Cà Đơ được nhắc đến khi ai đó ám thị một sự cảm thông khắc khoải, lắt lay. Vượt qua mọi cản ngăn, hơn 2 thập kỷ qua, cô giáo Trương Thị Huyên hoàn thành xuất sắc sứ mệnh giáo dục ở đây.
Cho em thơ được ra khỏi bản
Bản Cà Đơ có hơn hai chục hộ hộ dân đồng bào Dao sinh sống, đa số là hộ nghèo. Cái nghèo cố hữu với con người nơi đây kể từ khi cắm dùi, lập bản. Cô giáo Trương Thị Huyên rưng rưng nhớ lại.
Tình yêu nghề và niềm tin cháy bỏng cho em thơ được ra khỏi bản đã giúp lớp học của cô giáo Trương Thị Huyên rộn rã tiếng i tờ giữa đại ngàn chiến khu. |
Năm 1995, do biến động, cả bản Dao của cô thuộc xã Chí Minh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đã sơ tán về đây. Mỗi hộ dân chọn một quả đồi, một khe nước dựng lán, làm sàn định cư.
Người bản địa trước đây có giai đoạn cát cứ tư liệu theo kiểu đất ông cha nên những người mới đến phải ẩn sâu vào dú (núi). Khi thấy con suối cuối cùng thì dừng chân, dân gốc nói là khuối cần hư (suối của ai?).
Đồng bào Tày Nùng nơi đây cũng chẳng ai đủ sức khỏe, bản lĩnh hay vì lý do gì mà vào đây khai phá. Vậy nên họ hay hỏi nhau khuối cần hư? Không ai nhận của mình nên là không của ai, người Dao đọc chệch từ Cần hư thành Cà Đơ cho dễ nói. Bản Cà Đơ ra đời.
Bản người Dao Cà Đơ chỉ nói tiếng Dao. Khi còn ở Tràng Định, trẻ em còn được đến trường. Nay muốn đi học, muốn nói tiếng phổ thông thì phải vượt hơn 10 km đường rừng với 36 khe suối, 8 ngọn đèo. Sự cách trở ấy cộng thêm cả nỗi mặc cảm của người dân mới đến, có nguy cơ biến bản Cà Đơ thành một bộ tộc cô đơn.
Đã từng có 9 năm đứng lớp, cô Huyên ý thức hơn cả và lo lắng khôn nguôi về sự biệt lập sẽ làm cho người dân trở thành dị biệt. Trong đó có cả 2 người con của chính cô, một cháu 5 tuổi và một cháu mới 3 tuổi. Vượt núi, cô trình bày ý nguyện và được đồng ý.
Về bản, cô đến từng nhà có trẻ em trong độ tuổi để vận động đến lớp. Lớp học được dựng tạm bằng tranh tre nứa lá bên dòng suối Cà Đơ. Cộng đồng bản Cà Đơ vốn là những người cùng trong một dòng tộc nên cô giáo Huyên có khi là Bác, là cô, dì, thím, mợ của học trò.
Cô giáo Huyên tận tâm với học trò. |
Để dạy học sinh, cô phải vừa dạy tiếng Kinh vừa phiên dịch ra tiếng Dao cho con cháu hiểu và dần dần tiếp cận được nội dung bài giảng. Khó khăn không kể siết, cô Huyên đau đáu niềm tin các trò sẽ biết tiếng Kinh, sẽ tiếp tục theo học để được tự tin hạ sơn, dời bản.
Nguyện ước đơn sơ
Năm 2016, cô Huyên vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch nước. Bài phát biểu của cô có đoạn: “Trong 21 năm giảng dạy lớp ghép tại bản Cà Đơ, có rất nhiều kỷ niệm mà bản thân tôi không thể nào quên.
Với một lớp học nho nhỏ bằng cây vầu, vách nứa, bàn ghế ọp ẹp dựng tạm bên bờ khe heo hút, điện không có. Nhiều hôm mưa to, gió lớn hắt nước vào lớp học. Cô trò ôm nhau nấp dưới gầm bàn, người run cầm cập. Lo sợ lũ rừng ập đến, gió núi vùi lớp học”...
Năm 2005, lớp học ghép cô Huyên được Tổng công ty Dầu khí Việt Nam xây dựng cho một phòng lớp học kiên cố, rộng 20 mét vuông. Sự động viên to lớn giúp cô giáo càng thêm can trường nơi xa thẳm. Nhưng những gian truân thì vẫn còn nhiều lắm.
Dù hiện tại, phòng học chỉ có 7 học sinh nhưng được phân ra 3 lớp. Cô giáo treo ở 2 đầu lớp học 2 chiếc bảng, 2 em lớp 4 và 1 em lớp 3 học toán trên một chiếc bảng. Cô giáo cho đề bài xong thì đi về phía chiếc bảng đối diện để hướng dẫn 4 học sinh lớp 2 đang ngồi quay lưng với các anh chị học chính tả.
Để học sinh đến lớp, cô giáo phải đi vận động. Ngay cả khi các em theo học thì cũng chưa có gì chắc chắn là các em sẽ đến lớp đều đặn, thậm chí là bỏ học giữa chừng. Vậy nên một năm dạy học cũng là một năm vận động. Những trưa hè đổ nắng, đường xa, dốc thẳm, cha mẹ thương con cho nghỉ học, cô đến nhà che nắng đưa các em đến lớp.
Cô Huyên và 7 học trò ngồi trước cửa phòng học kiên cố. |
Ngày gió bấc căm căm, cô trò lấy lá cọ che khuôn cửa thông thống gió lùa. Đốt một đống dấm ở cửa lớp cho hơi ấm tỏa lan. Mưa rào cắt đường, lũ tràn suối. Mưa phùn đường lầy như ruộng, vắt bám đầy lối đi. Vùng cao những ngày u ám, mây ấp núi, sương muối bọc rừng cây, 6 giờ sáng nhưng học trò cô Huyên phải đốt đuốc đến trường. Cô giáo chẳng những truyền đạt trên bục giảng mà thực sự trở thành người lái đò, người đồng hành trên những nẻo đường gian khó của học sinh.
Thấm thoát đã hơn 30 năm đứng lớp, trong đó có 23 năm Cà Đơ. Các học trò hôm nay nhiều em là con của chính những học trò năm xưa. Đặt ngay ngắn lọ hoa nhựa lên bàn giáo viên, cô kể, dịp lễ Tết, cô được cha mẹ học sinh tặng cho một củ măng rừng, một chục đũa cọ hay mấy con cá suối...nghĩ cũng lạ nhưng cảm động lắm. Cô bùi ngùi, cũng thèm được tặng dù chỉ một bông hoa thôi là hạnh phúc rồi.
Ông Thái Văn Cương (Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Định Hóa) cho biết, nỗ lực của cô giáo Huyên với bề dày cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được các cấp và ngành giáo dục từ Trung ương đến địa phương đánh giá cao. Tại địa phương, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, phòng giáo dục cũng như nhà trường đặc biệt trân trọng tình cảm của cô Huyên đối với học sinh, nỗ lực khắc phục để duy trì lớp đều đặn trong điều kiện vô cùng khó khăn. |