Để phát triển cây cam bền vững và chất lượng, bà con tại vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) đang rất chú trọng tới sản xuất sạch đi đôi với cải tạo chất lượng đất.
Cải tạo đất ở vùng cam Cao Phong
Đây là năm thứ 10 ông Đỗ Ngọc Hà ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình gắn bó với cây cam. Hiện, gần 2 hecta trồng loại cây ăn quả này được ông Hà chăm sóc theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc hay phân bón hóa học. Ngay cả việc cắt cỏ như thế này cũng được thực hiện bằng máy, vừa hạn chế cỏ dại, vừa tạo lớp mùn để cây phát triển tốt và cải tạo đất.
Ông ĐỖ NGỌC HÀ
Huyện Cao Phong, Hòa Bình
Hết 1 vụ thu hoạch là mình bới vòng quanh để đốn bớt rễ và đưa phân chuồng trộn lên, đổ xuống rồi rắc với các chế phẩm trico rồi lấp lại. Ngoài ra còn có bể ủ cá với đậu tương để chăm sóc.
Hiện, đa số người dân cũng như các HTX cam tại Cao Phong đều theo đuổi phương thức canh tác theo hướng hữu cơ. Bởi, ai cũng nhận ra rằng phải quan tâm tới sức khỏe đất thì mới có thể duy trì và phát triển vùng cam một cách bền vững. Đối với những vườn cam nhỏ, đang thời kỳ kiến thiết thì bà con sẽ rắc đậu hoặc trồng lạc, vừng trên bề mặt đất trống. Việc này vừa để che phủ cho đất,vừa giúp cố định đạm trong đất. Còn với những vườn cam đã vào thời kỳ sung sức, hoặc khép tán thì bà con đều tuyệt đối không phun thuốc diệt cỏ.
Chị VŨ THỊ LỆ THỦY
Giám đốc HTX 3T Nông sản Cao Phong, Hòa Bình
Chúng tôi bù đắp thêm vào trong này hàm lượng chất hữu cơ trong đất như nuôi cỏ cao rồi 1 năm phát cỏ ngang mấy lần. Lượng phân trâu bò đưa vào mỗi cây trong 1 năm là 120 – 150 kg. Việc nữa là ủ vi sinh để tưới. Tất cả nhằm mục đích trả lại hàm lượng dinh dưỡng lấy đi từ đất.
Bà VŨ THỊ ANH ĐÀO
Phó Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hòa Bình
Môi trường đất dần lấy lại vi sinh vật có ích, cải tạo hệ vi sinh vật trong đất. Đặc biệt là các loài sinh vật như giun, kiến, thiên địch đã dần phát triển trở lại vùng cam canh tác theo hướng bền vững cũng như theo hướng hữu cơ.
Để đạt được mục tiêu Đề án "Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", địa phương này sẽ tiếp tục hoàn thành Mô hình Cánh đồng mẫu tái canh cây cam tại huyện Cao Phong. Trên cơ sở kết quả thực hiện Mô hình, hoàn thiện ban hành Quy trình tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cây giống để thực hiện tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2023-2025. Tiếp tục tổ chức khai thác nguồn vật liệu nhân giống sạch bệnh từ vườn giống 3 cấp. Xây dựng kế hoạch triển khai tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2026-2030, cùng nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.