Một người qua đời, cả bản “chịu tang” một tháng
Nước sông Chu mùa mưa ngả màu vàng đất, làm nổi bật cây cầu treo dẫn lối vào điểm du lịch cộng đồng bản Mạ. Những nếp nhà sàn lợp mái lá hiện lên giữa nền xanh của ruộng bậc thang, của những cây cọ cổ thụ và cánh rừng nguyên sinh, tạo nên bức tranh miền sơn cước thanh bình.
Lối nhỏ dẫn vào bản được trải bê tông, hai bên là hoa cúc vàng, hồng đỏ, dạ yến thảo tím… đua nhau khoe sắc. Lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được mùi hương của thiên nhiên còn nguyên sơ, chưa bị pha tạp bởi khói bụi của đô thị hoá.
Cách đây chừng vài tháng, trên hành trình trồng rừng cùng người dân xứ Thanh, hoa hậu H’hen Nie đã nghỉ chân ở bản Mạ và nhận xét rằng: “Thiên phú ban cho nơi đây vẻ đẹp tuyệt diệu”.
Ngày nay, vẻ đẹp tạo hoá đang hoà quyện với những trầm tích văn hoá; những kiến trúc nhà sàn độc đáo, những món ăn đặc sản cá nướng, lợn bản và điệu khặp Thái ngân vang len lỏi trong điệu múa của cô gái mặc chiếc áo cóm váy đen,... để tạo nên một điểm du lịch độc đáo của huyện nghèo miền núi Thường Xuân.
Chẳng ai biết bản Mạ có từ bao giờ, nhưng theo anh Cầm Bá Đức - cán bộ phòng Văn hoá huyện Thường Xuân, từ “Mạ” dịch theo tiếng Thái Đen nghĩa là ngựa. Các tích truỵện lưu truyền trong dân gian đến ngày nay khẳng định, bản Mạ xưa kia là nơi chăn ngựa phục vụ vận chuyển hàng hoá và đi lại của nghĩa quân Lam Sơn.
“Vừa khi cờ nghĩa dấy lên/Chính lúc quân thù đang mạnh”. Vào giai đoạn đầu, lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn còn mỏng, Lê Lợi phải dẫn quân ngược lên vùng thượng nguồn sông Chu, mượn địa thế hiểm trở của rừng núi phía tây xứ Thanh để chiêu binh mãi mã, lấy yếu thắng mạnh. Muốn vận chuyển lương thực, hàng hoá, buộc phải dùng sức ngựa. Bà con bản Mạ đã tự nguyện hiến ngựa và cử người thay phiên nhau cắt cỏ nuôi chiến mã để nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu với quân thù.
Ngày nay, bản Mạ không còn hộ nuôi ngựa nữa, nhưng cộng đồng nơi đây vẫn gìn giữ được truyền thống tương thân tương ái, vui buồn có nhau như đặc trưng tập tính của loài ngựa. Có câu: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Khi một người ở bản Mạ qua đời, tất cả hộ dân trong bản không tổ chức tiệc vui, không ăn uống linh đình, không đàn hát, không nhận đặt cơm phục vụ khách du lịch để chia sẻ nỗi buồn cùng gia đình đó trong vòng một tháng. Tập tục ấy vẫn được duy trì đến tận bây giờ.
Một nữ đồng nghiệp của tôi hiện đang công tác tại huyện Thường Xuân chia sẻ, vừa rồi UBND huyện Thường Xuân mời các cơ quan báo chí về làm việc tại bản Mạ đúng vào dịp trong bản có một người mất. Ban tổ chức đặt cơm nhưng chẳng nhà nào nhận. Mọi dịch vụ du lịch đều ngừng cung cấp.
Anh Cầm Bá Đức cho biết: “Nghi thức trong đám hiếu của người Thái Đen cũng rất đặc biệt. Trong đám tang, con cháu của người quá cố phải quạt hầu cho người làm lễ”. Điều này khiến chúng tôi liên tưởng đến nghi thức trong cung đình các triều đại phong kiến.
Giờ đây, bản Mạ được đổi tên thành khu dân phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân. Thế nhưng, người Thái Đen nơi đây vẫn giữ lại cái tên bản Mạ như một niềm tự hào mãnh liệt. Minh chứng là dòng chữ “Du lịch bản Mạ” khổng lồ được đắp bằng xi măng, sơn trắng trên nền cỏ cây xanh ngay ở sườn dốc đầu bản bên hữu ngạn sông Chu, bất cứ ai đi qua con đường nối thị trấn Thường Xuân với hồ cửa Đạt phía tả ngạn cũng có thể nhìn thấy.
Bản phá rừng thành “địa chỉ xanh” về bảo tồn rừng
Ông Vi Văn Tiên - Bí thư bản Mạ chia sẻ, năm 2010 trở về trước, người dân bản Mạ sống thu mình trong “thế giới riêng biệt”, không đường, không trường, không điện, không trạm y tế. Đói nghèo đeo bám quanh năm khi hơn 50 hộ dân trông chờ vào 10,10ha ruộng bậc thang. Đến tháng 7 âm lịch hàng năm, khi lũ sông Chu lên cao, học sinh dành phải bỏ học còn người ốm sắp chết cũng đành nằm giường phó mặc số phận cho ông trời.
Cuộc sống túng bấn, người dân bản Mạ kéo nhau đi phá rừng. “Từ thời ông cha tôi đã phá rừng rồi. Năm 12 tuổi (tức năm 1982), tôi cũng bỏ học đi phá rừng lấy củi bán. Hồi ấy trên rừng cây dổi, vàng tâm, sến, táu... loại bé cũng cỡ một vòng tay người ôm, còn loại đường kính 2m nhiều vô kể, hai người chặt bằng rừu mất một ngày mới đổ”, ông Tiên kể.
Chỉ tay vào ngôi nhà sàn gỗ bề thế của gia đình được dựng từ vài chục năm trước, ông Tiên bảo chúng tôi rằng “mỗi tấm phên của ngôi nhà này đều rộng 2m”.
Hồi ấy gỗ nhiều nên chẳng nhà nào dùng hết. Khi chặt cây xong, người ta phơi nắng rồi đốt cho đến khi cháy đen bề mặt để khi thả xuống sông Chu vận chuyển về Bái Thượng (huyện Thọ Xuân) cây gỗ nổi trên mặt nước.
Mãi đến năm 2004, khi nhà nước có chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân, tình trạng phá rừng mới được chấm dứt. Những khu đồi trọc được khoanh nuôi để cây cối tái sinh.
“Bây giờ, dù thiếu ăn hay đủ ăn thì cũng không ai vào rừng chặt gỗ. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên giao cho người dân bản Mạ bảo vệ vài trăm ha rừng, mỗi năm cả bản nhận được 40 - 50 triệu đồng, tiền đó được sử dụng để đầu tư xây dựng, phát triển cộng đồng”, ông Tiên chia sẻ.
Khi màu xanh của những cánh rừng nguyên sinh quay trở lại, muông thú lần lượt kéo về, vào sâu trong khu bảo tồn, hươu nai sống thành bầy, thi thoảng người ta lại nhìn thấy lợn lòi mò ra tận ruộng lúa trong bản tìm thức ăn. Dưới tán rừng, những thác Sao Ba (cao 20 sải tay người lớn tương đương khoảng 30m), Thám Dương (nơi có nhiều sơn dương)... khô khốc khi xưa đã đầy ăm ắp nước, tạo thành các dòng chảy tinh khiết len lỏi khắp bản làng.
Quy định cấm săn bắt thú rừng, cấm dùng kích điện đánh bắt cá tận diệt; cấm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng cũng được đưa vào hương ước của bản. Từ ấy, bản Mạ trở thành “địa chỉ xanh” bảo tồn thiên nhiên của xứ Thanh.
Cắm bản làm ô-sin để dạy người dân làm du lịch
Chị Lưu Thanh Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thường Xuân chia sẻ, bản Mạ là bản “trắng đảng viên” cuối cùng của huyện Thường Xuân, đến năm 2006 mới thành lập được chi bộ.
Ông Vi Văn Tiên, Bí thư chi bộ đầu tiên của bản Mạ cũng chính là người tiên phong xoá nhiều tập tục lạc hậu của cộng đồng người Thái Đen nơi đây. Khi xưa, hiện tượng tảo hôn rất phổ biến, các cháu gái 13, 14 tuổi là bố mẹ gả chồng. Nhà gái thách cưới nhà trai 1 con lợn 50kg, 10 triệu đồng tiền mặt cộng với gà, rượu cần để khao cả họ... Với những hộ nghèo, đây là gánh nặng rất lớn. Kể từ năm 2006, ông Tiên họp toàn dân trong bản, đưa vào hương ước quy định nhà gái không được thách cưới, trai gái không được tảo hôn.
Với người dân bản Mạ, con trâu là đầu cơ nghiệp nên phải nuôi nhốt dưới gầm sàn để tiện bề trông coi. Những ngày oi bức, mùi hôi thối của phân trâu bốc lên nồng nặc xộc thẳng vào mũi chủ nhà nằm ngủ phía trên.
Năm 2010, Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên hỗ trợ 10 hộ dân dựng chuồng trâu xa nhà ở và di dời vật nuôi khỏi gầm sàn. Bản thân ông bí thư chi bộ đi đầu làm gương để cả bản cùng làm theo. Ông Tiên bảo “bây giờ ngửi phân trâu không chịu nổi vì sạch mãi quen rồi”.
Năm 2015, cây cầu treo bắc qua sông Chu dài 200m được nhà nước đầu tư xây dựng để phá thế biệt lập của bản Mạ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thường Xuân nhiệm kỳ 2015 - 2020 chọn bản Mạ để hỗ trợ kích hoạt các tiềm năng bản địa phát triển điểm du lịch cộng đồng.
Bà con được mời đi tham quan bản Lác, huyện Mai Châu (Hoà Bình) để học tập mô hình du lịch cộng đồng. Năm 2016, ông bí thư kiêm trưởng bản Vi Văn Tiên lại đi đầu trong cải tạo ngôi nhà sàn 6 buồng ngủ làm homestay và xây thêm 2 bugalow, chòi mái cọ để du khách nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực và ngắm dòng sông Chu thơ mộng.
Trung tâm Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện cử cán bộ trực tiếp cắm bản, ăn ở và làm việc cùng người dân để hướng dẫn bà con làm du lịch. Nhớ lại những năm tháng ấy, chị Lục Thị Du, cán bộ Trung tâm kể rằng, trong ngôi nhà của đồng bào Thái Đen không có tủ quần áo. Trang phục dùng để dự tiệc hoặc liên hoan văn nghệ được gia chủ vắt lên cái sào tre ở sàn trên, còn quần áo đi làm đồng, đi lao động thì vắt ở gầm sàn phía dưới, rất mất vệ sinh.
Sau mỗi bữa ăn nồi niêu xoong chảo mỗi cái một nơi, thức ăn thừa chẳng cần che đậy. “Chỉ tuyên truyền bằng miệng thì dân không làm đâu, mình phải vừa nói vừa làm mới hiệu quả. Tôi ở nhà ông Vi Văn Tiên, ông Lữ Văn Tính, Lữ Văn Tâm, dọn vệ sinh từng nhà một như ô-sin. Khi các hộ tiên phong tham gia làm du lịch cộng đồng nhận thức được thì mới có sự lan toả. Dần dần, người dân thấy việc dọn dẹp nhà cửa, trồng hoa cây cảnh là việc làm thiết thực. Quá trình đó mất 3-4 năm”, chị Du chia sẻ.
Ngày trước, chuyện đi vệ sinh của bà con hết sức bừa bãi. Mỗi nhà đào một cái hố ngoài góc vườn, rồi các thành viên trong gia đình phóng uế vào đó. Cán bộ huyện, xã, thôn phải tổ chức nhiều cuộc họp ở nhà cộng đồng để vận động bà con xây nhà vệ sinh tự hoại, đến nay 90% hộ dân trong bản đã có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Cùng với đó, đội văn nghệ của bản cũng được khôi phục từ năm 2014 để biểu diễn các điệu khặp Thái, nhảy sạp, khua luống, đánh cồng chiêng phục vụ khách du lịch đến thăm quan. Hữu xạ tự nhiên hương, ngày càng nhiều khách du lịch biết đến điểm du lịch cộng đồng bản Mạ, ông Tiên chia sẻ, từ đầu năm 2020 đến nay homestay của gia đình mình đã tiếp 3.000 - 4.000 lượt khách. Nhiều hộ dân khác cũng sửa sang nhà cửa, xây thêm phòng lưu trú để đón khách.
“Hiện khu du lịch cộng đồng bản Mạ đã có quy hoạch chi tiết 1/500, bởi vậy tất cả hộ dân trước khi xây dựng phải xin phép chính quyền địa phương và xây nhà sàn (đổ cột và xà ngang bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ), lợp mái cọ theo kiến trúc đặc trưng của người Thái”, ông Tiên chia sẻ. Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng chỉ vài năm nữa thôi, bản Mạ sẽ trở thành điểm du lịch nổi tiếng của xứ Thanh.
Nhà không cần tường rào, cửa không cần khóa
Khi khám phá bản Mạ, du khách không chỉ được đắm say trong cảnh sắc thiên nhiên, mà còn được tìm hiểu, khám phá nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái nơi đây. Trong đó, ẩm thực ở bản Mạ là một trong những điểm nhấn đáng lưu ý, với nhiều món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái như: xôi ngũ sắc, cá nướng, thịt nướng mắc khén, tôm sông, các loại rau rừng…
Cách bản Mạ chừng 1km về phía thượng nguồn vẫn còn đó hòn đá Mài Mực nổi lên giữa dòng nước sông Chu. Tương truyền đó là nơi Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi mài son rửa bút viết hịch, văn sớ tập hợp nghĩa binh. Bởi thế, người dân Thường Xuân vẫn còn lưu lại những câu ca về tích Hòn Mài Mực: “Mài mực nuôi con, mài son đánh giặc”.
Gắn với Hòn Mài Mực là các tích truyện lý giải về nguồn gốc tên dòng sông Khao (là dòng sông có thật, hiện đã chìm trong bụng nước hồ Cửa Đạt do đắp đập chặng dòng sông Chu).
Có người cho rằng, trong một trận thắng quân Minh, Lê Lợi muốn khao quân nhưng không đủ rượu cho tất cả mọi người. Ông nghĩ ra cách đổ rượu xuống dòng sông để binh sỹ múc nước cùng uống. Cái tên sông Khao bắt nguồn từ ấy.
Tuy nhiên, anh Cầm Bá Đức cho rằng, cách hiểu như vậy có phần chủ quan. Bởi, từ “khao” theo tiếng đồng bào Thái Đen có nghĩa là “mùi tanh”. Rất có thể đó là nơi nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt được nhiều quân địch mới tạo nên cảnh tượng như vậy. Nhưng, hiểu theo cách nào thì nó vẫn thể hiện sự ghi lòng tạc dạ của nhân dân ta đối với chiến công của nghĩa quân Lam Sơn trong lịch sử bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Ngoài ra, cách bản Mạ khoảng 3km về thượng lưu sông Chu còn có ngôi đền thiêng thờ danh nhân Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng ngàn (nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt. Theo sử sách, danh nhân Cầm Bá Thước sinh ra ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân. Ông là một trong những người lãnh đạo Phong trào Cần Vương, hi sinh khi mới 37 tuổi.
Còn theo truyền thuyết, Bà Chúa Thượng Ngàn, sinh vào thời nhà Trần, có công cứu nạn dân chúng nên được phong thánh. Tưởng nhớ công ơn của danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, nhân dân đã lập 2 ngôi đền ở đây để thờ phụng. Hằng năm, vào đầu tháng giêng đến tháng 3 âm lịch, hàng vạn người dân và du khách lại hành hương về đền Cửa Đạt để dâng hương cầu lộc, cầu tài.
Là điểm du lịch cộng đồng, nhưng người dân bản Mạ vẫn giữ được nhịp sống thanh bình. Ngay sau khi cây cầu treo bản Mạ được khánh thành năm 2015, ông trưởng bản lập tức tổ chức họp dân để dựng cổng bản. Hương ước của cộng đồng quy định, vào mùa hè, tổ an ninh sẽ mở cổng lúc 5h30 và đóng lúc 23h cùng ngày. Còn vào mùa đông, giờ đóng cổng là 22h30. Khi cánh cổng đã đóng, chỉ những trường hợp cấp bách mới được tổ an ninh mở để ra vào, còn lại, những trường hợp hợp chơi bời, ăn nhậu về khuya đều phải ngủ ngoài bản.
Lệ bản ấy có phần cứng nhắc, nhưng với tôi, nó là bản sắc văn hoá của cộng đồng bản Mạ đáng được trân trọng. Nhờ cánh cổng ấy, nhờ những quy định khác biệt ấy trong hương ước ấy mà hàng trăm năm qua bản Mạ giữ được sự bình yên và không xảy ra trộm cắp, cãi vã, xô xát sứt đầu mẻ trán. Bởi vậy, chẳng gia đình nào xây hàng rào, chẳng nhà nào có cổng, thậm chí cái cửa nhà cũng chẳng cần ổ khoá. Những giá trị ấy thật khó tìm thấy ở nhiều miền quê trong thời đại này.