| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng nông thôn mới Thanh Hóa

[Bài 6] Khởi nghiệp OCOP từ... tre luồng

Thứ Ba 21/03/2023 , 05:45 (GMT+7)

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở xứ Thanh đã vượt kế hoạch, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Doanh nghiệp có 5 sản phẩm OCOP

Nhận thấy nhu cầu thị trường từ các mặt hàng làm từ tre, luồng tăng cao, cách đây gần chục năm về trước, anh Cường, chị Luật ở xã Yến Sơn, huyện Hà Trung quyết định làm ăn lớn. Hai vợ chồng bàn nhau vay vốn, nhập máy móc, thiết bị, làm nhà máy chế biến tre, luồng theo hướng công nghiệp, tạo thu nhập và công ăn việc làm cho người dân địa phương, hướng tới xuất khẩu.

Nhưng khi lắp đặt và vận hành được dây chuyền sản xuất thì ngân hàng đột ngột không giải ngân vốn vì anh chị không chứng minh được các khoản thu nhập bền vững và các tài sản thế chấp.

Khoản nợ máy móc chưa được thanh toán, nhân công chưa trả lương, trong khi thiết bị máy móc nhập về hoạt động cầm chừng vì công nhân nhà máy chưa thuần thục cách vận hành, khiến công ty anh chị đứng trước nguy cơ đóng cửa.

DSC08468

Chị Hoàng Thị Luật cùng chồng khởi nghiệp từ tre, luồng tại xã Yến Sơn, huyện Hà Trung. Ảnh: Quốc Toản. 

Năm đó, anh Cường chỉ kịp khoác vội chiếc ba lô lên người, cưỡi trên con xe máy cà tàng, rong ruổi khắp nơi tìm bạn hàng. Bẵng đi một thời gian, chị Luật (vợ anh) cứ thế ôm mấy đứa con thui thủi ở nhà, cũng chẳng biết chồng mình đi đâu, làm gì? 

“Hàng sản xuất ra nhưng không có nơi để bán. Ông xã thì tất bật suốt ngày, đi hết nơi này đến nơi kia để tìm bạn hàng và học tập cách vận hành dây chuyền sản xuất. Trong khi đó máy móc và nhân công chưa có tiền để trả. Thậm chí tiền nhập nguyên liệu cho nhà máy chế biến cũng phải đi vay. Người dân thì chưa được tiếp cận với sản phẩm gia dụng làm bằng tre luồng, dẫn đến những khó khăn chồng chất”, chị Hoàng Thị Luật kể lại hành trình những ngày đầu khởi nghiệp.

tr

Các sản phẩm làm từ cây tre của TNHH Sản xuất & Thương mại Bamboo Vina. Ảnh: Quốc Toản.

Năm 2018, anh chị thở phào nhẹ nhõm khi nhận được mối hàng đầu tiên trị giá 30 triệu đồng làm đồ gia dụng. “Tìm được mối hàng đầu tiên, hai vợ chồng vui như bắt được vàng. Bao công sức cố gắng đã được đền đáp xứng đáng. Sản phẩm đầu tiên khi xuất xưởng được bạn hàng khen chất lượng tốt. Cứ thế, sản phẩm làm từ tre luồng của Công ty được nhiều người biết đến và tạo thêm những mối hàng lớn”, chị Luật kể.

Sau gần chục năm sản xuất hàng gia dụng bằng tre, luồng, từ một nhà máy chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng với hơn 20 nhân công, đến nay Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Bamboo Vina, đã có đội ngũ cán bộ, công nhân viên, kỹ thuật viên – thiết kế lên đến trên 100 người với tay nghề kỹ thuật cao, máy móc tiến, sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nói về quyết định chuyển từ sản xuất tăm tre, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn (chế biến nội thất, đồ gia dụng từ tre, luồng), chị Luật chia sẻ: “Nếu cứ làm thủ công đơn thuần thì rất khó cạnh tranh với thị trường. Trong khi đó, các sản phẩm làm từ tre luồng như thớt tre, bàn ghế, mặt bàn, khay, hộp, sàn tre rất thân thiện với môi trường và được người tiêu dùng rất ưa chuộng”, chị Luật chia sẻ.

z4196717719211_a470a78423dc497ed9e98768946a9fbf

Nhà máy chế biến tre luồng của Công ty TNHH Bamboo Vina. Quốc Toản.

Với mục tiêu tạo ra những sản phẩm gia dụng và nội thất hoàn thiện có chất lượng và giá trị cao, phục vụ nhu cầu xuất khẩu, anh Cường, chị Luật đã đầu tư, nâng cấp nhiều loại máy móc hiện đại, tiên tiến với quy mô và năng suất hàng nghìn sản phẩm mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu bạn hàng trong nước và quốc tế…

Sau nhiều năm gắn bó với nghề, chị Luật và anh Cường nhận ra rằng, quyết định thay đổi tư duy và cách làm chính là lựa chọn đúng đắn, bền vững và phù hợp với xu thế của thị trường.

Từ năm 2021 đến nay, Công ty Bamboo Vina có 5 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh, là một trong những doanh nghiệp có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh. Đó là những sản phẩm dụng cụ nhà bếp; ghế tre thư giãn cao cấp; hộp tre đựng bánh kẹo tết; xe đạp Bamvina; bộ bàn ghế gấp gọn. Hiện nay, đơn hàng của công ty khá thường xuyên và ổn định. Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp nhận đơn hàng từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

OCOP đem lại giá trị bền vững

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm lợi thế, gần 200 làng nghề truyền thống và hơn 600 hợp tác xã nông nghiệp... tỉnh Thanh Hóa xác định OCOP là bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện (2018-2022), chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thanh Hóa đã đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào hoàn thành thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở đó, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đồng thời, tỉnh cũng phê duyệt các quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, các điểm du lịch làng nghề, phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn; có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế cũng như vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP...

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Điều đáng ghi nhận là, khi được lựa chọn tham gia chương trình OCOP, các hợp tác xã, hộ dân đều có ý thức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn và liên kết chuỗi tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Đặc biệt, chương trình OCOP cũng đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trong tỉnh. Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh cũng có những bước tăng trưởng khá với doanh thu bình quân, lãi bình quân, thu nhập bình quân của thành viên trong các hợp tác xã đều tăng.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết: “Trên cơ sở tiềm năng lợi thế, của địa phương, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình OCOP nhằm tạo sức bật cho nông sản truyền thống trên địa bàn khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Chương trình OCOP làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người sản xuất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh truyền thống và sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, gắn liền với chuyển đổi số và thương mại điện tử. Từ đó, tạo dựng niềm tin tuyệt đối với người tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển”.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh cũng như nâng cao năng lực quản lý, điều hành chương trình OCOP và hoạt động xúc tiến xuất khẩu để đưa ngày càng nhiều sản phẩm OCOP của Thanh Hóa vươn ra thị trường quốc tế.

Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã có 236 sản phẩm OCOP của 158 chủ thể thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, có 2 sản phẩm xếp hạng 5 sao quốc gia, 50 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, 184 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025