Nhạc sĩ Trần Văn Khê cả đời mong phát triển văn hóa dân tộc
Vì sao di nguyện rất ý nghĩa như vậy, lại trở nên dang dở?
Nhạc sĩ Trần Văn Khê qua đời ngày 24/6/2015. Tang lễ của ông được tổ chức rất trang trọng và số tiền phúng điếu lên đến 700 triệu đồng. GS-TS Trần Quang Hải là con trai cả, được nhạc sĩ Trần Văn Khê tin cậy và ủy thác nhiều điều tâm đắc. GS-TS Trần Quang Hải đã nối nghiệp cha trên con đường âm nhạc, nhưng để hoàn thành di nguyện của cha thì dường như quá sức đối với người đàn ông bước vào tuổi 72 này.
Trong thư ngỏ, GS-TS Trần Quang Hải trình bày: “Việc thành lập Quỹ Trần Văn Khê rất khó thực hiện được vì tôi là người nước ngoài, có rất nhiều trở ngại để lo việc quản lý trực tiếp Quỹ này một cách chu đáo. Quỹ Trần Văn Khê sẽ phải gặp nhiều khó khăn về phương diện thủ tục hành chính và tài chính như cần phải có trụ sở nhất định và phải có một ngân khoản thường trực để trang trải mọi chi phí...”
Còn về Nhà lưu niệm Trần Văn Khê, tuy đã được UBND TP.HCM đồng ý giao cho căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai nhưng GS-TS Trần Quang Hải thổ lộ: “Với số tiền hưu trí rất khiêm nhường của tôi tại Pháp, tôi không đủ khả năng phụ trách vấn đề tài chính…”.
Để giải quyết số tiền 700 triệu đồng có được từ giới mộ điệu phúng điếu cha mình, GS-TS Trần Quang Hải đề xuất: Trao giải thưởng mang tên Trần Văn Khê, làm quà tặng những nghệ sĩ nghèo ở nhà dưỡng lão nghệ sĩ quận 8 - TP.HCM, làm quà tặng cho nghĩa trang nghệ sĩ, hoặc làm quà tặng cho những cây đại thụ của nền cổ nhạc hiện sống trong túng thiếu.
Rõ ràng, thông qua thư ngỏ, công chúng không khó khăn gì để nhận ra di nguyện của nhạc sĩ Trần Văn Khê không thể thực hiện vì hai lẽ. Thứ nhất, người được giao phó trực tiếp không có điều kiện về mặt thời gian và không gian để lo liệu mọi việc. Thứ hai, kinh phí quá hạn hẹp. Trong hai lý do ấy, vấn đề tiền bạc nan giải nhất. Với thời giá hiện tại, 700 triệu đồng là một con số rất khiêm tốn, không thể đảm đương được hai dự án hoàn toàn mang tính phi lợi nhuận.
Tên tuổi của nhạc sĩ Trần Văn Khê thì không ai phủ nhận, đóng góp của ông đối với âm nhạc dân tộc cũng vô cùng to lớn. Tuy nhiên, các tác phẩm và các nhạc cụ mà nhạc sĩ Trần Văn Khê chắt chiu suốt cuộc đời 94 năm, muốn tìm được người gìn giữ và quảng bá không đơn giản chút nào. Các con của nhạc sĩ Trần Văn Khê hầu hết định cư ở nước ngoài, do đó bàn thờ chính của ông được một người cháu ruột thờ phụng tại quê nhà Vĩnh Kim - Tiền Giang.
Việc thành lập Quỹ hay thành lập Nhà lưu niệm, không phải nhạc sĩ Trần Văn Khê phát khởi ý niệm. Thế nhưng, di nguyện nhạc sĩ Trần Văn Khê không thuận lợi như những nhân vật trước đây.
Ví dụ, GS Trần Văn Giàu có một căn biệt thự rất đẹp, nên bán đi được 1.000 cây vàng mới có Quỹ Trần Văn Giàu hoạt động khá hiệu quả dành cho giới sử học. Còn nhà lưu niệm của các gương mặt văn hóa đều phần lớn cho con cháu đảm trách, như Nhà lưu niệm Lưu Trọng Lư hay Nhà lưu niệm Nguyễn Bính đều chỉ là một góc nhỏ tư gia. Tương đối trang trọng chỉ có Nhà lưu niệm Đông Hồ ở Hà Tiên, do hồng nhan tri kỷ Mộng Tuyết đứng ra vun đắp rất nhiều năm, mới có thể trở thành một địa chỉ cho du khách khi đến mảnh đất Kiên Giang.
Di nguyện Trần Văn Khê dang dở, chính là một lời nhắc nhở đầy ái ngại đối với xã hội. Chúng ta đang có rất nhiều đại gia vàng kho bạc đống, nhưng xem chừng họ không mấy lưu tâm đến việc đóng góp cho những giá trị tinh thần của cộng đồng. Vì người giàu không đồng nghĩa với người sang, nên những dự án như Quỹ Trần Văn Khê hay Nhà lưu niệm Trần Văn Khê rất khó thực hiện!