| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng nông thôn mới Thanh Hóa

[Bài 3]: Khi nào huyện nghèo nhất tỉnh có xã nông thôn mới?

Thứ Năm 16/03/2023 , 05:40 (GMT+7)

Hơn 10 năm qua, mặc dù được đầu tư nguồn lực hơn 1,1 nghìn tỷ đồng, nhưng huyện Mường Lát vẫn “trắng” xã nông thôn mới.

Huyện “trắng” xã nông thôn mới

Mường Lát là huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và thuộc nhóm nghèo nhất cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 50%. Đây cũng là địa phương duy nhất trong tỉnh Thanh hóa chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong những năm qua, huyện Mường Lát được nhà nước quan tâm đầu tư nguồn lực lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới. Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ năm 2011 đến năm 2021, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực phân bổ cho huyện Mường Lát lên tới hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách cấp hơn 436 tỷ đồng (chiếm 37,11%); vốn nông thôn mới Trung ương hỗ trợ hơn 366 tỷ đồng (chiếm 31,13%); vốn góp cộng đồng dân cư hơn 17 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép khác, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp.

Huyện Mường Lát có 7 xã và 1 thị trấn, 77 bản, trong đó hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Mông, Mường, Thái...  Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện có 17/77 bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt khoảng 22%), thấp nhất khu vực miền núi, bình quân đạt 7/19 tiêu chí/xã. 

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Khó khăn nhất trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Mường Lát vẫn là tăng thu nhập và giảm nghèo. Bên cạnh đó, tiêu chí về nước sạch nông thôn (nước sạch tập trung) cũng là một trở ngại lớn đối với huyện, do địa hình chia cắt, dân số ít, phân bố không đồng đều. Do đó, việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng nói chung, lĩnh vực nước sạch nói riêng cũng rất khó khăn”.

Lãnh đạo huyện Mường Lát cho rằng, sau hơn 10 năm, huyện vẫn chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới là do nơi đây có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên hết sức đặc thù: "Huyện Mường Lát có địa hình phức tạp, bị chia cắt nhiều. Khí hậu khắc nghiệt, đất đai có độ dốc lớn, trong khi đất canh tác chủ yếu là đất bạc màu, dễ bị xói lở, gây khó khăn trong việc tổ chức sản xuất nông nghiệp. Tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu, chủ yếu theo hướng nhỏ lẻ, tự cung tự cấp.

Bên cạnh đó, thức trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và người dân về phát triển kinh tế còn hạn chế; vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Các mô hình, dự án còn nhỏ lẻ, chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Đây là những khó khăn không nhỏ trong việc phát triển kinh tế xã hội huyện Mường Lát nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng", ông Nguyễn Văn Bình cho biết.

Một góc thị trấn huyện Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản.

Một góc thị trấn huyện Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản.

Xã Mường Chanh (huyện Mường Lát) được chọn làm mô hình điểm thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới ở khu vực vùng cao biên giới Thanh Hóa, từ đó nhân rộng ra các làng, bản khác. Hơn 10 năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn hỗ trợ khác, xã đã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách, xây dựng mới nhiều hạng mục công trình quan trọng như công sở, điện, đường, trường, trạm y tế, nhà văn hóa… 

Tuy vậy, bài toán về xây dựng nông thôn mới tại xã Mường Chanh vẫn chưa có đáp số. Đến nay địa phương này mới chỉ đạt 13/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có 4/9 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã vẫn chiếm tới 64%.

Ông Bùi Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Mường Chanh cho biết, việc đạt được tiêu chí nông thôn mới tại xã miền núi đã khó, nhưng giữ vững các tiêu chí đó còn khó hơn. “Năm 2018, mưa lũ gây sạt lở lớn tại xã Mường Chanh khiến hệ thống hạ tầng tại địa phương không còn đảm bảo. Các tiêu chí như giao thông, nhà ở dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng, đồng thời gây ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề tổ chức sản xuất nông nghiệp. Hiện nay địa phương đang tập trung hết sức trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, thiết chế văn hóa”, ông Nhân chia sẻ. 

muong-lat-thanh-hoa3-9007

Huyện Mường Lát vẫn còn hơn 50% dân số thuộc hiện hộ nghèo và cận nghèo. Ảnh: Quốc Toản.

Theo kế hoạch, huyện Mường Lát phấn đấu đến năm 2025 không còn xã nào dưới 15 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và có từ 1 đến 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: "Lãnh đạo huyện đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; phân công trách nhiệm đến tận các phòng ban, xuống tận cơ sở cầm tay chỉ việc, hỗ trợ từng địa phương hoàn thành các tiêu chí. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tăng thu nhập, giảm tiêu chí hộ nghèo.

Bên cạnh đó, huyện Mường Lát rất cần hỗ trợ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển, kinh tế xã hội đã đề ra. Đến nay, nguồn vốn phân bổ để xây dựng nông thôn mới tại huyện vẫn còn chậm. Riêng xã Mường Chanh dự kiến được phân bổ hơn 20 tỷ đồng nhưng vẫn chưa được Trung ương cấp về", ông Bình cho biết.

Dân chưa 'ấm' bụng, khó làm nông thôn mới

Miền núi Thanh Hóa có 163 xã với 1.330 thôn, bản, trong đó có 76 xã với 613 thôn, bản của 6 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ. Tính đến năm 2021, các huyện miền núi mới có 57/163 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 703 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 46 thôn bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Tổng nguồn lực các huyện, các xã miền núi huy động xây dựng nông thôn mới tính đến năm 2021 đạt gần 9.000 tỷ, trong đó nguồn vốn Trung ương và tỉnh hỗ trợ hơn 1,3 nghìn tỷ; nguồn huy động đóng góp của nhân dân (lao động, hiến đất, đóng góp tiền, vật chất) đạt hơn 5,3 nghìn tỷ…

Riêng huyện Mường Lát, theo kế hoạch từ nay đến năm 2025 sẽ nhận được số vốn cho phát triển kinh tế, xã hội khoảng hơn 730 tỷ đồng. Sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đối với huyện Mường Lát là cơ hội để địa phương tập trung nguồn lực, phát triển kinh tế, xã hội nói chung, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nói riêng. 

Trao đổi với NNVN, ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc việc xây dựng nông thôn mới tại huyện miền núi Mường Lát đặt ra thách thức không nhỏ do điều kiện tự nhiên khó khăn, đời sống và nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Mường Lát đang khảo sát, đánh giá cụ thể tiềm năng, lợi thế, thuận lợi khó khăn của địa phương, từ đó hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân. 

"Cấp ủy chính quyền địa phương phải thực sự chủ động trong việc định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng. Đặc biệt cần tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng nông thôn mới, từ đó làm thay đổi tư duy và hành động, tránh tư tưởng ỷ lại, phụ thuộc. Phải giúp dân thoát nghèo, có thu nhập ổn định mới làm được nông thôn mới. Đây cũng là yếu tố quyết định sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới của Mường Lát nói riêng, các huyện miền núi Thanh Hóa nói chung”. 

Picture2

Ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM  Thanh Hóa trả lời phỏng vấn Báo NNVN. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo ông Giang, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa mới trong các bản làng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Đây là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân; họ có ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả các các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo của địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới”.

Tại hội thảo với chủ đề: “Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa” diễn ra tháng 10/2022, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần đánh giá lại tiềm năng lợi thế của huyện Mường Lát một cách bài bản hơn, để đưa các giải pháp công nghệ phù hợp đối với sự phát triển của địa phương nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng.

"Đối với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cần tập trung phát triển các giá trị bản địa, gồm cây trồng, vật nuôi, dược liệu bản địa, thậm chí là sơ chế, bảo quản bản địa, tiến tới nhân rộng các mô hình và chuyển giao công nghệ, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân", ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Khương Đình Anh  Phó Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn cho rằng, việc xây dựng nông thôn mới ở Mường Lát nên làm từ thôn, bản. Nơi nào cán bộ huyện, xã, thôn xắn tay áo, cùng làm với dân thì nơi đó phong trào mới xây dựng nông thôn mới sẽ phát huy hiệu quả.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đưa sản phẩm OCOP tiếp cận gần hơn thị trường quốc tế

Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu là cơ hội để các chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước.