Thúc đẩy xuất khẩu nông sản ưu thế của Việt Nam sang Belarus. Hơn 100.000 tỷ đồng thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Sẽ mở rộng cấp mã số vùng trồng rừng trên toàn quốc. Lâm Đồng: Hơn 700 doanh nghiệp bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU NÔNG SẢN ƯU THẾ CỦA VIỆT NAM SANG BELARUS
Quang Dũng - Sản xuất
Sáng nay, 01/04, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - Phùng Đức Tiến có buổi tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Cộng hòa Belarus, ông Ivan Smilgin.
Tại buổi làm việc, 2 bên đã trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có các lĩnh vực như chăn nuôi, thủy sản và thương mại các sản phẩm nông sản giữa 2 nước. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ mong muốn thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có ưu thế như trái cây nhiệt đới, rau, chè, cà phê, thủy sản…vào thị trường Belarus. Thứ trưởng cũng đề nghị Belarus tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á-Âu và vận động Liên bang Nga ủng hộ, bổ sung thêm các doanh nghiệp thủy sản đủ điều kiện. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng giao Cục Chăn nuôi và Thú y sớm thống nhất mẫu giấy kiểm dịch thú y về thịt bò để tạo điều kiện cho phép Belarus xuất khẩu sang Việt Nam trong năm 2025.
Về phía Belarus, Thứ trưởng Ivan Smilgin tin tưởng rằng việc mở cửa thị trường thịt bò Belarus sang thị trường Việt Nam sẽ là một bước tiến nữa nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa chúng ta, đồng thời cũng sẽ cho phép người tiêu dùng Việt Nam tiếp nhận các sản phẩm chất lượng cao từ nước này. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh cam kết của Belarus trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp 2 nước hợp tác, góp phần gia tăng kim ngạch thương mại song phương.
HƠN 100.000 TỶ ĐỒNG THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dành cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 102.000 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới đến tháng 3/2025, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 77,9% (mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 80%); tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 47,6% (mục tiêu là 50%); 6 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (mục tiêu là 15 tỉnh).
Chương trình Giảm nghèo bền vững đã đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2024 là 1,93%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 24,86%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 12,55%. Trong số 9 nhóm mục tiêu của Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 6 nhóm mục tiêu đã cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch.
SẼ MỞ RỘNG CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG RỪNG TRÊN TOÀN QUỐC
Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Cục đang phối hợp các đơn vị thực hiện thí điểm việc cấp mã số vùng trồng rừng tại một số tỉnh phía bắc, tiến tới mở rộng ra toàn quốc. Các mã số này là nền tảng phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gỗ thích ứng các yêu cầu quốc tế cũng như phát triển phương pháp đo đếm, báo cáo và thẩm định để xác định khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon rừng trồng.
Mỗi năm, Việt Nam khai thác gỗ rừng trồng khoảng 22-23 triệu m3 và hiện đã có hơn 500.000 ha rừng được cấp chứng chỉ bền vững. Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 1 triệu héc-ta rừng trồng có chứng chỉ bền vững. Bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại, ngành gỗ và lâm sản cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu. Cụ thể, cần phát triển nhiều hơn diện tích rừng trồng gỗ lớn, rừng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ.
LÂM ĐỒNG: HƠN 700 DOANH NGHIỆP BÁN HÀNG TRÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, tính tới nay, địa phương có 700 doanh nghiệp đã lên sàn thương mại điện tử với 1.823 sản phẩm. Đây là kênh thông tin chính thống, cung cấp đầy đủ dữ liệu về các doanh nghiệp, sản phẩm của các đơn vị sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Doanh nghiệp có thể đăng tải thông tin sản phẩm lên trang phải đáp ứng đầy đủ các loại giấy chứng nhận và các loại chứng nhận sản phẩm như VietGAP, GlobalGAP... Các doanh nghiệp có nhu cầu đưa sản phẩm lên sàn được hỗ trợ 100% về chi phí và hướng dẫn các thủ tục liên quan như: lập tài khoản công ty, hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn, cung cấp các loại giấy tờ liên quan.