| Hotline: 0983.970.780

Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/10 Singapore, World Bank khuyến nghị gì?

Thứ Hai 19/02/2024 , 18:10 (GMT+7)

Năng suất lao động của Việt Nam đã cao hơn nhiều nước trong khu vực nhưng giá trị năng suất lao động trong 1 giờ chỉ đạt 6,4 USD, trong khi Singapore là 68,5 USD.

Năng suất lao động của người Việt tăng 64% (2010 - 2020)

Báo cáo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhìn nhận, Việt Nam là một ngôi sao kinh tế toàn cầu trong 30 năm qua và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới.

Từ năm 1990 - 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 5,3%, nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc.

Hiệu suất đáng chú ý này được thúc đẩy bởi 3 động cơ tăng trưởng, gồm: tích lũy vốn nhanh, nguồn cung lao động dồi dào và tăng trưởng năng suất cao. Ba động cơ này được củng cố bởi những cải thiện trong môi trường kinh doanh, tăng chất lượng vốn nhân lực và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn (FDI).

Trong đó, khu vực tư nhân đóng vai trò trung tâm trong sự thịnh vượng ngày càng tăng của Việt Nam. Được thúc đẩy bởi sự mở cửa thương mại và mô hình tăng trưởng định hướng xuất khẩu, Việt Nam đã thu hút một lượng lớn FDI trong các phân khúc sử dụng nhiều lao động của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Theo thống kê của World Bank, năng suất lao động của người Việt ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2010 - 2020, đạt 64%, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam tăng khoảng 2/3 kể từ năm 2010, nhưng vẫn chỉ ở đạt khoảng 10% so với mức của Singapore.

Nguồn: Tổ chức Năng suất châu Á năm 2020.

Nguồn: Tổ chức Năng suất châu Á năm 2020.

Số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á năm 2020 cho thấy, giá trị năng suất mỗi giờ lao động của người Việt Nam đạt 6,4 USD. Trong khi các nước trong khu vực cao hơn lần lượt là: Philippines 9,7 USD; Indonesia 12 USD; Thái Lan 14,8 USD; Malaysia 26 USD; Hàn Quốc 40 USD; Singapore 68,5 USD.

Tăng năng suất thông qua nâng cao hiệu quả các công ty khởi nghiệp

Theo World Bank, Việt Nam cần tăng năng suất của khu vực tư nhân trong nước để đạt được mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045. Việc duy trì mức tăng trưởng GDP trung bình 5,9% mỗi năm là cần thiết để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của khu vực tư nhân cũng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu nhanh chóng, phản ánh trong tỷ lệ việc làm nông nghiệp giảm nhanh chóng và sự gia tăng tương ứng của việc làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ.

Vai trò của tăng trưởng năng suất do khu vực tư nhân dẫn đầu sẽ đặc biệt quan trọng khi các nguồn tăng trưởng lịch sử của đất nước đang dần mất đi. Cụ thể, vốn tích lũy bị hạn chế bởi đầu tư công tương đối thấp và những thách thức khi dân số già đi.

Những thách thức trong hệ sinh thái kinh doanh của Việt Nam có thể cản trở sự gia nhập của các công ty sáng tạo khởi nghiệp và làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng cao của họ.

Các yếu tố cản trở bao gồm môi trường pháp lý chưa thông thoáng, tình trạng thiếu lao động lành nghề ngày càng tăng. Tỷ lệ đổi mới thấp và khó khăn trong việc tiếp cận tài chính, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp bên ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhiều lĩnh vực như dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, hậu cần và giáo dục phải chịu chi phí đầu vào cao và sự không chắc chắn về quy định.

World Bank nhận định, khu vực tư nhân trong nước rất năng động và phát triển nhanh chóng, tạo ra tỷ lệ doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp tăng trưởng cao là động lực chính tạo việc làm tại Việt Nam.

Tỷ lệ trung bình của các doanh nghiệp tăng trưởng cao theo quốc gia. Nguồn: Tính toán của World Bank dựa trên dữ liệu từ Tổng cục Thống kê.

Tỷ lệ trung bình của các doanh nghiệp tăng trưởng cao theo quốc gia. Nguồn: Tính toán của World Bank dựa trên dữ liệu từ Tổng cục Thống kê.

Trong giai đoạn 2017 – 2020, các doanh nghiệp tăng trưởng cao đã tạo thêm hơn 1,4 triệu việc làm cho nền kinh tế Việt Nam, trong khi phần còn lại của khu vực tư nhân đã mất 1,1 triệu việc làm ở cùng kỳ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp tăng trưởng cao có xu hướng kém năng suất, ít sáng tạo hơn và ít tích hợp hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu so với các công ty còn lại, phần lớn là do nhóm này tập trung vào lĩnh vực ít năng suất hơn và giá trị gia tăng thấp hơn, như bán sống/bán lẻ và xây dựng.

Ngược lại, các công ty khởi nghiệp sáng tạo, năng suất cao có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm chất lượng cao hơn, tạo ra thị trường mới, phá vỡ các thị trường hiện có và thúc đẩy năng suất của khu vực tư nhân trong nước. Các công ty khởi nghiệp sáng tạo muốn phát triển đòi hỏi có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Từ kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới, các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động, World Bank khuyến nghị Việt Nam tăng săng suất bằng cách nâng cao hiệu quả của các công ty hiện có. Thông qua cải thiện thực tiễn quản lý, áp dụng công nghệ mới, tăng cường tiếp cận thị trường và tài chính.

World Bank cũng nêu giải pháp cần phân bổ lại nguồn lực giữa các công ty và ngành công nghiệp kém hiệu quả sang các ngành hiệu quả hơn và cho phép các công ty năng suất cao hơn, chủ yếu là các công ty khởi nghiệp sáng tạo tham gia thị trường.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.