| Hotline: 0983.970.780

Vào lớp 1 khi đã... lên ông lên bà

Thứ Tư 20/11/2019 , 20:52 (GMT+7)

Niềm vui của những người thầy chính là được nghe những tiếng đánh vần ê a, tập làm toán trong veo như con trẻ của những bà, những mẹ vang lên trong lớp.

Mùa mưa thì lầy lội, trơn trượt, mùa khô thì gập ghềnh, bụi đỏ bám khắp người, nhưng các thầy cô giáo ở trường Tiểu học Bi Năng Tắc vẫn quyết tâm cõng “cái chữ” đến với bản nghèo Cao Lạng, thuộc xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông để xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Muốn xóa mù chữ phải yêu lấy trò

Nằm cách huyện lỵ Đắk Mil khoảng 20km, nhưng bản Cao Lạng thuộc xã Đắk Gằn được coi là vùng sâu vùng xa, khi đời sống của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bản có 78 hộ với 376 nhân khẩu, trong đó dân tộc Nùng chiếm đa số với 65 hộ di cư từ thôn Đồng Bục, Lộc Bình, Lạng Sơn vào huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk từ những năm 90 của thế kỷ trước, sau đó di cư đến xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil sinh sống. Nghề nghiệp chính của bà con là trồng cây hoa màu, cây ăn trái và cây công nghiệp.

Cô giáo H'Như - trường tiểu học Bi Năng Tắc đang dạy làm toán cho bà con M'Nông tại bon Đắk Láp.

Do đời sống còn khó khăn và di cư tự do nên nên số phụ nữ lớn tuổi chưa biết chữ và tái mù chữ còn nhiều. Năm học 2018- 2019, nhờ sự tuyên truyền vận động của chính quyền, hội phụ nữ, đoàn thanh niên và các thầy cô giáo, đã huy động được 18 học viên tại bản tham gia học xóa mù chữ. Đến thời điểm hiện tại, lớp học đang có 15 học viên theo học chương trình xóa mù chữ lớp 3.

Cô giáo Lê Thị Kim Dung, giáo viên trường Tiều học Bi Năng Tắc, huyện Đắk Mil cho biết, hàng tuần từ thứ hai đến thứ sáu, cứ sau giờ đứng lớp cho học sinh chính khóa, cô lại chạy xe máy hơn chục cây số để đến với điểm trường bản Cao Lạng để dạy chữ cho bà con.

Mùa khô dù có bụi đỏ, dù con đường còn nhiều sống trâu, ghập ghềnh, nhưng cũng còn đỡ hơn mùa mưa vì con đường độc đạo lên đến trung tâm bản thường xuyên bị các loại máy cày, máy kéo xới nát nên rất lầy lội, trơn trượt.

Có những buổi các thầy cô đến lớp mà trời mưa tầm tã, ngã lên ngã xuống nên phải “dạy chay” vì quần áo và giáo án ướt hết. Bê bết bùn đất như vậy, nhưng nhìn thấy vẻ mặt tươi cười của bà con, họ lại quên hết đi những nhọc nhằn mỗi khi đứng lớp.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thiệp, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bi Năng Tắc (đứng giữa) trong một buổi lên lớp.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, cô Dung có hoàn cảnh rất khó khăn khi nhà xa, hai con còn nhỏ trong đó có một bé mới chỉ mười mấy tháng tuổi. Mọi việc chăm sóc, dạy dỗ con cái, cô phải phó thác hết cho chồng mình.

Cũng vì chuyện này mà có lúc vợ chồng khục khoặc, cãi cọ lẫn nhau. Cũng may nhờ mềm mỏng thuyết phục, chồng của cô cũng chia sẻ với khó khăn mà vợ mình gặp phải. Thay vì trách móc thì giờ đây anh đã động viên cô Dung đến lớp xóa mù chữ cho bà con.

“Niềm hạnh phúc của chúng tôi là được nghe các bác lớn tuổi nói rằng, chỉ mong đến tối thứ hai để được gặp cô giáo, để được học cái chữ thôi anh ạ”, cô Dung tâm sự.

Cô giáo Lê Thị Kim Dung giáo viên trường Tiều học Bi Năng Tắc, huyện Đắk Mil (áo vàng) đang dạy chữ cho bà con dân tộc thôn Cao Lạng.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thiệp, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bi Năng Tắc cho biết, trường được thành lập sau ngày giải phóng đất nước.

Bên cạnh việc giáo dục thường xuyên cho con em các đồng bào dân tộc của địa phương, trường còn được giao nhiệm vụ làm công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ trên địa bàn 10 thôn, 4 bon và Bản Cao Lạng, thuộc xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông).

Năm học 2018 - 2019 và năm học 2019 - 2020, được sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương và trên cơ sở thực tế trình độ dân trí trên địa bàn, nhà trường đã tổ chức mở các lớp học xóa mù chữ chương trình lớp 1, lớp 2 và 3 cho bà con các dân tộc thiểu số.

Tại trường chính, trường đã mở được 2 lớp với 52 học viên và đã hoàn thành chương trình lớp 1. Hiện tại, ngoài việc mở lớp tại bản Cao Lạng, nơi có nhiều đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc di cư vào, nhà trường còn tổ chức một lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc M’Nông ở bon Đắk Láp với 18 học viên.

Lớp xóa mù chữ được tổ chức tại Hội trường Bon Đắk Láp, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil cho đồng bào dân tộc M'Nông.

“Cái khó khăn nhất của chúng tôi, đó là đa phần những học viên đều chưa nói được tiếng phổ thông, chỉ trao đổi thôi mà còn không hiểu chứ chưa nói đến việc dạy họ đọc, họ viết và làm toán. Vì vậy, ngoài việc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi cũng phải tranh thủ học tiếng của đồng bào và tìm ra các phương pháp giảng giải cho bà con”, cô Thiệp cho biết.

Không chỉ cải tiến phương pháp dạy và học cho bà con, các thầy cô giáo của trường Tiểu học Bi Năng Tắc còn coi họ như những người thân của mình. Ngoài việc dạy chữ, họ còn tìm hiểu hoàn cảnh của từng người, động viên họ những lúc ốm đau hay những khi gia đình xảy ra mâu thuẫn thì tìm cách hòa giải. Họ vẫn hay đùa nhau “muốn xóa mù chữ phải yêu lấy trò”.

Niềm vui bà cháu cùng đến trường.

Để bà con tới lớp mỗi tối, các thầy cô giáo nơi đây không chỉ đến từng nhà vận động, chở người đi học, mà còn trích những đồng lương ít ỏi của mình cũng như vận động thêm các mạnh thường quân để mang quà cho học viên. Dù chỉ là những quyển sách, quyển vở hay vài túi kẹo bánh, nhưng cũng đã khích lệ rất nhiều đối với bà con tới với lớp học.

"Học sinh" lớp 1... tuổi 60

Bà Làng Thị Phớ, dân tộc Nùng quê gốc ở huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) năm nay đã 60 tuổi. Bà kể ngày xưa ở quê bà nghèo lắm, ăn chẳng đủ no, mặc không đủ ấm, đường xá đi lại thì khó khăn, nên chẳng muốn học cái chữ. Di cư vào Đắk Nông đẻ sòn sòn 6 người con, suốt ngày đi nương đi rẫy mà cái nghèo, cái khó vẫn đeo bám nên con chữ đối với bà vẫn là một điều gì đó rất xa vời.

Giờ đây cháu nội, cháu ngoại đủ cả rồi cũng ngại đi học lắm, nhưng được cán bộ xã, bản vận động bà xin phép chồng mỗi tối xuống điểm trường của bản để học chữ.

“Tao đi xuống xã, xuống huyện thấy có nhiều cái chữ biển hiệu, rồi cái chữ tên đường mà không đọc được ấm ức lắm. Giờ thì tao đọc được báo cho chồng tao nó nghe rồi đấy”, bà Phớ tâm sự.

Bà Làng Thị Phớ (dân tộc Nùng) 60 tuổi vẫn đi học chữ.

Được biết, lớp học xóa mù chữ của bản Cao Lạng có khá nhiều người lớn tuổi như bà Phớ, nhưng ấn tượng nhất với tôi chính là cặp vợ chồng anh Lâm Văn Hoóng và chị Đàm Thị Dẻn.

Hai anh chị năm nay đã ngoài 40 tuổi và có với nhau tới 7 người con. Cũng vì cái nghèo, cái khó đeo bám mà họ phải dời xa quê hương để vào đây mong tìm được tương lai sáng hơn cho con, cho cháu. Ngày trước anh chị cũng đi học đến lớp 3, nhưng lo cái ăn, cái mặc nên cái chữ cũng rơi đi hết rồi.

“Tao đi làm giấy xác nhận hộ nghèo mà toàn phải nhờ người ta viết rồi điểm chỉ vào thôi. Muốn bán con gà, con heo hay cà phê, trái cây tính tiền cũng khó lắm. Giờ biết chữ rồi, biết làm toán rồi nên không còn phải nhờ ai nữa. Điện thoại bây giờ cũng biết nhắn tin rồi đấy…”, anh Hoóng vui vẻ trò chuyện với chúng tôi.

Vợ chồng anh Lâm Văn Hoóng và chị Đàm Thị Dẻn đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn cùng nhau đi học lớp xóa mù chữ.

Theo cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Đắk Mil cho biết, những năm gân đây Phòng chỉ đạo phải hướng đến chất lượng cho học viên, mà muốn có chất lượng thì phải học xong lớp 3 và tiếp tục giáo dục sau biết chữ là lớp 4 và lớp 5 thì sẽ tránh được việc tái mù chữ cho bà con.

Ngoài ra học viên bây giờ họ có nhu cầu biết chữ để vận dụng những kiến thức được học vào lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ cho bản thân do đó, có người còn chủ động xin đi học nên chuyện tái mù chữ là rất khó xảy ra.

Chị H'Djuer (40 tuổi dân tộc M'Nông) đưa cả hai con nhỏ đến lớp học xóa mù chữ.

Thù lao không đủ tiền xăng xe, công việc gia đình phải thu xếp một cách khoa học để có thời gian đứng lớp, chưa kể đến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhưng những thầy cô giáo nơi đây vẫn hàng ngày đứng lớp cho các học viên là đồng bào dân tộc thiểu số.

Niềm vui của họ chính là được nghe những tiếng đánh vần ê a, tập làm toán trong veo như con trẻ của những bà, những mẹ vang lên trong lớp xóa mù chữ mỗi tối như thế này.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.