ án nước hoa Thanh Hương của đối tượng Nguyễn Văn Mười Hai trước đây hơn ba thập niên. Chỉ sáu tháng đầu năm 1988, nước hoa Thanh Hương huy động 12 tỷ đồng (tương đương 6.500 cây vàng) với lãi suất 15%/ tháng, nhưng chỉ bán ra số lượng sản phẩm đạt 100 triệu đồng.

Huy động vốn đại chúng theo cách “bóc ngắn cắn dài” và “lấy nợ sau nuôi nợ trước”, thực sự là biểu hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bài học nước hoa Thanh Hương vì sao vẫn tái diễn ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát? Cả đối tượng Nguyễn Văn Mười Hai và đối tượng Trương Mỹ Lan đều xuất thân ít học mà vẫn táo tợn phạm pháp, do có sự trợ lực của một bộ phận quan chức tha hóa.

Thử đọc lại cáo trạng vụ án nước hoa Thanh Hương xét xử vào tháng 9/1990, dễ dàng nhận ra nhiều tương đồng. Cáo trạng nhận định về đối tượng Nguyễn Văn Mười Hai và đồng phạm “chúng tung tiền, vàng mua chuộc, hối lộ hàng loạt cán bộ Nhà nước để giúp sức, bao che cho chúng hoạt động phi pháp”. Và cáo trạng nhận định về những kẻ hà hơi cho kỹ nghệ huy động vốn trái phép “lợi dụng chức vụ nghề nghiệp giúp sức cho Nguyễn Văn Mười Hai thực hiện những thủ đoạn gian dối nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công dân, làm chỗ dựa cho Nguyễn Văn Mười Hai và đồng bọn đối phó cơ quan chức năng”.

Sau 35 năm, xã hội đã có những tiến bộ vượt bậc, mà hành vi huy động vốn trái phép vẫn tái diễn, thì không phải một vấn đề đáng day dứt sao? Cáo trạng vụ án nước hoa Thanh Hương vẫn không cũ với đại án Vạn Thịnh Phát, thì cộng đồng cần có những suy ngẫm mới về quản lý và giám sát đời sống kinh tế chăng?