| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa

[Bài 5] Thanh Hóa - Điểm sáng cần học tập

Thứ Hai 20/03/2023 , 06:26 (GMT+7)

Tỉnh Thanh Hóa có nhiều cách làm hay và sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc ban hành thực hiện bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới...

Có thôn, bản nông thôn mới sẽ có xã nông thôn mới

Miền núi Thanh Hóa có 163 xã với 1.330 thôn, bản, trong đó có 76 xã với 613 thôn, bản của 6 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ. 

Cách đây hơn 10 năm khi bắt đầu thực hiện chương trình nông thôn mới, Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn, bởi đây là địa phương đất rộng, người đông, thường xuyên hứng chịu thiên tai, lũ lụt. Thời điểm đó, các xã miền núi Thanh Hóa mới đạt 4,7 tiêu chí/xã, nhiều xã chưa có công sở làm việc, trường học thiếu, trạm y tế chưa đạt chuẩn…

Đối với khu vực miền núi, việc hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới đặt ra những thách thức không nhỏ. Theo đó, mặc dù không ít xã miền núi được tỉnh và Trung ương quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn, nhưng tình trạng “trắng xã nông thôn mới” vẫn tồn tại tại nhiều địa phương. Các tiêu chí chưa đạt chuẩn nông thôn mới chủ yếu thuộc nhóm hạ tầng kinh tế-xã hội, tổ chức sản xuất, tạo kế sinh nhai, thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân.

d

Nhiều làng quê ở Thanh Hóa thay đổi rõ rệt sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Quốc Toản.

Trước thực trạng trên, tỉnh Thanh Hóa đã nghiên cứu đặc điểm, tình hình địa phương và nhận thấy cần phải có bộ tiêu chí riêng trong xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản ở miền núi. Mặt khác, tỉnh cũng nhận thấy, việc tiếp cận xây dựng nông thôn mới từ thôn, bản sẽ dễ dàng hơn bởi các công trình đầu tư trên địa bàn thôn, bản có nhu cầu kinh phí ít hơn so với công trình cấp xã, phù hợp với khả năng huy động sức dân và linh hoạt hơn trong bố trí nguồn lực của địa phương. 

“Bên cạnh việc xây dựng nông thôn mới cấp xã như toàn quốc đang triển khai, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó ưu tiên tập trung chỉ đạo các thôn, bản thuộc các huyện miền núi, với phương châm “có nhiều thôn, bản nông thôn mới thì sẽ có xã nông thôn mới”, ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá cho biết.

Do đó, đầu năm 2014, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành bộ tiêu chí và quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới (đến năm 2017, được điều chỉnh, bổ sung), gồm 14 tiêu chí, chia thành 2 vùng áp dụng; thẩm quyền quyết định công nhận thôn, bản nông thôn mới được giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành tiếp bộ tiêu chí xây dựng thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu.

Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành thực hiện bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới trong cả nước. Từ thực tiễn Thanh Hóa, Chính phủ đã bổ sung, hoàn thiện, ban hành quyết định ban hành bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, áp dụng đồng loạt trong cả nước, trong đó nhấn mạnh: Đối với xây dựng nông thôn mới thôn, bản, ấp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động xây dựng tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội các cộng đồng thôn, bản, ấp trên địa bàn để ban hành và chỉ đạo thực hiện, đảm bảo đồng bộ với tiêu chí nông thôn mới cấp xã.

Mặt khác, để thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Trưởng Ban chỉ đạo nông thôn mới các cấp đều được giao cho Bí thư cấp ủy làm trưởng ban nhằm chỉ đạo nhất quán và xuyên suốt.  “Tại những vùng khó khăn, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã phải trực tiếp xuống cơ sở để chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Đồng thời cử cán bộ tỉnh, huyện trực tiếp xuống địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, nhằm khuyến khích và động viên kịp thời các thôn, bản khu vực nông thôn, miền núi xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trước và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phải dân chủ, công khai, minh bạch. Đặc biệt là phát huy tinh thần dân chủ theo phương châm, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, đem tài dân, sức dân làm lợi cho dân”, ông Giang chia sẻ.

Sau 8 năm năm triển khai thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới thôn, bản, với cách tiếp cận sáng tạo và phù hợp, Thanh Hoá đã tạo được nền tảng, sự lan tỏa sâu rộng về phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng thời đạt được những kết quả nổi trội cả về số lượng và chất lượng. Việc xây dựng nông thôn mới ở thôn, bản không những giúp cho người dân thực sự phát huy vai trò chủ thể và chủ động hơn trong công việc của mình, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, mà còn tạo ra khí thế thi đua sôi nổi giữa các gia đình, dòng họ, giữa các thôn, bản.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa còn chú trọng ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các thôn thuộc các xã khó khăn, các xã miền núi, tạo tiền đề cho việc xây dựng nông thôn mới cấp xã, góp phần giảm nghèo, nâng thu nhập cho người dân.

Tính đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi đạt 34,6 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,99%, vượt 0,29% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 7,33%, vượt 4,33% kế hoạch. Hiện nay, toàn tỉnh có 58 xã và hơn 700 thôn bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 46 thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu và có 62 sản phẩm OCOP được công nhận.

Bộ tiêu chí và quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, gồm 14 tiêu chí: Việc làm, thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư và vườn hộ, giao thông, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, hệ thống chính trị, quốc phòng và an ninh. 

Ưu tiên nguồn lực lớn 

Thanh Hóa là địa phương có diện tích rộng, dân số đông và quy mô nền kinh tế thứ 8, thu ngân sách thứ 9, tăng trưởng đứng thứ 7 cả nước. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đạt số thu ngân sách hơn 51 nghìn tỷ đồng. Đây được xem là động lực to lớn để địa phương hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng. 

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định, hiện nay Thanh Hóa đang trở thành điểm đến thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Đây là cơ hội của địa phương trong việc thu hút nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Ông Hưng gợi mở: “Các dự án nghỉ dưỡng, du lịch hoàn thành sẽ tạo ra chuỗi kết nối hoạt động sản xuất nông nghiệp, do nhu cầu dùng hàng VietGAP tăng cao. Các mô hình trồng rau củ, quả, thực phẩm sạch có cơ hội phát triển, cung ứng cho du khách và hoạt động du lịch địa phương. Đây là hướng đi bền vững trong phát triển nông nghiệp nói chung của tỉnh”.

h

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ảnh: Đinh Tùng.

Mặt khác, thực hiện Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã quyết định ban hành chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 đến 2025, với mục tiêu: Tạo chuyển biến rõ nét về quy mô năng suất chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh về nông, lâm, thủy sản; mở rộng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có tiềm năng theo chuỗi giá trị, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn công nghệ cao; một số sản phẩm có lợi thế xây dựng được thương hiệu mạnh; xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý; phát triển các hình thức sản xuất hiệu quả; trình độ dân trí văn minh; môi trường sinh thái được bảo vệ; các giá trị văn hóa ở nông thôn được giữ gìn và phát huy; thu nhập và đời sống của người dân ở nông thôn được nâng cao.

Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để tỉnh Thanh Hóa và các địa phương trong tỉnh phân bổ nguồn lực về đầu tư, nhằm phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy, chỉ trong 2 năm 2021-2022, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt gần 14 nghìn tỷ đồng. Trong đó ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) dành cho xây dựng nông thôn mới lên tới gần 7 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở nguồn lực đó, tỉnh Thanh Hóa ban hành chính sách hỗ trợ cho mỗi thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; khen thưởng hàng năm cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã miền núi tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, đã kích cầu nhân dân các địa phương tích cực tham gia phong trào. 

“Năm 2021 và 2022, thực hiện chính sách khuyến khích xây dựng nông thôn mới của tỉnh, ngân sách địa phương đã bố trí gần 300 tỷ đồng để thưởng cho các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Hỗ trợ xi măng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới…”, Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Tính đến tháng 3/2023, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 352 xã; 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 12 xã, 317 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 317 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (được xếp hạng từ 3-4 sao), 1 sản phẩm 5 sao. 

Ông Đỗ Trọng Hưng nhận định: "Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, được triển khai trên địa bàn cả nước. Những nhiệm kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh Thanh Hóa gần đây đều xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới là chương trình trọng tâm của cả nhiệm kỳ. Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả to lớn, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn của tỉnh, tạo nên những làng quê tươi đẹp, đáng sống; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.