Tỉnh Cà Mau tiến hành cho nạo vét cửa biển Cái Ðôi Vàm chiều dài 2km, với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng theo hình thức xã hội hoá. Thời gian dự kiến hoàn thành vào 10 tháng, dự kiến tổng khối lượng nạo vét hơn 400.000 m3 đất.
Đầu tư nạo vét cửa biển Cái Đôi Vàm theo hình thức xã hội hóa
Cửa biển Cái Ðôi Vàm tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau nhiều năm qua thường xuyên xảy ra tình trạng bồi lắng, gây khó khăn cho tàu thuyền khai thác thuỷ sản ra vào đã kìm hãm sự phát triển chung tại khu vực cửa biển này.
Vừa qua, tỉnh Cà Mau đã chấp thuận chủ trương nạo vét cửa biển Cái Ðôi Vàm với chiều dài 2 km, với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Dự án được thực hiện theo hình thức xã hội hoá, nhà đầu tư sẽ bỏ ra kinh phí thực hiện và được thu hồi sản phẩm. Thời gian dự kiến hoàn thành công trình là 10 tháng, dự kiến tổng khối lượng nạo vét hơn 400.000 m3 đất.
Ông LÊ CHÍ NGUYỆN - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau“Toàn bộ kinh phí do nhà đầu tư chi trả, ngoài việc bỏ ra kinh phí thực hiện nạo vét thì nhà đầu tư còn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật của dự án. Ngoài ra thì nhà đầu tư phải nộp thêm một khoản chênh lệch giữa sản phẩm tận thu và chi phí thực hiện.”
Cái Đôi Vàm là một trong 5 cửa biển lớn của tỉnh Cà Mau, với hàng trăm phương tiện khai thác thủy sản ra vào thường xuyên. Tuy nhiên, thời gian qua cửa biển bị bồi lắng, gây cản trở rất lớn cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, nhất là các phương tiện có công suất lớn.
Ông TÔ THANH NGOAN - Thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau“Cửa Cái Đôi Vàm thì người dân mong mỏi gần 20 năm nay mà chưa nạo vét được. Khi nạo vét xong thì các phương tiện ghe địa phương trong và ngoài tỉnh về đây rất nhiều.”
Ông TRƯƠNG HOÀNG VŨ - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tường Vi
“Theo tiến độ sẽ hoàn thành trong 10 tháng thì Công ty chúng tôi cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ về đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp ở đây ra vào thuận tiện.”
Việc nạo vét cửa biển theo hình thức xã hội hóa không chỉ tạo luồng thông thoáng cho hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư và tạo nguồn thu cho ngân sách, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương