| Hotline: 0983.970.780

Ước mong xóa nhòa định kiến giới trong ngành nông nghiệp

Thứ Sáu 15/12/2023 , 15:31 (GMT+7)

Giai đoạn 2020 - 2023, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ toàn quốc là 62,9% và tỷ lệ này của nam giới là 75,3%, theo Tổng cục Thống kê.

Cứ Thị Dở vừa quản lý vừa tham gia điều khiển máy thêu tại xưởng. 

Cứ Thị Dở vừa quản lý vừa tham gia điều khiển máy thêu tại xưởng. 

Ước mơ thoát nghèo

Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, bố lại mất sớm, nên Cứ Thị Dở ở bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái sớm phải lo toan, gánh vác công việc gia đình. Từ đi rừng, làm ruộng, nuôi gà... chưa có nghề nào mà cô gái dân tộc Mông chưa trải qua. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn khó khăn, bữa no bữa đói.

Đặc thù của đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải là có nghề dệt thổ cẩm độc đáo. Cứ tháng 3, tháng 4 hàng năm, họ lại đi trồng cây lanh và nửa năm sau thu hoạch. Sau khi hái về, bà con đem ra phơi nắng cho khô rồi mới tước thành sợi. Sợi lanh được đưa vào cối giã mềm rồi nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn, mang đi giặt cho mềm sợi lanh và giũ hết những vỏ cây để tránh mốc.

Cuối cùng, người dân đem luộc sợi lanh, cho đến khi thấy sợi lanh mềm và trắng thì mang phơi nắng cho khô và dùng guồng chia sợi lanh ra trước khi mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải lanh bền đẹp. Để có những tấm vải thổ cẩm độc đáo, người phụ nữ Mông sẽ in, vẽ sáp hoặc thêu khá mất thời gian.

Nhận thấy nghề tiềm năng của quê hương, Cứ Thị Dở tìm cách "công nghiệp hóa" sản phẩm này. Thông qua Phòng Lao động - Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, người phụ nữ sinh năm 1994 được đào tạo một cách bài bản về cách mở xưởng sản xuất, cách quản lý nhân công và tổ chức vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Cùng với đó, Dở vận động chị em hàng xóm tham gia nhiều hơn vào các lớp đào tạo nghề mở trên địa bàn huyện Mù Cang Chải để vững tay nghề. Đến năm 2021, cô mạnh dạn vay vốn để mở một xưởng dệt quy mô gần nhà. Ngoài các mẫu mã truyền thống, tấm gương chịu khó học hỏi này còn mày mò học thêm thiết kế bản vẽ trên máy tính để tự làm ra những mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu của người dân trong vùng.

Hiện xưởng thêu của gia đình Cứ Thị Dở tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động là người đồng bào trong bản. Cô còn năng động tham gia các buổi giới thiệu sản phẩm và tích cực livestream giới thiệu bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội để tìm thêm đầu ra.

"Học hết phổ thông, em đi học trung cấp mầm non nhưng không xin được việc làm ưng ý. Lập gia đình xong, em quyết tâm làm kinh tế. Từ thời gian làm thuê tại một xưởng may, em nảy ra ý tưởng sản xuất hàng thổ cẩm cung cấp cho thị trường", Dở nhớ lại.

Sản phẩm thổ cẩm của Dở được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Sản phẩm thổ cẩm của Dở được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Từ 2 máy thêu ban đầu, mỗi máy 20 đầu thêu, cơ sở của gia đình Dở hiện đều đặn nhận các đơn hàng từ khắp nơi trên cả nước. Sản phẩm làm ra tiêu thụ tốt, có lợi nhuận khá, giúp bà con trong vùng thoát nghèo.

Năm 2022, cô được chính quyền quan tâm, ngân hàng cho vay ưu đãi mua thêm 1 máy thêu để gia tăng sản phẩm cung cấp cho thị trường, đồng thời có thêm thời gian dạy nghề cho những người dân xung quanh có nhu cầu.

Xóa tan định kiến giới

Những kết quả như của gia đình Cứ Thị Dở là nguồn cảm hứng để Bộ NN-PTNT và FAO tiếp tục phối hợp chặt chẽ để có một tương lai bình đẳng giới hơn cho phụ nữ.

Kết quả rà soát tình hình bình đẳng giới trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn từ 2018 đến nay của FAO cho thấy, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện và cập nhật các khung pháp lý liên quan như sửa đổi Luật Lao động (2019), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2022), ban hành Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 và đang sửa Luật Bình đẳng giới.

Tuy nhiên, nhiều chương trình, chính sách hiện chưa lồng ghép giới một cách hiệu quả. Ví dụ, bình đẳng giới được đưa vào mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhưng không thể hiện trong mục tiêu cụ thể; thậm chí không được đề cập trong mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, mà chỉ có trong một số dự án.

Bên cạnh đó, dù có tuổi thọ trung bình cao hơn nam giới, số năm sống khỏe của phụ nữ thấp hơn, dễ gặp nhiều rủi ro hơn ở tuổi già. Trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hơn so với nam giới. Năm 2020, 67,9% phụ nữ có việc làm là lao động gia đình, gấp đôi so với 32,1% ở nam giới. Thu nhập bình quân từ làm công ăn lương của lao động nữ ở nông thôn luôn thấp hơn. Phụ nữ cũng dành nhiều thời gian thực hiện các công việc chăm sóc không được trả công nhiều hơn.

Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo đánh giá quốc gia về giới trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn diễn ra sáng 15/12. Ảnh: ICD.

Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo đánh giá quốc gia về giới trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn diễn ra sáng 15/12. Ảnh: ICD.

Điểm sáng mang tên Cứ Thị Dở chưa thể xóa nhòa thực trạng là bất bình đẳng giới trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn tồn tại. Phụ nữ nông thôn bị hạn chế hơn trong tiếp cận nguồn lực đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học kỹ thuật. Tỷ lệ có việc làm trả công của lao động nữ ở nông thôn thường thấp hơn nam giới.

Với các dịch vụ khuyến nông, phụ nữ cũng bị hạn chế tiếp cận hơn. Trong các khóa tập huấn nông nghiệp, phụ nữ là đối tượng tham gia chính nhưng thường không học được kỹ năng phù hợp. 

Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT đánh giá: "Phụ nữ nông thôn đã và đang góp phần quan trọng và tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, thu nhập của họ tại khu vực nông thôn luôn thấp hơn so với thành thị, và luôn thấp hơn so với nam giới trong cùng khu vực. Tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức chủ yếu tập trung ở nông thôn. Trong đó lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm hoặc các công việc đơn giản chiếm phần lớn", ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, bình đẳng giới là Mục tiêu phát triển bền vững số 5 đã được Liên hợp quốc thông qua năm 2015. Bình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người, nó còn là một nền tảng cần thiết cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững.

Thừa nhận một số tồn tại về bất bình đẳng giới trong lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế kêu gọi cần tập trung xóa bỏ định kiến giới trong xã hội. Vấn đề này làm ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực giữa nam giới và nữ giới.

"Dù xã hội đang ngày càng phát triển theo hướng văn minh, tiến bộ hơn, đất nước cũng đang trong quá trình hội nhập quốc tế nhưng những khuôn mẫu truyền thống, những định kiến giới về vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người Việt Nam, trở thành những rào cản cho quá trình bình đẳng giới trong khu vực nông nghiệp", ông Liêm bày tỏ.

Trong những năm qua, Việt Nam luôn đi đầu và tham gia tích cực vào Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW). Công ước này càng đặc biệt khi đã quy định các quyền đặc thù của phụ nữ nông thôn.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đang được triển khai tích cực. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp rất chú trọng tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo và quản lý ở cấp hoạch định chính sách. Phụ nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp đang được trao ngày một nhiều quyền hơn trong việc tiếp cận đến các dịch vụ tài chính, giáo dục...

Xem thêm
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn cho các mặt hàng rau quả chủ lực

Hiệp hội Rau quả kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những chương trình, chính sách để hỗ trợ ngành hàng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và xuất khẩu bền vững.

Startup Việt thắng giải WorldCup về công nghệ nông nghiệp

Enfarm, doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm đo và tư vấn cho nông dân về dinh dưỡng cây trồng, đã xuất sắc đạt danh hiệu Market.

Đề nghị mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời cử tri Thái Nguyên về việc đề nghị mở rộng, nâng cấp đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.