Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam (VIPA), 2 năm qua ngành chăn nuôi phải gồng mình vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh đó, tình trạng nhập lậu khiến cho thị trường trong nước còn khó khăn hơn. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi bi quan, lao đao, doanh nghiệp hàng đầu cũng bị thua lỗ nặng nề như hiện tại.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, 2 năm qua ngành chăn nuôi phải “gồng mình” vượt qua khó khăn do khủng hoảng thị trường, hậu Covid-19, diễn biến địa chính trị. “Trong bối cảnh đó, tình trạng nhập lậu khiến cho thị trường trong nước còn khó khăn hơn. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi bi quan, lao đao, doanh nghiệp hàng đầu cũng bị thua lỗ nặng nề như hiện tại”, ông Sơn nói. Cuối tháng 4/2023, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm. Sau đó, Bộ đã có công điện chỉ đạo địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập lậu gia cầm và sản phẩm chăn nuôi khác. Hiệp hội cũng kiến nghị các cơ quan báo chí, tổ chức truyền thông mạnh hơn nữa về phòng chống buôn lậu, trong đó Báo Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị tiên phong. Sau phản ánh của báo, thị trường chăn nuôi đã có chuyển biến tích cực hơn. “Qua báo cáo của Cục Thú y, chúng tôi kết luận từ góc nhìn của doanh nghiệp như sau:Tình trạng buôn lậu gia súc, gia cầm diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tại các khu vực giáp biên; Lâu nay đã tồn tại đường dây buôn lậu lớn với các ngành hàng lợn, gia cầm, bò; hậu quả của buôn lậu với ngành gia súc, gia cầm là rất nặng nề như gây ra dịch bệnh, phá vỡ thị trường trong nước”, ông Sơn cho biết.