Xâm nhập mặn ven biển sẽ tiếp tục cao trong tháng 4
Thứ Hai 31/03/2025 , 18:30 (GMT+7)
Kêu gọi nghiên cứu chính sách cho lâm nghiệp. Phát triển công nghệ về khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu. Xâm nhập mặn ven biển sẽ tiếp tục cao trong tháng 4. Thái Nguyên: Lợn nạc hơn nhờ ăn bột chè xanh.
KÊU GỌI NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH CHO LÂM NGHIỆP
Quỳnh Anh
Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thông tin, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trên cả nước hiện đạt 15,8 triệu ha, trong đó 14,8 triệu ha có rừng, chiếm hơn 93%. Đáng chú ý, gần 8 triệu ha là đất rừng sản xuất, phục vụ hiệu quả cho ngành chế biến lâm sản.
Về kinh tế, ngành lâm nghiệp đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định 4,7%/năm. Năng suất và chất lượng rừng trồng được cải thiện, cung cấp hơn 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 17,2 tỷ USD, với xuất siêu ước tính khoảng 14,4 tỷ USD. Riêng 2 tháng đầu năm 2025, con số này đạt 2,52 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Để phát triển lĩnh vực này tốt hơn trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang kêu gọi nghiên cứu chính sách khuyến khích bảo vệ môi trường, phát triển thị trường tín chỉ carbon và nâng cao đãi ngộ cho lực lượng lao động lâm nghiệp.
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ VỀ KHÍ TƯỢNG THUỶ VĂN VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Hà Trang - Đoàn Phòng
Hôm nay 31/3, lễ bàn giao Biên bản ghi nhớ - MOU giữa Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Tổ chức Nghiên cứu Công nghệ vùng Flanders, Vương quốc Bỉ diễn ra tại Hà Nội.
Biên bản ghi nhớ chính thức có hiệu lực từ 01/04/2025, là bước tiến quan trọng để hai quốc gia hợp tác cùng nghiên cứu và phát triển công nghệ về khí tượng, thủy văn, môi trường và biến đổi khí hậu. Nhất là nhiệm vụ nghiên cứu về tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở các đô thị và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Nội dung bản ghi nhớ bao gồm: Đánh giá, tìm kiếm và triển khai hợp tác nghiên cứu khả thi về dịch vụ khí hậu như căng thẳng nhiệt, ngập lụt đô thị, chất lượng không khí và các lĩnh vực liên quan khác, kịch bản biến đổi khí hậu đô thị và tập huấn về chống chịu khí hậu đô thị tại Việt Nam; Xây dựng hợp tác nghiên cứu về giảm phát thải khí nhà kính hướng đến năng lượng bền vững; Xây dựng hợp tác nghiên cứu trong bất kỳ lĩnh vực nào mà các bên cùng quan tâm; Tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ cho các hoạt động hợp tác.
Hai bên bày tỏ kỳ vọng đây sẽ là cơ hội giúp thiết lập các kênh liên lạc mở và thường xuyên để đảm bảo sự thành công trong thoả thuận hợp tác.
XÂM NHẬP MẶN VEN BIỂN SẼ TIẾP TỤC CAO TRONG THÁNG 4
Quỳnh Anh
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo dòng chảy trên sông Cửu Long tháng 4/2025 chỉ bằng hơn 67% lưu lượng so với trung bình nhiều năm, xâm nhập mặn có thể xâm nhập sâu hơn. Vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long dự báo mặn còn tiếp tục cao trong tháng 4.
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam kiến nghị kế hoạch sử dụng nước cho các địa phương vùng ĐBSCL, cụ thể như đối với vùng thượng ĐBSCL nguồn nước đủ, khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao Tịnh Biên, Tri Tôn, thực hiện các biện pháp trữ nước và tưới tiết kiệm nước.
Đối với vùng giữa, nguồn nước cơ bản đảm bảo, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Vùng ven biển xâm nhập mặn bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển. Do vậy, cần chuẩn bị các phương án ứng phó, tích trữ và sử dụng nước hợp lý.
THÁI NGUYÊN: LỢN NẠC HƠN NHỜ ĂN BỘT CHÈ XANH
Quang Linh sản xuất
Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm thịt lợn, thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã chăn nuôi lợn thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh. Sau một thời gian chăn nuôi cho thấy, vật nuôi tăng khả năng miễn dịch, chất lượng thịt thơm, ngon, mang lại giá trị kinh tế cao.
Trang trại lợn thịt của anh Trần Văn Tuấn ở xã Đồng Liên, thành phố Thái Nguyên với quy mô 200 con/lứa, sử dụng thức ăn công nghiệp. Khi biết đến quy trình chăn nuôi lợn sử dụng thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh từ đề tài khoa học của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Tuấn đã tìm hiểu, học hỏi làm theo. Sau 6 tháng chăn nuôi, đến nay, 100 con lợn của gia đình anh đã đến thời gian xuất bán.
Quá trình chăn nuôi, đàn lợn đều khỏe mạnh, rất ít bị dịch bệnh. Đàn lợn sinh trưởng tốt, với trọng lượng bình quân trên 100kg/con, tương đương so với chăn thức ăn công nghiệp. Vật nuôi có tỷ lệ nạc cao rõ rệt, nhất là ở phần lưng và bụng. Hiện nay, gia đình đang nhập bột lá chè xanh tại hộ sản xuất chè an toàn xã Tân Cương. Bột lá chè xanh được pha trộn với thức ăn tự nhiên như cám gạo, cám ngô... với tỷ lệ 3%.