| Hotline: 0983.970.780

Vật liệu san lấp hạn chế, hầu hết dự án cao tốc ĐBSCL chậm tiến độ

Thứ Tư 16/10/2024 , 18:35 (GMT+7)

Cần Thơ Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành ĐBSCL có dự án cao tốc, chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo nguồn vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương phải giải quyết dứt điểm 3 vướng mắc khi triển khai các dự án cao tốc vùng ĐBSCL. Ảnh: MT.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương phải giải quyết dứt điểm 3 vướng mắc khi triển khai các dự án cao tốc vùng ĐBSCL. Ảnh: MT.

Ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL; lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương; các doanh nghiệp, nhà thầu tham gia các dự án hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.

Giải quyết dứt điểm các vướng mắc

Thủ tướng nhấn mạnh, sau 3 năm kể từ khi bắt tay nghiên cứu, triển khai các dự án cao tốc vùng ĐBSCL, vùng đã biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể. Đến nay, toàn vùng đã có 120km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác; 428km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công và phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng đã khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để giải quyết thủ tục cấp phép, khai thác mỏ, điều phối, cung ứng đủ vật liệu san lấp, đắp nền đường. Tỉnh Kiên Giang, An Giang và các tỉnh Đông Nam bộ đã tích cực triển khai các thủ tục cấp phép khai thác mỏ cho các dự án theo cơ chế đặc thù.

Các nhà thầu, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động quyết tâm cao thi công các dự án cao tốc. Ảnh: Kim Anh.

Các nhà thầu, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động quyết tâm cao thi công các dự án cao tốc. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án giao thông vẫn còn khó khăn, thách thức về công tác quản lý ở một số địa phương, khi lần đầu tiên được giao chủ quản dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, nhất là việc bảo đảm vật liệu san lấp, đắp nền.

Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ của Thủ tướng Chính phủ là hoàn thành trong tháng 9/2024. Hầu hết các dự án đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng dù tỷ lệ không lớn; di dời hạ tầng kỹ thuật điện, công trình ngầm. Hay một số dự án khai thác cát lòng sông chưa nhận được đồng thuận cao của người dân, do chưa chủ động thông tin tuyên truyền đầy đủ, khách quan.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải giải quyết dứt điểm 3 vướng mắc là: giải phóng mặt bằng; di dời đường điện cao thế và cung ứng vật liệu (cát, đá, sỏi).

Các địa phương trong khu vực dự án tập trung hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 10/2024. Nỗ lực đạt mục tiêu, cơ bản hoàn thành 600km đường cao tốc vùng ĐBSCL đến hết năm 2025 và đến năm 2030 có khoảng 1.200km.

Các dự án chậm tiến độ từ 4-15%

Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, hiện nay khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, với tổng vốn đầu tư khoảng 106 nghìn tỷ đồng.

Trong tổng số 8/9 dự án đang triển khai, có 6 dự án kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc (chiều dài 207km); 2 dự án cầu, đường bộ. Mặc dù công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án đạt trên 99%, tuy nhiên vẫn chưa hoàn thành đúng tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, hầu hết các dự án cao tốc và dự án thành phần ở ĐBSCL đều chậm tiến độ so với kế hoạch. Ảnh: MT.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, hầu hết các dự án cao tốc và dự án thành phần ở ĐBSCL đều chậm tiến độ so với kế hoạch. Ảnh: MT.

Hầu hết các dự án, dự án thành phần đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4-15%. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu.

Điển hình, Dự án Cần Thơ - Cà Mau cần hoàn thành công tác gia tải chậm nhất vào ngày 31/12/2024, mới có thể hoàn thành Dự án vào ngày 31/12/2025. Tuy nhiên, đến nay công suất khai thác, cung ứng cát đắp hằng ngày mới chỉ đạt 54.000/76.000m3.

Tại Dự án đường Hồ Chí Minh, hiện chỉ thi công các công trình cầu, đào bóc hữu cơ do chưa hoàn thành thủ tục cấp mỏ.

Kiểm tra lại tất cả các mỏ cát ở ĐBSCL

Ông Nguyễn Duy Lâm nhìn nhận, vấn đề cốt lõi hiện nay là phải đảm bảo nguồn vật liệu (cát đắp, cấp phối đá dăm). Nếu không kịp thời bổ sung nguồn vật liệu cho các dự án để đạt công suất theo nhu cầu trong tháng 10/2024, sẽ rất khó đáp ứng tiến độ.

Qua rà soát của các địa phương, xác định được nguồn cát sông là 72,3 triệu m3/nhu cầu 65 triệu m3. Hiện nay, các thủ tục cấp phép để khai thác nguồn cát sông đã hoàn thành, với tổng trữ lượng 34,1 triệu m3. Tuy nhiên, công suất khai thác của các mỏ hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công.

Việc tổ chức khai thác cát biển tại các mỏ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phục vụ thi công dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau chỉ đạt khoảng 15.000m3/ngày.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các đơn vị liên quan cùng lúc thực hiện khảo sát, kiểm tra tất cả các mỏ cát ở ĐBSCL. Từ đó nắm chắc dữ liệu về tài nguyên cát hiện nay và có hướng chỉ đạo lâu dài.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện khảo sát, kiểm tra tất cả các mỏ cát ở ĐBSCL. Ảnh: MT.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện khảo sát, kiểm tra tất cả các mỏ cát ở ĐBSCL. Ảnh: MT.

Bởi theo tư lệnh ngành nông nghiệp, từ năm 2017, nguồn cát sông ở ĐBSCL rất lớn (đặc biệt là ở An Giang và Đồng Tháp), đặc biệt có thể xuất khẩu sang Singapore. Cát sông trở thành nguồn kinh tế nhỏ trong nền kinh tế lớn của vùng ĐBSCL liên quan đến sông Tiền và phụ lưu.

Thậm chí, nguồn cát sông thừa đến mức một số nơi, phải bơm cát ra giữa sông để cho tàu, phà cập bến. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nguồn cát ở thượng nguồn hạn chế, dẫn đến trữ lượng ít, thậm chí không đạt yêu cầu để khai thác.

“Tài nguyên cát sông ở ĐBSCL không phải phục vụ ngắn hạn cho các dự án đường cao tốc như hiện nay mà còn cho các công trình ở địa phương, khu đô thị, khu công nghiệp mọc cạnh đường cao tốc về sau. Phải khảo sát, kiểm tra để xác định lại chúng ta đang có cái gì, bao nhiêu và sử dụng được bao lâu. Như vậy, sẽ đỡ đi câu chuyện nhà thầu trúng thầu mỏ cát này, nhưng khai thác không được, rồi lại loay hoay đi tìm mỏ cát khác”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Cùng vấn đề này, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, địa phương đã thuê đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát và xác định được 8 mỏ cát sông để phục vụ thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, với trữ lượng 16 triệu m3.

Việc thực hiện các thủ tục cấp mỏ vật liệu kéo dài, công suất khai thác hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thi công các dự án cao tốc ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Việc thực hiện các thủ tục cấp mỏ vật liệu kéo dài, công suất khai thác hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thi công các dự án cao tốc ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên, khi thực hiện các thủ tục bàn giao cho nhà thầu khai thác, khảo sát thực tế lại không đạt điều kiện, tiêu chuẩn để khai thác. Cụ thể, có 4 mỏ không có cát để khai thác.

Bên cạnh đó, các mỏ cát này lại liên quan đến vấn đề sạt lở rất lớn, thực tế một số địa phương và người dân đã phản ánh. Do đó, tỉnh Sóc Trăng rất thận trọng, tổ chức đánh giá lại tác động môi trường, dẫn đến thời gian kéo dài.

Sau quá trình đánh giá, để đảm bảo 4 mỏ cát này đưa vào khai thác an toàn, không ảnh hưởng đến lòng sông, tiến độ khai thác tối đa đến tháng 6/2025 chỉ khoảng 3 triệu m3. Trong khi đó, nhu cầu cung ứng cát cho Dự án thành phần 4 (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) lên đến 6,6 triệu m3.

Thời gian qua, các nhà thầu đã huy động 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực ĐBSCL. Riêng Dự án Cần Thơ - Cà Mau đã huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 nhân lực.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.