Hệ thống đê bao ven sông Vàm Cỏ tại Tây Ninh, không chỉ bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp mà phòng chống thiên tai hiệu quả, giúp người dân an tâm sản xuất.
Bảo vệ vùng sản xuất ven sông nhờ hệ thống đê bao sông Vàm Cỏ
Với phương châm "phòng là chính", ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đã đầu tư xây dựng hệ thống đê bao từ năm 2005. Hiện tại, toàn tỉnh có 24 tuyến đê bao dài 82,844 km, bảo vệ khoảng 2.709 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, hệ thống đê bao ven sông Vàm Cỏ được xem là "thành trì vững chắc", không chỉ nâng cao khả năng cấp nước tưới tiêu mà còn góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.
Ông HUỲNH HÙNG CHÂU - Ấp Phước Trung, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
Nếu không có đê bao, dễ xảy ra ngập úng, nhưng với đê bao, nước có thể bơm ra ngoài dễ dàng hơn. Việc sản xuất đã trở nên thoải mái hơn, và thu nhập của người nông dân đều được cải thiện.
Ông NGUYỄN PHƯỚC NHIÊN - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
Thị xã đã xây dựng 6 tuyến đê bao cho các xã Phước Chỉ và Phước Bình. Nhờ các tuyến đê này, sản xuất nông nghiệp đã cải thiện đáng kể, từ 1 vụ lúa lên 2-3 vụ/năm. Chúng tôi cũng đang rà soát quy hoạch để tiếp tục đầu tư vào các tuyến đê bao cho vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao.
Tại xã Phước Chỉ, những ngày này, đồng lúa mùa nước nổi đang xanh mướt, và niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt. Nhờ hệ thống đê bao sông Vàm cỏ, vụ lúa vừa qua không chỉ đạt mùa mà còn được giá.
Anh CAO NGỌC DIỆP - Thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
Trước đây, một mẫu chỉ đạt khoảng 6-7 tấn, nhưng giờ thì có thể đạt 8-9 tấn. Năm nay, gia đình tôi đã xạ được ba vụ, và mỗi vụ đều đạt năng suất cao, trung bình là 6 tấn mỗi mẫu, so với hai vụ trước kia thì hiệu quả rõ rệt hơn nhiều.
Ông NGÔ VĂN BÌNH - PCT UBND xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
Đê bao không chỉ giúp bảo vệ sản xuất lúa mà còn kết hợp với việc phát triển giao thông nông thôn, giảm tai nạn giao thông và giúp việc vận chuyển lúa và thu mua dễ dàng hơn. Nhờ đó, giá lúa cũng được cải thiện và thuận tiện cho bà con trong vùng. Sắp tới, xã sẽ vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, hoặc thâm canh thêm các loại cây ăn quả để tăng giá trị sản xuất.
Đầu tư vào hệ thống đê bao ở Tây Ninh đã và đang mang lại tiến bộ vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân. Các tuyến đê bao, đặc biệt là tuyến đê bao sông Vàm Cỏ, không chỉ có vai trò bảo vệ mùa màng trước thiên tai, mà còn tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương một cách bền vững.