Thủ tướng nhấn nút khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Mùa tôm nuôi ĐBSCL còn nhiều trắc trở. Hỗ trợ 50% vật tư mô hình VietGAP, xoài hữu cơ. Vườn quốc gia Cát Tiên ra mắt tổ công tác đa bên.
THỦ TƯỚNG NHẤN NÚT KHỞI CÔNG CAO TỐC CHÂU ĐỐC - CẦN THƠ - SÓC TRĂNG
Trong đó, tỉnh An Giang là điểm cầu chính, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch Nước Võ Thị Ánh Xuân, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL…
Đây là Dự án thuộc nhóm “dự án quan trọng quốc gia” với tổng chiều dài tuyến là 188km, tổng mức đầu tư hơn 44.600 tỷ đồng. Dự án được chia thành 4 Dự án thành phần, phạm vi thực hiện trải dài qua 4 địa phương gồm: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cho biết, dự án tuyến đường bộ cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng qua trung tâm vùng ĐBSCL với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao góp phần đáp dứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa phat triển kinh tế - xã hội khu vực.
MÙA TÔM NUÔI ĐBSCL CÒN NHIỀU TRẮC TRỞ
QUANG LINH khai thác
Đến trung tuần tháng 6, tiến độ thả tôm nuôi vào vụ của một số địa phương ven biển còn chậm hơn so với cùng kỳ. Tại tỉnh Sóc Trăng - một trong những địa phương có vùng nuôi tôm thâm canh lớn ở ĐBSCL, vẫn chưa thả nuôi đạt kế hoạch năm 2023.
Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, từ khi thả tôm đầu vụ đến nay mức độ thiệt hại dịch bệnh thấp, khoảng 210ha, thấp hơn gần 200ha so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên điều đáng lo lắng hiện thời giá tôm thương phẩm suy giảm.
Giá tôm đầu tháng 5 giảm thấp gần như chạm đáy, chỉ từ 105.000 - 121.000 đồng/kg đối với tôm thẻ cỡ 50 con/kg. Tôm bán ra chợ và nhà máy tiêu thụ giá thấp khiến người nuôi tôm có tâm lý chần chừ chậm vào vụ thả nuôi.
HỖ TRỢ 50% VẬT TƯ MÔ HÌNH VIETGAP, XOÀI HỮU CƠ
QUANG LINH khai thác
Năm 2023 là năm thứ 2 Đồng Tháp triển khai thực hiện mô hình trồng cây ăn trái phục vụ Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, với tổng diện tích 10ha, với tổng kinh phí hơn 272 triệu đồng.
Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% vật tư nông nghiệp gồm phân hữu cơ 1,5 tấn/ha, thuốc bảo vệ thực vật 1 triệu đồng/ha, 10 thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, riêng đối với mô hình xoài theo tiêu chuẩn hữu cơ hỗ trợ thêm bao trái xoài.
Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn Đồng Tháp phối hợp đơn vị chuyên môn đã tiến hành bàn giao vật tư hỗ trợ các hộ dân tham gia mô hình thâm canh mít theo tiêu chuẩn VietGAP và mô hình thâm canh xoài theo hướng hữu cơ tại 2 huyện Tháp Mười và Thanh Bình.
VƯỜN QUỐC GIA CÁT TIÊN RA MẮT TỔ CÔNG TÁC ĐA BÊN
Phúc Lập sx
Vườn Quốc gia Cát Tiên (xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, Đồng Nai) vừa ra mắt “Tổ hợp tác đa bên” nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.
“Tổ công tác đa bên” là một hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) thực hiện. Đây là mô thí điểm hợp tác giữa cộng đồng người dân địa phương và Vườn quốc gia Cát Tiên, nằm trong khuôn khổ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được Bộ NN-PTNT phê duyệt, nhằm mục tiêu kết nối cùng cộng đồng vùng đệm tham gia vào các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Cát Tiên.