| Hotline: 0983.970.780

Dự báo ngân sách tăng lương của doanh nghiệp Việt giảm còn 7% năm 2024

Thứ Sáu 26/01/2024 , 17:17 (GMT+7)

Khảo sát của Talentnet - Mercer dự báo, các doanh nghiệp Việt sẽ giảm ngân sách tăng lương còn gần 7% và chỉ số này giữ mức ổn định ở các công ty nước ngoài.

Trong năm 2023, người lao động có xu hướng bám trụ với công việc hiện tại trước biến động của bối cảnh kinh tế. 

Trong năm 2023, người lao động có xu hướng bám trụ với công việc hiện tại trước biến động của bối cảnh kinh tế. 

Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi năm 2023 tại thị trường Việt Nam của Talentnet và Mercer – hai đơn vị tư vấn nhân sự hàng đầu cho thấy, bối cảnh kinh tế Việt Nam có nhiều biến động trong năm qua. Người lao động có xu hướng bám trụ với công việc hiện tại dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu năm 2022, tỷ lệ nghỉ việc tự nguyên là 22% ở các công ty Việt Nam và gần 16% ở công ty nước ngoài, sang đến nửa đầu năm 2023, con số này là 10% ở công ty Việt Nam và hơn 6% ở công ty nước ngoài.

Các công ty trở nên thận trọng hơn trong quyết định tuyển dụng trước tình hình kinh tế khó khăn khi tỷ lệ giữ nguyên số lượng nhân viên chiếm đến 39%. Ngược lại với năm 2022, quyết định tuyển dụng thêm nhân viên chiếm phần nhiều hơn. Tuy nhiên, chỉ có 1% doanh nghiệp dự kiến cắt giảm nhân sự, nằm trong những nhóm ngành tài chính – ngân hàng, bất động sản, công nghệ cao và sản xuất.

Đáng chú ý, năm 2023, tỷ lệ gia tăng ngân sách lương của doanh nghiệp Việt Nam đạt gần 8%, tăng nhẹ so với năm 2022. Chỉ số tương tự ở doanh nghiệp đa quốc gia là hơn 7%.

Hầu hết các ngành đều có tỷ lệ tăng lương giảm so với năm 2022. Trong đó, các ngành có tỷ lệ tăng lương thấp nhất bao gồm tài chính phi ngân hàng (5,1%), bất động sản (5,3%), khai khoáng và dầu khí (5,4%).

Một số ngành vẫn có mức tăng trưởng ổn định so với nhu cầu thị trường như năng lượng tái tạo có mức tăng lượng (7,7%). Riêng ngành công nghệ cao vẫn có tỷ lệ tăng lương cao nhất năm 2023 (8,3%), theo sau là thương mại (7,7%).

Với tình hình hiện tại của nền kinh tế, báo cáo dự đoán ngân sách tăng lương của doanh nghiệp Việt sẽ giảm còn 6,9% trong năm 2024, trong khi doanh nghiệp nước ngoài vẫn duy trì ổn định ngân sách tăng lương.

Nguồn: Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi năm 2023 tại thị trường Việt Nam của Talentnet và Mercer.

Nguồn: Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi năm 2023 tại thị trường Việt Nam của Talentnet và Mercer.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra cơ cấu lao động hiện nay của các doanh nghiệp đang có sự thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện ngày càng nhiều gen Z trong đội ngũ nhân viên. Các thế hệ lao động này cũng có nhiều triết lý làm việc và nhu cầu mới mà doanh nghiệp cần phải chú ý.

Trong đó, gen Z thể hiện rõ mong muốn được thăng chức sau 2 năm, ngắn hơn con số trung bình 3 năm của các thế hệ khác. Tuy nhiên, thâm niên trung bình của thế hệ này chỉ là 1,7 năm. Vì vậy, tùy vào chiến lược mà doanh nghiệp nên điều chỉnh chính sách nhằm giữ chân nhân tài gen Z ở lại lâu hơn.

Năm 2023 khép lại với nhiều biến động trên thị trường nhân sự. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 89.000 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng gần 29%.

Nhưng điểm sáng là trong cùng khoảng thời gian, số doanh nghiệp hoạt động trở lại và thành lập mới lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, lên đến 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu cho thấy, doanh nghiệp dù đang đối mặt nhiều khó khăn để duy trì hoạt động song cơ hội phát triển luôn được chú trọng. Bài toán lớn nhất mà các doanh nghiệp “tân binh” lẫn “kỳ cựu” là phải duy trì và củng cố lực lượng lao động chất lượng cao giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Bước vào năm 2024, để giải bài toán trên, Talentnet và Mercer cho rằng các nhà tuyển dụng cần tập trung 4 vấn đề.

Thứ nhất, giảm trừ căng thẳng. Theo khảo sát, 44% nhân viên cho biết họ bị căng thẳng cao độ trong thời gian dài. Do đó, đây là hồi chuông cảnh báo doanh nghiệp trong năm 2024, cần có những nỗ lực kịp thời nhằm gia giảm sự căng thẳng, bí bách trong môi trường làm việc.

Thứ hai, tăng cơ hội phát triển sự nghiệp. Trong bối cảnh tỷ lệ nhân viên xem trọng “cơ hội phát triển sự nghiệp” và “mục đích trong công việc” đã tăng từ 20% năm 2022 lên 35% trong năm 2023, các nhà quản trị cần đảm bảo nhân viên được tiếp cận cơ hội phát triển tương xứng với đóng góp của họ trong tổ chức.

Thứ ba, có thêm các chính sách thúc đẩy “sức khỏe xã hội”. Báo cáo cho rằng, việc gia tăng sự kết nối của nhân viên với gia đình và cộng đồng dù còn mới lạ nhưng sẽ là chính sách nổi bật để cải thiện hệ thống quyền lợi – phúc lợi hiện tại.

Thứ tư, phân chia nguồn lực hợp lý cho các kỹ năng cần tuyển dụng thay vì chỉ lấp đầy vị trí.

Báo cáo lương, thưởng, phúc lợi năm 2023 tại thị trường Việt Nam của Talentnet – Mercer ghi nhận sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát, đạt 638 doanh nghiệp, tăng 30 doanh nghiệp so với năm 2022.

Vị trí và số lượng người lao động tham gia khảo sát cũng tăng vượt bậc, với hơn 3.439 vị trí (tăng 71 vị trí) đến từ hơn 544.005 người lao động (tăng 60.395 người lao động) trên khắp Việt Nam.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Long An có thêm 2 điểm giao dịch ngân hàng tự động Autobank

Agribank Long An vừa đưa vào hoạt động 2 máy gửi rút tiền tự động Autobank (CDM) tại chi nhánh huyện Tân Hưng và Châu Thành, mang đến trải nghiệm ngân hàng số hiện đại.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.