Trong 2 ngày 7 - 8/4, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do ông Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT dẫn đầu đã về làm việc với tỉnh Bình Định, kiểm tra tình hình SX nông nghiệp và diễn biến hạn hán đang xảy ra ngày càng khốc liệt trên địa bàn tỉnh này.
Tỉnh “gánh” hạn nặng nhất
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Định, trong vụ hè thu tới, Bình Định sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong SXNN khi dự báo hạn hán sẽ tăng cao đỉnh điểm. Tính đến ngày 1/4, có 126/161 hồ chứa trên địa bàn Bình Định đã cạn kiệt nước. Trong 15 hồ chứa lớn do Cty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý, đã có 4 hồ hết nước, lượng nước tích trữ trong 10 hồ chứa còn lại (không tính hồ Định Bình) chỉ còn 64/233 triệu m3 so với dung tích thiết kế. Các hồ nhỏ do địa phương quản lý đã khô kiệt 112/146 hồ, lượng nước còn trữ trong 34 hồ còn lại chỉ có 28/117 triệu m3 so với dung tích thiết kế.
Lúa vụ thu vừa gieo sạ ruộng đã khô nứt nẻ.
Với nguồn nước dự trữ nói trên, khả năng đảm bảo nước tưới trong vụ hè thu tới ở Bình Định chỉ có 33.666/50.116 ha theo kế hoạch, hạn gắt sẽ xảy ra ngay từ đầu vụ.
Diện tích cây trồng cần chống hạn là 16.450 ha do không chủ động nguồn nước tưới. Các huyện bị thiếu nguồn nước tưới nhiều nhất là Phù Cát (3.515 ha), riêng huyện Phù Mỹ có 44 hồ chứa nước nhỏ thì hiện 42 hồ đã cạn nước nên có đến 4.274 ha diện tích cây trồng thiếu nước.
Để bảo đảm SX, Bình Định đã chỉ đạo cho các địa phương xây dựng kế hoạch giảm diện tích SX lúa, chuyển sang các cây trồng cạn 6.447 ha gồm các loại cây ngô (1.463 ha), lạc (1.666 ha), vừng (1.789 ha), rau các loại (379 ha), sắn (546 ha). Tuy nhiên, vẫn còn 3.057 ha bỏ hoang vì không có nước SX.
Để đối phó với hạn trong vụ hè thu, Bình Định đẩy sớm lịch thời vụ gieo sạ sớm hơn 10 ngày so cùng kỳ để tranh thủ nguồn nước tưới; thu hoạch lúa ĐX đến đâu làm đất gieo sạ ngay đến đó. Cụ thể: Vụ hè gieo sạ từ ngày 10/3 và kết thúc trước 25/3; vụ thu gieo sạ từ ngày 1/5 và kết thúc trước 15/5.
Mặc dù cần phải khai thác các công trình giếng khoan, đào đã có sẵn để bơm chống hạn, nhưng Bình Định chủ trương hạn chế việc đóng giếng mới, ưu tiên nguồn nước ngầm cung ứng cho sinh hoạt cho nhân dân.
Sáng 8/4, sau khi đến thăm điểm sáng trong xây dựng NTM tại Bình Định là xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi thị sát tình hình lượng nước chứa ít ỏi còn lại của hồ chứa nước Hội Sơn (Phù Cát). Hồ này có tổng dung tích chứa 44,5 triệu khối nước, tuy nhiên hiện chỉ còn khoảng 5 triệu khối nằm dưới đáy hồ. Còn tại hồ Đại Sơn (Phù Mỹ) có dung tích chứa 1,7 triệu khối nước, Bộ trưởng Cao Đức Phát được chứng kiến cảnh hồ đã khô kiệt đến trơ đáy.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn công tác kiểm tra hồ chứa nước Đội Sơn (Phù Mỹ).
Ông Hà Ngọc Tân, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: “Mọi năm, vụ hè thu Phù Mỹ làm 5.400 ha lúa, năm nay do không có nước nên chỉ SX 1.500 ha. Trên địa bàn huyện chỉ 2/44 hồ còn nước là hồ Diêm Tiêu (700.000 khối) và hồ Phú Hà (1,1 triệu khối). Riêng hồ Phú Hà lẽ ra tưới được 110 ha nhưng do không có vùng tưới nên chỉ tưới được 70 - 80 ha. Hiện Phù Mỹ đã chuyển đổi được 300 ha cây màu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều diện tích ở những vùng trũng vụ tới phải bỏ trống, chờ cuối tháng 7 mới tổ chức SX vụ mùa ăn nước trời”.
Tại một đám ruộng của nông dân xã Mỹ Hòa vừa chuyển từ làm lúa sang làm đậu phộng trong vụ ĐX vừa qua, nghe chị chủ ruộng cho biết khi chuyển đổi từ làm lúa sang làm đậu phộng có lãi hơn 2 triệu đồng/sào, Bộ trưởng rất phấn khởi. Không chỉ vậy, thu hoạch đậu phộng xong, nông dân tiếp tục thả mè xuống, hơn 2 tháng sau thu hoạch. Khi ấy đã có mưa lại tiếp tục làm lúa.
Phải chuyển đổi kiên quyết hơn nữa
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, chia sẻ: “Trong thời gian qua, chúng tôi được Bộ NN-PTNT chỉ đạo đi nắm tình hình hạn hán tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Qua khảo sát, chúng tôi ghi nhận Bình Định là tỉnh “gánh” hạn nặng nề nhất.
Theo dự báo, trong thời gian tới hạn sẽ còn khốc liệt hơn. Tuy nhiên, với những giải pháp mà Bình Định đã áp dụng hiệu quả trong vụ ĐX vừa qua như chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, cấp nước luân phiên, tưới tiết kiệm theo cách ướt khô xen kẽ, chống thất thoát nước…, nếu tiếp tục được áp dụng mạnh cho vụ hè thu này thì trong SXNN sẽ giảm được áp lực về nước tưới. Bên cạnh đó, đối với nguồn nước của thủy điện trên địa bàn, vào những thời điểm căng thẳng nước tưới, lãnh đạo tỉnh cần đề xuất các Cty thủy điện tạm thời dừng phát điện để cung ứng nước phục vụ SXNN”.
Lo lắng lớn nhất của những người có trách nhiệm ở Bình Định hiện nay là những hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp trong 3.057 ha đất phải bị bỏ hoang trong vụ này vì không có nước SX sẽ lâm cảnh khó khăn, cần có chính sách hỗ trợ về đời sống.
Ngoài ra, theo ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, trong vụ hè thu tới Bình Định phải cần đến 100 tỷ đồng để nạo vét kênh mương, hỗ trợ xăng dầu cho nông dân bơm nước, hỗ trợ tiền điện chạy máy bơm chống hạn và thực hiện các giải pháp chống xâm nhập mặn. Các địa phương thiếu nước tưới nghiêm trọng phải chuyển đổi nhiều diện tích lúa sang làm các loại cây trồng cạn cần được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống nhằm kích thích nông dân chủ động tổ chức SX trong điều kiện hạn gắt.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát ghi nhận, diễn biến khó lường của tình hình hạn hán đang diễn ra tại Bình Định là rất đáng quan tâm, đồng thời đánh giá cao nỗ lực chống hạn của các cấp chính quyền trong tỉnh đã dẫn tới thắng lợi lớn trong vụ ĐX vừa qua.
Bộ trưởng thăm ruộng chuyển đổi ở xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ).
Mùa mưa còn xa, mọi kỳ vọng đều đặt vào mưa tiểu mãn nhưng rất bấp bênh vì có thể mưa sẽ không xảy ra. Vì vậy Bộ trưởng khẳng định: “Trước tình hình hạn hán diễn biến ngày càng khó lường, trong thời gian tới, vùng đất khó như Bình Định nhất thiết phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Không nhất thiết phải trồng lúa, hiện sản phẩm của nhiều loại cây trồng cạn đang có giá trị cao. Từng địa phương phải năng động sáng tạo, tìm ra loại cây trồng phù hợp nhất. Có như vậy mới có thể đưa nông dân vượt hạn, đảm bảo được thu nhập”.
“Chúng tôi tiếp thu những đề xuất của lãnh đạo tỉnh Bình Định về kinh phí chống hạn cho vụ hè thu 2013 và sớm báo cáo Chính phủ. Trước mắt, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí kịp thời cho Bình Định chống hạn. Bình Định cần nhanh chóng ban hành những chính sách hỗ trợ cụ thể để nông dân yên tâm SX”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát.
Bộ trưởng chỉ đạo, trong thời gian tới, ngoài tiếp tục thực hiện các giải pháp chống hạn, Bình Định cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật cho từng vùng đất, từng loại cây trồng; cố gắng duy trì SX, hạn chế bỏ đất hoang để đời sống của nông dân không bị ảnh hưởng. Sở NN-PTNT Bình Định phải thường xuyên cử cán bộ bám sát đồng ruộng, hỗ trợ tối đa cho các địa phương và nông dân các giải pháp kỹ thuật về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phải xem đây là nhiệm vụ hàng đầu. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân nắm bắt tình hình hạn hán để họ đồng cảm, cùng góp tay với ngành chức năng đối phó với hạn. Đặc biệt, cần hướng dẫn cụ thể cho nông dân áp dụng kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ; nếu cần thiết, cán bộ ngành thủy lợi phải xuống từng hệ thống tưới để hướng dẫn vận hành.