Giữa bức tranh ảm đạm chung của ngành xi măng, một vài điểm sáng đã xuất hiện, trong đó có Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn (Tổng Công ty Xi măng Việt Nam - VICEM).
Doanh nghiệp từng lỗ liên tục này đã tìm thấy “ánh sáng” khi báo lãi trở lại trong quý 2/2024. Sự chuyển mình này không chỉ là kết quả của những nỗ lực cắt giảm chi phí mà còn phản ánh sự thay đổi chiến lược trong bối cảnh đầy thách thức của ngành.
Cụ thể, báo cáo tài chính bán niên năm 2024 của VICEM Bỉm Sơn cho thấy, doanh thu thuần bán hàng của doanh nghiệp đạt 1.710 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, quý 2/2024, Vicem Bỉm Sơn đã có lãi trở lại 27 tỷ đồng sau nhiều tháng lỗ.
Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng năm 2024, doanh nghiệp hiện vẫn còn lỗ 22,6 tỷ đồng, nhưng so với số lỗ 55,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, mức lỗ lũy kế này đã giảm hơn 32 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Vicem Bỉm Sơn, nguồn cung xi măng vẫn vượt xa cầu, áp lực tồn kho sản phẩm, dư thừa năng lực dẫn đến các doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt, giảm giá bán, phát triển sản phẩm mới để tăng sản lượng tiêu thụ và mở rộng thị phần.
Cùng với đó, giá bán xi măng có xu hướng giảm, trong khi giá nguyên, nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao, làm giảm hiệu quả kinh doanh. Xu hướng chuyển từ xi măng bao sang xi măng rời cũng làm giảm hiệu quả của doanh nghiệp do giá trị thương hiệu gắn với xi măng bao.
Cải thiện hiệu quả kinh doanh đáng kể nhất trong quý 2/2024 là Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên khi doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần quý 2 gần 1.909 tỷ đồng, lãi ròng gần 46 tỷ đồng.
Lý do giúp Vicem Hà Tiên có lãi không phải do sự hồi phục về doanh thu, mà bởi chi phí lãi vay được tiết giảm mạnh. Doanh nghiệp này đã cắt giảm được chi phí lãi vay từ 70 tỷ đồng cùng kỳ, xuống chỉ còn 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thống kê tại 18 doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán trong nửa đầu năm 2024, các doanh nghiệp thuộc ngành này vẫn lỗ trước thuế gần 110 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước.