Nhờ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động bị mất việc có được một khoản tiền bù đắp, giúp họ trang trải cuộc sống và được tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề…
Đây là những người lao động đến làm hồ sơ để tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh. Đa số họ đều nằm trong diện chấm dứt hợp đồng do công ty ngừng hoạt động hoặc không đủ điều kiện để duy trì số lao động. Bởi vậy mà cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023 được quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013. Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Mục đích chính của bảo hiểm thất nghiệp nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động bị mất việc làm, đặc biệt hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề, tìm việc làm. Và trong 3 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lực lượng lao động thất nghiệp tăng mạnh, do đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp càng phát huy hiệu quả làm "bà đỡ" giúp họ vượt qua khó khăn.
Anh TRẦN XUÂN GIANG
Phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh
Khi doanh nghiệp hoạt động thì cuộc sống của từng cá nhân đều cần chi phí để sinh hoạt thì qua mạng và mọi người thì tôi biết đến bảo hiểm thất nghiệp và đây là lần đầu tiên tôi làm trợ cấp thất nghiệp. Các chị hướng dẫn rất nhiệt tình và có nói là có nhu cầu tìm việc thì ghi thông tin để các chị lưu ý. Khi được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ giúp chúng tôi trang trải chi phí hàng ngày, lúc ốm đau, bệnh tật, tuy không nhiều nhưng rất cần thiết.
Chị NGUYỄN HÀ NHI
Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh
Tôi biết qua bạn bè và bộ phận hương dẫn. Tôi thấy bảo hiểm thất nghiệp rất hữu ích cho người lao động vì trong quá trình chờ việc thì có thể hỗ trợ 1 phần kinh tế. Đến đây mọi người hướng dẫn rất nhiệt tình và tôi cũng mong muốn có 1 công việc có thu nhập ổn định.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Chị NGUYỄN THỊ HUYỀN
Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang
Tôi đang làm ở công ty Laxe, do công ty hết việc nên tôi đi làm thất nghiệp, trước kia tôi đã đi làm công ty may. Tôi đến làm bảo hiểm thất nghiệp để có 1 phần hỗ trợ, trung tâm cũng có giới thiệu để tôi tìm được 1 công việc phù hợp.
Chị NGUYỄN THỊ TỚI
Huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang
Tôi biết làm trợ cấp thất nghiệp từ các đồng nghiệp trước, giúo tôi có thêm 1 khoản thu nhập trong thời gian mình chờ việc. Chi phí này không nhiều những cũng giúp mình trong lúc khó khăn và chi tiêu thì cũng đỡ hơn.
Khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động còn được hỗ trợ tư vấn và giới thiệu việc làm. Cụ thể, theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Theo thống kê từ Cục Việc làm, số người thất nghiệp lựa chọn học nghề thấp, chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đa số lựa chọn một số nghề trình độ sơ cấp như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy… Do đó, để tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, từ ngày 15/5/2021, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 17 ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp”.
Đây là lớp học pha chế của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Đa số học viên tại đây đều đã từng có việc làm ổn định. Tuy nhiên, do một số lí do bất khả kháng, họ đã phải dừng công việc và đi tìm kiếm vị trí việc làm mới. Khi đến đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm, những người lao động này đã nhận được nhiều sự tư vấn, hỗ trợ từ các cán bộ của Trung tâm dịch vụ việc làm. Không những vậy, nhiều người còn mạnh dạn học thêm nghề mới, với hi vọng con đường phía trước rộng mở hơn.
Chị ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG
Khu đô thị Nam Trung Yên, TP. Hà Nội
Trước đây có làm ngành viễn thông sau đó công việc áp lực thì tôi nghỉ. Sau đó tôi đăng ký trợ cấp thất nghiệp. Trong quá trình đó thì các bạn có tư vấn cho tôi học thêm 1 nghề, lúc đó tôi băn khoăn lắm vì không biết học nghề gì. Bởi theo nghề kia cũng rất lâu từ khi tôi ra trường. Từ khi học về đồ uống thì tôi quyết định học thêm 1 nghề nữa. Thật sự rất bất ngờ ở đây thầy dạy rất tốt và truyền cho chúng tôi rất nhiều năng lượng. Đi học rất vui chẳng muốn nghỉ học và sắp tới hi vọng có thể làm được nghề mới và yêu thích nó.
Chị LÝ THU HƯƠNG
Phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội
Trong quá trình chưa tìm được việc và để giải toả thời gian trống thì tôi đã đi học. Thực chất khi đến đây học thì đây là môi trường mới đối với 1 người làm văn phòng 15 năm như tôi. Thầy giáo thì rất nhiệt tình. Các bạn ở lớp cũng rơi vào trạng thái như mình nên cũng tìm được môi trường rất hoà đồng, thêm vào nữa là tìm được 1 nghề rất mới và nó rất thú vị, trước giờ không nghĩ nghề pha chế thú vị như thế. Tôi thấy nó cũng là 1 cơ hội cho rất nhiều người thất nghiệp như tôi ở cái tuổi cũng hơi lớn, ở tuổi 40 như tôi thì cơ hội đi tìm việc rất là khó, nên đó cũng là 1 cơ hội để tôi định hướng cho riêng mình.
Theo đánh giá của các Trung tâm dịch vụ việc làm, công tác đào tạo nghề sẽ giúp cho người lao động chưa có việc làm có cơ hội tìm được một nghề mới. Mặc dù thời gian đào tạo mang tính chất ngắn hạn nhưng cũng sẽ giúp họ nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Ông VŨ QUANG THÀNH
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Có thể chúng ta thấy rằng nhìn thực tế từ thị trường, nhiều người lao động mới đầu có thể nhìn lĩnh vực nghề nghiệp đó chưa đem lại lợi ích khi chúng ta tiếp cận, theo học. Nhưng thực tế sau quá trình được tư vấn, được tiếp cận và theo học thì thấy rằng có vị trí nghề nghiệp mới và có thể thay đổi được vị trí việc làm hoặc lĩnh vực nghề nghiệp cũ mà trước đây người lao động đã từng tham gia. Đây là thực tế từ thị trường và kể cả qua công tác đào tạo nghề của trung tâm thì cũng đã nắm bắt, đánh giá và định hướng được người lao động tìm kiếm được vị trí việc làm phù hợp với bối cảnh hiện tại. Và sau khi được đào tạo xong thì nhanh chóng nhất quay trở lại thị trường lao động, hoặc đạt được những mục đích mà trước khi theo học nghề mà người lao động đã đặt ra cho chính bản thân họ.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách được đánh giá là hết sức nhân văn để hỗ trợ cho người lao động. Đặc biệt là trong những thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người dân nói chung và người lao động nói riêng. Bởi lẽ đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP 2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng được đánh giá rất cao bởi tính nhân văn và phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Ông NGUYỄN VĂN HUẾ
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang
Hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là cứu cánh cho người lao động lúc khó khăn, điều này rất nhân văn, hiệu quả. Chính như vậy người lao động đã hiểu nhiều hơn về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đó là chính sách tạm thời hỗ trợ người lao động khi mất việc làm. Do vậy người lao động cũng cần chủ động tìm những công việc phù hợp hơn, tốt hơn trong giai đoạn hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài chính sách thất nghiệp người lao động còn được hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí để chuyển đổi nghề trong quá trình đang nghỉ việc. Tôi thấy đây là 1 trong những chính sách rất hiệu quả mà hỗ trợ tốt an sinh cho người lao động.
Ông VŨ TIẾN THÀNH
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh
Có thể nói chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách hết sức nhân văn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của Bộ LĐ-TB&XH. Bởi, người lao động khi thất nghiệp không có thu nhập nào khác. Nhưng đây trong quá trình làm họ đóng vào thì họ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trước tiên là họ duy trì cuộc sống của họ. Thứ 2 nữa là trong thời gian chưa tìm được thì họ vẫn có cái điều tiết sinh hoạt trong gia đình. Thứ 3 là trong thời gian họ nghỉ thất nghiệp cũng có thể vừa được hỗ trợ học nghề nhưng có tiền duy trì cuộc sống có thể bổ sung thêm phần học nghề để nâng cao tay nghề và sớm tìm được việc làm.
Theo thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm của một số tỉnh thành phố, năm 2020 và 2021 tỷ lệ lao động thất nghiệp là tương đối cao, một phần là do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến năm 2022 tỷ lệ mất việc cũng như tỷ lệ người lao động làm trợ cấp thất nghiệp đều có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước đó. Điều này được đánh giá là tín hiệu khởi sắc sau quãng thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Ông VŨ TIẾN THÀNH
Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh
Giảm thứ nhất đó là người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp được quay lại thị trường lao động sớm nhất. Giảm thứ 2 là trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động được tư vấn về hỗ trợ học nghề để người lao động có thể chủ động đổi vị trí làm việc và được tư vấn làm ở môi trường mới. Thứ 3 là khâu rất quan trọng tư vấn cho người lao động bảo hiểm thất nghiệp là việc làm. Khi thất nghiệp thì để quay lại sớm nhất đó là việc làm để duy trì cuộc sống và tăng thu nhập, làm việc ở môi trường mới. Thế nên là người lao động thất nghiệp được chúng tôi tư vấn đầy đủ về quyền lợi, chế độ, chính sách.
Ông NGUYỄN VĂN HUẾ
Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang
Trước khi người lao động đến làm bảo hiểm thất nghiệp thì Trung tâm có một bộ phận tư vấn để sàng lọc nhu cầu và nắm bắt nguyện vọng của người lao động. Thứ nhất người lao động trước khi mất việc làm ở lĩnh vực nào thì chúng tôi tư vấn ở lĩnh vực đó trước, sau đó thì chúng tôi sẽ tư vấn ở lĩnh vực khác mà vị trí việc làm cũng như mức lương, điều kiện tốt hơn và tương đương thì người lao động sẽ có sự lựa chọn. Qua việc tư vấn thì chúng tôi thấy rằng người lao động cần nhiều thông tin về vị trị việc làm, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ. Do vậy trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành, đặc biệt là cơ quan báo đài đẩy mạnh chính sách này đối với người lao động để người lao động nắm bắt thêm các chính sách.
Có thể nói, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính trong lúc chưa tìm được việc làm. Nhất là trong giai đoạn đại dịch vừa qua, bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động. Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi. Một trong số này là được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do đó, một số ý kiến cho rằng, nên mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong Luật việc làm (sửa đổi).
Ông VŨ TIẾN THÀNH
Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh
Cũng mong là mở rộng đối tượng được hưởng ra, khi có việc làm tức là anh phải đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tức là có đóng mới có hưởng. Cái đấy cũng rất mong Đảng, nhà nước quan tâm, các cấp các ngành quan tâm để mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi người ta mất việc làm. Và sau này, theo quan điểm cá nhân của tôi thì bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là bảo hiểm thất nghiệp mà phải nói đến bảo hiểm việc làm thì mới là đúng, bởi bảo hiểm việc làm là khi anh có việc đã thất nghiệp và khi anh mất việc thì cái bảo hiểm này sẽ bảo hiểm cho anh mất việc chứ bảo hiểm thất nghiệp lại đang ở phạm vi rất chung chung. Nhưng bảo hiểm việc làm tức là anh có việc làm là anh có bảo hiểm. Mà anh thất nghiệp thì cũng là có cái bảo hiểm đấy. Và cũng hi vọng sau này các đối tượng có việc làm là có bảo hiểm thất nghiệp.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hơn 14,33 triệu người, bằng khoảng 31,1% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 0,935 triệu người, tương đương tăng 6,98%, so với năm 2021. Tổng số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp là 14.426 tỷ đồng. Tổng chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 17.719 tỷ đồng trong đó chi trợ cấp thất nghiệp chiếm hơn 90% tổng chi.
Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết trong đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) sắp tới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động sẽ là một trong những nhóm chính sách trọng tâm. Cùng với đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp.