| Hotline: 0983.970.780

Không nghĩ có ngày khoai deo bước ra thế giới

Thứ Hai 08/01/2024 , 06:00 (GMT+7)

Quảng Bình Từng là món mà bà con thường làm cất trữ để 'cứu đói' vào những ngày đông giá rét cuối năm, khoai deo Quảng Bình đã bước ra thế giới trong niềm vui…

Con đường về xã biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), được đổ nhựa rộng, phẳng lỳ nên ô tô cứ bon bon chạy. Hai bên đường nhà cao tầng nối như thể đã là phố thị. Ấy vậy mà, khi đến với xứ “gió Lào, cát trắng”, là người ta cứ nghĩ về món đặc sản vùng cát: khoai deo. Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho hay: "Những năm gần đây, khoai deo đã cho thu nhập lên khoảng chục tỷ đồng. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế của địa phương. Hiện thương hiệu “khoai deo Hải Ninh”, không chỉ trong nước mà đã được du khách nước ngoài biết đến”.

Khoai lang được trồng trên vùng cát Hải Ninh. Ảnh: T. Đức.

Khoai lang được trồng trên vùng cát Hải Ninh. Ảnh: T. Đức.

Từ cây trồng trên cát chống đói đến món quà đặc sản…

Ông Nguyễn Chiến Thắng, từng đảm đương chức vụ Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cách đây chừng 30 năm. Thời đó, cuộc sống của bà con đang trong giai đoạn kham khổ. Mỗi lần ngư dân ra biển là cả làng ngóng chờ nhưng sản lượng thấp lắm, không đủ nộp và cái đói nghèo cứ bám riết từng ngõ nhà. “Lãnh đạo xã khi đó cũng luôn tìm giải pháp trồng màu để tăng lương thực chống đói cho bà con. Nhưng trên cát thì trồng được cây gì? Sau nhiều lần thử nghiệm, chỉ có cây khoai lang mới là cây chủ lực nhất”, ông Thắng kể lại.

Nhiều người cao niên ở vùng cát này vẫn còn nhớ như in, ban đầu bà con trồng trên cát trắng không, sau đó mới học cách kiếm lá cây phi lao, các loại cây dại về đào chôn giữa các rãnh khoai để tăng thêm dinh dưỡng cho đất nuôi củ khoai. Vây rồi, trên trảng cát nóng rát ấy, cây khoai chắt chiu từng đêm sương, từng trận mưa rào… mà cho nên củ mầm mẫm làm nẩy vung nồi trong mỗi bữa cơm.

Thay bằng phơi nắng, khoai deo được sấy bằng công nghệ. Ảnh: T.Đức.

Thay bằng phơi nắng, khoai deo được sấy bằng công nghệ. Ảnh: T.Đức.

Khi trồng được nhiều, năng suất khoai càng tăng, sau thu hoạch bà con sơ chế thành khoai khô và khoai deo. Khoai khô là củ khoai được thái lát mỏng theo chiều ngang, mang ra phơi nắng cho thật khô rồi đưa vào bao, vào chum sành đậy kín nắp lại để dành. Khoai deo sơ chế công phu hơn. Thường là bà con chọn những củ khoai dài mang luộc chín. Sau đó thái mỏng theo chiều dài củ khoai, xếp đều liền nhau lên nong, nia rồi mang ra phơi dưới nắng cho đến khi lát khoai khô cứng là được. Cả hai thứ đều được cất kỹ cho đến những tháng cuối năm khi mưa phùn, gió bấc tràn về, khi ngư dân gặp thời tiết khó khăn không ra khơi thì khoai khô, khoai deo được khui bao, khui chum nấu, hấp cùng cơm cho con thêm ấm bụng trong đêm đông gió hun hút thổi.

Con em vùng biển Hải Ninh trước khi đi xa, trong hành lý đều có mấy túi khoai deo để đến nơi xa thì làm quà hay mang ra ăn trong những lúc nhớ quê… Ông Thắng lại nói thêm như triết lý của người quê: “Cứ như vậy thôi, khoai deo từ tốn đi vào trong tâm tưởng của người bởi đó là quà quê, là củ sắn, củ khoai mang vị chát mặn của giọt mồ hôi chứ không phải là kẹo ngọt, bánh dẻo của nhà máy. Mà đã là quà quê thì ai cũng thấy mến, thấy nhớ. Rứa thôi”.

Ông Mai Văn Trung, một nông dân làm khoai deo ở thôn Tân Định cho hay, gia đình trồng 5 sào khoai (mỗi sào 500m2). Năng suất bình quân khoảng 18 tấn/ha. Một cân khoai lang củ bán khoảng 10 - 12 ngàn đồng.

 “Cứ 4kg khoai củ chế biến được 1kg khoai deo, giá khoai deo bán tại lò đã là 120 ngàn đồng. Như vậy, giá khoai đã được nâng lên 30 ngàn đồng/kg sau khi chế biến”, ông Trung nói.

Những người tiên phong đưa sản phẩm khoai ra thị trường thế giới

Bây giờ, khoai deo là một đặc sản mang đậm nét văn hóa ẩm thực của vùng đất Quảng Bình. Bên cạnh cách chế biến khoai deo truyền thống, những năm gần đây, khoai deo đã được nhiều cơ sở sản xuất ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại, cho ra đời những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các cơ sở này đã xây dựng các sản phẩm của khoai thành sản phẩm OCOP địa phương.

Đóng gói khoai deo tại Công ty Linh Huệ. Ảnh: T.Đức.

Đóng gói khoai deo tại Công ty Linh Huệ. Ảnh: T.Đức.

Hiện, toàn tỉnh có 3 sản phẩm khoai deo đạt chứng nhận OCOP 3 sao, gồm khoai deo Linh Huệ (của Công ty TNHH Linh Huệ), khoai deo Như Mận (Công ty TNHH Như Mận) và khoai deo Lâm Hường (Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh và dịch vụ khoai deo Lâm Hường). Trong đó, khoai deo Linh Huệ đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Chúng tôi đã đến thăm xưởng sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm khoai deo của Công ty TNHH Linh Huệ, Chị Trương Thị Huệ, Phó Giám đốc Công ty cho hay, vốn sinh ra và lớn lên ở vùng biển Hải Ninh và gia đình có truyền thống trồng và làm khoai deo nên biết chắc kỹ thuật làm sao để khoai dẻo, ngọt, thơm và để được lâu. ‘Sau thời gian mua khoai deo của bà con và bán lại cho người tiêu dùng, tôi thôi việc ở xã và chuyển hẳn làm kinh doanh về sản xuất khoai deo”, chị Huệ cho hay.

Cây khoai deo được trồng trên vùng cát khoảng vào cuối năm, khi trời se lạnh. Sau khoảng 4 tháng thì thu hoạch. Lúc này tiết trời đã chuẩn bị cuối xuân và sang hè nên thời tiết chớm vào hanh, khô và có những đợt nắng gắt đầu mùa ở miền Trung. Thu hoạch xong, bà con chọn những củ khoai đẹp để vào nơi thoáng mát ủ chừng 3 - 4 ngày tùy theo thời tiết. Sau đó, khoai được phơi trong thời gian 10 - 15 ngày, để củ khoai chuyển dần sang ngọt (bà con thường gọi là “đóng đường”). Hết thời gian này, khoai được đưa phơi nắng chừng 2 giờ đồng hồ để “hạ mật”, rồi mới đưa đi hấp chín. Đến công đoạn tỉ mỉ là bóc vỏ khoai và thái lát. Công đoạn này thì cả trẻ em và người lớn đều tranh thủ làm được. Chị Huệ cho hay: “Đến đoạn này thì tùy theo từng cơ sở sản xuất. Có nơi vẫn phơi khoai dưới nắng, có nơi dùng lò sấy điện”.

Sản phẩm khoai deo Quảng Bình đã trở thành đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng châu Á năm 2023. Ảnh: T. Đức.

Sản phẩm khoai deo Quảng Bình đã trở thành đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng châu Á năm 2023. Ảnh: T. Đức.

Tại Công ty TNHH Linh Huệ, khoai sau khi hấp chín, thái mỏng được đưa vào lò sấy với nhiệt độ không cao. “Quy trình sấy không liên tục mà ngắt quãng cho đến khi khoai deo đạt tiêu chuẩn màu nâu sẫm, nhìn như có mật ứa ra phía ngoài và dậy mùi thơm ngọt. Lát khoai mềm dẻo, khi ăn có cảm giác mềm vừa phải là đã đạt được chất lượng cao”, chị Huệ cho hay.

Hiện tại sản phẩm khoai deo Linh Huệ đã có mặt tại một số cửa hàng nông sản sạch và các siêu thị ở các tỉnh thành trong cả nước. Trung bình mỗi năm, Công ty tiêu thụ sản lượng khoai deo hơn 55 tấn, doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì để đưa đến thị trường các nước trong khu vực”, chị Huệ nói.

Trước đây, trên địa bàn xã Hải Ninh cơ bản hộ dân nào cũng trồng khoai lang. Diện tích đã có lúc phát triển lên năm, bảy chục ha. Đến nay, diện tích trồng khoai chỉ còn lại gần 15ha. Nguyên nhân do đất được cấp cho doanh nghiệp, một phần người dân xây dựng nhà cửa cho con cái. Nhiều hộ dân phải đến những vùng đất khác để thuê đất trồng khoai. Toàn xã có khoảng 300 hộ chuyên làm khoai deo. Mỗi hộ trong năm cũng sản xuất được khoảng 1 - 1,5 tấn khoai deo thành phẩm để nhập cho các công ty đóng gói với tổng sản lượng khoảng 420 tấn.

Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh trao đổi, thu nhập từ khoai deo đã tạo cho Hải Ninh có nguồn thu ổn định, góp phần đưa xã về đích nông thôn mới trước thời hạn. “Hiện, chúng đã làm thủ tục xin tỉnh quy hoạch vùng trồng khoai khoảng 200 ha cho bà con. Có được như vậy, vùng biển có thêm được thế mạnh mới trong phát triển kinh tế, xã hội”, ông Liệu nhìn nhận.

Khoai deo Quảng Bình lập kỷ lục châu Á mới về ẩm thực 

Ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương tỉnh Quảng Bình), cho biết, Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập 10 kỷ lục châu Á mới về ẩm thực và quà tặng đặc sản Việt Nam theo bộ tiêu chí kỷ lục ẩm thực và đặc sản châu Á năm 2023.

Theo đó, 10 kỷ lục châu Á mới về 5 đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng gồm cốm làng Vòng (Hà Nội); khoai deo (Quảng Bình), mè xửng (Thừa Thiên - Huế), dâu Đà Lạt (Lâm Đồng), bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh).

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm