Được sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, những vườn cà phê tái canh của người dân ở Lâm Đồng bước vào giai đoạn kinh doanh với năng suất cao.
Cuối năm 2019, gia đình anh Phạm Anh Tuấn (xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) được Dự án VnSAT hỗ trợ tái canh 1ha cà phê. Đến nay, cây trên vườn đã bước sang năm thứ 3 và đạt hiệu quả cao.
Theo anh Tuấn, gia đình anh trồng cà phê từ những năm 1990. Đến năm 2019 thì vườn cây trở nên già cỗi, kém chất lượng. Trong lúc gia đình đang tìm cách trẻ hóa vườn cây thì nhận được sự hỗ trợ của Dự án VnSAT.
Được hỗ trợ về vốn, giống, phân bón và kỹ thuật, gia đình anh Tuấn bắt tay vào tái canh cà phê. Mùa vụ 2021 vừa qua, lứa cà tái canh bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh với năng suất, chất lượng cao hơn hẳn.
Còn đây là mô hình cà phê tái canh của gia đình ông Trịnh Văn Kỳ, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Gia đình ông Kỳ được Dự án VnSAT hỗ trợ tái canh 0,7ha cà phê với giống xanh lùn từ năm 2018. Đến nay, vườn cây đã bước sang năm thứ 4 và cho thu hoạch đều đặn với năng suất cao hơn lứa cà phê cũ trước đây.
Theo ông Kỳ, quy trình tái canh của VnSAT khác với quy trình truyền thống. Các công đoạn như cải tạo đất, trừ khử mầm bệnh trong đất và cách đặt cây giống, cắt tỉa cành đều có quy định cụ thể. Chính nhờ cách làm khoa học này nên khi đặt cây giống xuống vườn, tỉ lệ sống của cây đạt trên 95%. Điều này tạo ra sự phát triển đồng đều của cây trên vườn.
Tại tỉnh Lâm Đồng, dự án VnSAT triển khai tại 8 huyện/thành phố với quy mô 16.500 ha cà phê và 15.000 hộ nông dân tham gia. Dự án đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hạt cà phê từ 28,3 tạ/ha (năm 2015) lên 31,9 tạ/ha (năm 2020). Lợi nhuận tăng 21,28 % so với ngoài dự án.
dự án VnSAT hiện đã tổ chức đào tạo 359 lớp FFS cho trên 12,7 nghìn nông dân với diện tích cà phê khoảng gần 14 nghìn ha. Đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện 219 mô hình với 174 ha. VnSAT cũng tổ chức 219 lớp đào tạo về tái canh cà phê bền vững cho 8,3 nghìn nông dân, tương đương 6,7 nghìn ha và thực hiện 55 mô hình với 40,3 ha.