Trước những thiệt hại do thiên tai gây ra, các quốc gia trên thế giới cần đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Các quốc gia hỗ trợ nhau phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai
Theo Cơ quan khí tượng Thế giới, các thảm họa liên quan đến khí hậu tiếp tục gia tăng, xu hướng thường xuyên hơn và có cường độ mạnh hơn không chỉ ở các quốc gia Châu Á mà trên phạm vi toàn cầu. Các sự kiện thiên tai đã và sẽ gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản không chỉ ở những khu vực đang phát triển, mà còn ở cả những nơi có hạ tầng cơ sở hoàn thiện.
Ông NGUYỄN HOÀNG HIỆP
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Là quốc gia có lịch sử hứng chịu nhiều thiên tai, với kinh nghiệm của mình, chúng tôi thống nhất các quan điểm trong giai đoạn hiện nay về phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai như sau: Tăng cường hiểu biết về rủi ro liên quan đến khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi số. Thúc đẩy khả năng phục hồi nhanh sau khủng hoảng. Thứ 2, tăng cường năng lực chống chịu của cộng đồng, đặc biệt ưu tiên các khu vực dễ bị tổn thương. Thứ 3, tăng cường năng lực chống chịu của cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai đối với những rủi ro liên quan đến khí hậu, trong đó đặc biệt lưu ý về các hệ thống dự báo, cảnh báo sớm; chuyển giao công nghệ thông qua các mô hình thử nghiệm.
Trước những thiệt hại mà các loại hình thiên tai gây ra trong suốt thời gian, các quốc gia trên thế giới nói chung và các nước Châu Á nói riêng không chỉ cần tăng cường nội lực, mà còn cần đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau để có sự vào cuộc quyết liệt hơn trong vấn đề khắc phục và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Bà ĐOÀN THỊ TUYẾT NGA
Trưởng phòng HTQT và KHCN, Cục Quản lý đê điều và PCTT
Đầu tiên là chia sẻ thông tin, phần thứ 2 là cùng nhau thúc đẩy để tìm kiếm những định hướng mà định hướng đó phù hợp với xu thế chung và cũng được rút ra từ bài học của các quốc gia. Ngoài ra còn nỗ lực để cùng nhau tìm kiếm dự án hay những ưu tiên từ các quỹ như quỹ biến đổi khí hậu hay các quỹ tài chính lớn trên thế giới. Hi vọng sẽ hình thành được những hoạt động phù hợp hơn trong khắc phục hậu quả do thiên tai và chúng tôi nghĩ rằng không chỉ khắc phục đâu mà chắc chắn rằng nó còn giai đoạn phòng ngừa.
Việc tăng cường hiểu biết vê rủi ro liên quan đến khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi số và khả năng phục hồi nhanh sau khủng hoảng, nâng cao năng lực chống chịu của cộng đồng, ưu tiên các khu vực dễ bị tổn thương cũng chính là những quan điểm được nhiều quốc gia đồng tình và ủng hộ.