Với 119 tổ hợp tác sản xuất VietGap, 1 cơ sở đạt chuẩn GlobalGAP, bưởi đặc sản Phúc Trạch (Hà Tĩnh) không chỉ xuất bán trong nước mà còn hướng đến thị trường Quốc tế.
Bưởi Phúc Trạch vươn ra thị trường quốc tế
Với 119 tổ hợp tác sản xuất VietGap, 1 cơ sở đạt chuẩn GlobalGAP, bưởi đặc sản Phúc Trạch (Hà Tĩnh) không chỉ xuất bán trong nước mà còn hướng đến thị trường Quốc tế.
Đây là vườn bưởi hơn 300 gốc sản xuất theo quy trình VietGAP của hộ anh Nguyễn Văn Toản, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Vườn bưởi này chỉ sử dụng phân bón hữu hữu cơ và các chế phẩm sinh học; đồng thời áp dụng kỹ thuật bao quả để hạn chế thuốc BVTV, ruồi đục quả, từ đó nâng cao chất lượng, mẫu mã quả bưởi. Đặc biệt, việc sản xuất theo hướng an toàn đã góp phần bảo vệ môi trường đất, bảo vệ sức khỏe từ người sản xuất đến người tiêu dùng.
PV Nguyễn Văn Toản, thôn 7, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê: “Từ khi sản xuất theo hướng hữu cơ bản thân người SX cảm thấy đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm khi xuất ra thị trường…”.
Gần 1 tháng nay, anh Toản và người thân trong gia đình tập trung xuất bán vụ bưởi năm 2022. Theo ước tính, năm nay năng suất và chất lượng bưởi đạt cao hơn năm 2021. Nếu bán với giá hiện tại từ 30 – 35 ngàn đồng/quả, hiệu quả kinh tế vườn bưởi đem lại cho gia đình đạt hơn 300 triệu đồng.
PV Nguyễn Văn Toản, thôn 7, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê: “Với vườn bưởi trên 1 vạn quả này thu hoạch suýt soát cũng đạt 300 – 400 triệu”.
Không chỉ tập trung mở rộng diện tích sản xuất bưởi VietGAP lên đạt gần 1.000 ha, đến thời điểm này huyện Hương Khê cũng đã có 10 ha bưởi của tổ hợp tác Anh Quân, ở xã Phúc Trạch được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP.
Để đạt được chứng nhận này, đòi hỏi phải có quá trình sản xuất chuyên nghiệp và bài bản, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăm sóc. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn thì con người làm việc tại trang trại phải được trang bị kiến thức tốt và có phương pháp làm việc khoa học.
Quy trình GlobalGAP sản xuất với 194 tiêu chí khác nhau về các chỉ số an toàn nên tất cả các khâu đều phải thực hiện một cách khoa học, đúng như chỉ dẫn, loại bỏ hoàn toàn kiểu canh tác truyền thống.
PV ông Trần Đình Nhị, Tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch Anh Quân, huyện Hương Khê: “Cảm nhận chúng tôi rất phấn khởi, để có được cái này hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Cùng với việc quản lý tốt chỉ dẫn địa lý đặc sản bưởi Phúc Trạch, thời gian vừa qua huyện Hương Khê cũng tích cực phối hợp các sở ngành trong tỉnh tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, áp dụng chuyển đổi số truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bước đầu việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã mở ra cơ hội cho loại trái cây đặc sản này vươn ra thị trường quốc tế.
PV ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê: “Trong thời gian qua, huyện tổ chức thành lập được 119 tổ SX VietGap, trong đó có một số tổ được cấp mã số vùng trồng, có 1 tổ được chứng nhận globalgap và đang hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu bưởi ra nước ngoài.
Huyện Hương Khê hiện có gần 2.000 ha bưởi Phúc Trạch đã cho thu hoạch, năng suất trung bình năm 2022 ước đạt 12,3 tấn/ha, tương đương với sản lượng hơn 23.600 tấn. Thời điểm này nông dân nơi đây đang thu hoạch rộ bưởi Phúc Trạch./.