Thực trạng sạt lở đất bãi bồi phục vụ sản xuất nông nghiệp ven sông Lam tiếp diễn đã lâu, dù rất cấp bách nhưng hiện tại chưa có hướng xử lý triệt để.
Tình trạng sạt lở đất sản xuất nông nghiệp men Sông Lam ngày một nghiêm trọng. Ảnh: Ngọc Linh.
MC: Khu vực bãi bồi dọc sông Lam, trải dài qua các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương của tỉnh Nghệ An là vùng đất màu mỡ, rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng rau màu.
Tuy nhiên do nhiều yếu tố tác động, những năm gần đây tình trạng sạt lở đất diễn tiến ngày càng nghiêm trọng, thực trạng kéo dài nhưng không có hướng xử lý triệt để khiến diện tích canh tác của bà con bị thu hẹp đáng kể. Qua rà soát có đến hàng chục héc-ta đất sản xuất đã bị sóng đánh trôi trong vài năm đổ lại đây, điều này gây ám ảnh triền miên cho các hộ dân trong diện liên đới.
Nông dân trồng màu thuộc các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương âu lo tột độ trước thực trạng trên. Ảnh: Ngọc Linh.
PV bà Trần Thị Thu, xóm Tân Long, xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên: "Những năm trước, bãi bồi còn rộng, nhưng càng về sau, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đất canh tác dần thu hẹp vì mỗi năm lũ lụt cuốn trôi bãi bồi, khiến đất bị sạt lở. Hiện nay, người dân rất mong cấp trên sớm xây kè chống sạt lở để bảo vệ bãi bồi để dân có đất làm hoa màu".
MC: Theo ghi nhận của PV Báo Nông nghiệp và Môi trường, xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên là một trong những điểm nóng nhất về tình trạng sạt lở dọc bờ Sông Lam. Tính ra chiều dài bị tác động kéo dài khoảng 1 km, trong đó nhiều điểm bị lòng sông lấn sâu, ngoạm hàng chục mét so với hiện trạng trước đây.
Lo sợ tình cảnh đêm dài lắm mộng, người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền triển khai các biện pháp nhằm khắc phục. Từ kinh phí phân bổ, một số dự án đã được triển khai, có điều diễn biến chung vẫn rất đáng lo.
PV ông Hồ Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên: "Xã Long Xá, sau khi sáp nhập, có diện tích bãi bồi tự nhiên hơn 150ha, người dân canh tác hằng năm. Nhưng do ảnh hưởng của lũ lụt, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, khiến hàng chục héc ta đất sản xuất bị cuốn trôi.
Địa phương đã triển khai các kế hoạch như trồng cây chắn sóng, trồng hàng ngàn cây keo tại các khu vực sạt lở, nhưng không mang lại hiệu quả. Sau đó, một số dự án xây kè chống sạt lở được thực hiện, và đến nay, những đoạn đã được kè cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, những khu vực chưa được kè vẫn tiếp tục bị sạt lở hằng năm, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân".
Thực trạng rất đáng lo. Ảnh: Ngọc Linh.
MC: Theo chính quyền địa phương, để bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cũng như tránh tác động không đáng có đến đời sống sinh hoạt của nhân dân sinh sống ven Sông Lam, phương án khả dĩ nhất là xây dựng hệ thống kè chống sạt lở quy mô, qua đó ngăn chặn hiệu quả quá trình xâm thực, tác động của dòng nước. Có điều kinh phí phân bổ cho các dự án thuộc lĩnh vực phòng chống thiên tai vốn dĩ rất hạn hẹp, đây thực sự là rào cản trong việc xử lý dứt điểm thực trạng sạt lở ven Sông Lam.