| Hotline: 0983.970.780

Vì sao Trường Đại học Quảng Bình không thể trả lương cho người lao động?

Thứ Tư 10/01/2024 , 15:43 (GMT+7)

137 giảng viên, nhân viên Trường Đại học Quảng Bình nhiều tháng nay đã bị nợ lương, đẩy cuộc sống gia đình họ vào khó khăn.

Trường Đại học Quảng Bình vẫn đang trong tình trạng khó khăn và chưa có được giải pháp tháo gỡ. Ảnh: T. Phùng.

Trường Đại học Quảng Bình vẫn đang trong tình trạng khó khăn và chưa có được giải pháp tháo gỡ. Ảnh: T. Phùng.

Ông Nguyễn T. (xin giấu tên), là nhân viên hợp đồng của Trường Đại học Quảng Bình, nói: “Hiện tôi là trụ cột của gia đình, vợ cũng không có việc làm ổn định. Lương hợp đồng của tôi mỗi tháng gần 5 triệu đồng, tằn tiện lắm cũng đủ sống. Tuy nhiên, qua 4 tháng nay không hề nhận được đồng lương nào nên thất là khó khăn. Cũng phải vay mượn người thân thêm vào mới đủ trang trải cuộc sống. Tết cũng sắp đến rồi, không biết là có hy vọng gì không”.

Nợ lương nhiều tháng

Trường Đại học Quảng Bình được xem là địa chỉ, nơi đào tạo nhân lực chất lượng cho tỉnh này. Tuy nhiên, nhiều giảng viên, nhân viên trường đã bị nợ lương nhiều tháng nay đã đẩy cuộc sống gia đình họ vào khó khăn.

Theo Công đoàn nhà trường, hiện nay, 136 viên chức và người lao động chưa được nhận lương từ tháng 2 đến 7 tháng. Một cán bộ Phòng Hành chính của trường cho hay: “Những người bị nợ lương từ 5-7 tháng có điều kiện kinh tế gia đình có khá hơn những người khác. Tuy nhiên, họ cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng phải chia sẻ cho người khó khăn hơn”.

Bước vào năm 2024, việc nợ lương vẫn tiếp diễn. Theo lãnh đạo nhà trường, trong quý 1 năm 2024 người lao động có thể bị nợ lương vì hiện không có nguồn để chi trả.

Trường đại học Quảng Bình là cơ sở đào tạo trình độ đại học duy nhất ở địa phương. Trường hiện có 236 viên chức và người lao động, trong đó có 154 giảng viên và 82 viên chức làm công tác hành chính, nhân viên phục vụ. Trong tổng số 236 viên chức và người lao động, có 99 viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, 137 viên chức và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách của đơn vị. Nhiều cán bộ, giảng viên của trường có trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ và làm công tác giảng dạy với trên 15 năm công tác.

Do không có lương trong thời gian dài, nhiều gia đình giảng viên của trường đã rơi vào cảnh rất nhiều khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, bà N. T, là thạc sỹ giảng viên đã kể cuộc sống vất vả trong suốt thời gian qua.

“Chồng tôi cũng làm viên chức bình thường, nhiều tháng qua không có lương nên phải xoay xở làm thêm đủ việc, kể cả bán hàng online để có thu nhập nuôi con. Lo sợ nhất là cận kề Tết Nguyên đán mà vẫn chưa có lương thì không biết tính toán ra sao đây nữa”, bà T. nói.

Chưa thể có giải pháp phù hợp…

Nguyên nhân chậm trả lương là do khó khăn về công tác tuyển sinh, nguồn thu của đơn vị giảm, nên việc chi trả lương, các chế độ liên quan đến người lao động chưa thực hiện theo quy định. Ngoài ra còn các khoản chi trả khác như thanh toán tiền thừa giờ, thi đua khen thưởng của giảng viên, nhân viên cũng đang bị nợ.

Một số hạng mục công trình ở Trường Đại học Quảng Bình được đầu tư trong thời gian gần đây. Ảnh: T. Phùng.

Một số hạng mục công trình ở Trường Đại học Quảng Bình được đầu tư trong thời gian gần đây. Ảnh: T. Phùng.

Qua trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Vượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình cho biết nguyên nhân dẫn đến việc phải nợ lương nhiều tháng qua là do những năm gần đây trường gặp khó khăn về công tác tuyển sinh.

“Đến nay, trường chỉ còn hơn 1.000 sinh viên. Trong đó có hơn một nửa là sinh viên sư phạm được miễn giảm học phí. Trong khi nguồn thu chính lại đến từ sinh viên các ngành ngoài sư phạm. Trước đây, biên chế nhân lực của trường là cho chỉ tiêu tuyển sinh của 10 ngàn sinh viên. Nhưng hiện số sinh viên quá ít nên nguồn thu không thể đáp ứng được”, ông Vượng chia sẻ.

Nói về giải pháp tháo gỡ, ông Vượng cho rằng phải sắp xếp lại nhân lực theo vị trí việc làm.  Việc sắp xếp này sẽ căn cứ theo hướng dẫn về vị trí việc làm của Bộ Giáo dục - Đào tạo. “Khi đó, chỉ giữ lại những người đáp ứng đủ yêu cầu công việc. Những người không nằm trong quy hoạch các vị trí việc làm thì sẽ không được giữ lại công tác”, ông Vượng  cho biết.

Được biết, vào cuối tháng 12/2023, Ban Thường vụ Công đoàn trường đăng ký làm việc Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và các đơn vị chức năng liên quan để tìm biện pháp nhằm bảo đảm chế độ người lao động.

Tuy nhiên, theo kết luận của Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Vượng thì từ tháng 1 đến tháng 3/2024, trường không có nguồn để chi trả tiền lương cho 136 viên chức và lao động hợp đồng.

Công đoàn Trường Đại học Quảng Bình cũng đã có báo cáo việc chậm chi trả lương, chế độ liên quan cho người lao động tại trường gửi Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình.

Những năm gần đây, Trường Đại học Quảng Bình đã được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình để phục vụ cho công tác đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, khó khăn trong việc tuyển sinh đã kéo theo khó khăn trong đời sống của cán bộ, người lao động.

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.