Đắk Lắk đang thời điểm thu hoạch vải thiều, năm nay dù sản lượng giảm do mất mùa nhưng bù lại giá bán cao nên người dân có thể thu được lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha.
Đắk Lắk đang thời điểm thu hoạch vải thiều, năm nay dù sản lượng giảm do mất mùa như bù lại giá bán cao nên người dân lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 3.075 ha trồng vải thiều; trong đó, diện tích cho thu hoạch là 1.687 ha, sản lượng bình quân đạt khoảng 17.357 tấn. Vải thiều Đắk Lắk được trồng chủ yếu tại các huyện Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc, M’đrắk…
Thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương… Sản phẩm vải thiều của tỉnh Đắk Lắk cũng đã xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, tuy nhiên số lượng xuất khẩu còn ít.
Vải thiều ở Đắk Lắk cho vị ngọt thanh, quả to, chín sớm nên giá thu mua cao, đầu ra ổn định. Quá trình trồng vải, nông dân đã chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo nên những mô hình đặc trưng của địa phương.
Phỏng vấn: Bà Hồ Thị Thảo, Xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk
Vải thiều rất hiệu quả, năng suất cao nhưng chăm bón không bao nhiêu mình phun thuốc đúng thời điểm, thời vụ là được. Trước hàng của tôi hay bán đi Sài Gòn, còn bây giờ hàng xuất khẩu đi Trung Quốc, Campuchia và Đức.
Phỏng vấn: Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình, huyện Ea Kar, Đắk Lắk
Một ha vải nếu được mùa thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng chưa trừ chi phí. Nếu trừ chi phí mỗi ha có thể lãi 300 triệu đồng trở lên. Mây năm gần đây giá cả có chiều hướng tăng dần vì lý do xuất khẩu thì giá cao hơn so với tiêu thụ nội địa.
Năm nay, sản lượng vải giảm 30-50% so với năm trước do thời tiết khô hạn kéo dài. Song giá vải được các thương lái thu mua từ 45.000-60.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với vụ thu hoạch niên vụ 2022 - 2023 nên người trồng vải vẫn có thu nhập cao. Từ lợi thế và tiềm năng của cây vải thiều, nhiều vùng thường xuyên bị thiếu nước, nắng hạn, đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng loại cây này. Nhiều địa phương cũng đã xác định cây vải thiều là một trong những cây trồng chủ lực, xóa đói giảm nghèo, từ đó có kế hoạch, giải pháp phát triển bền vững.
Phỏng vấn: Ông Võ Đăng Vũ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar, Đắk Lắk
Ngoài đầu tư khoa học kỹ thuật, xây dựng mã vùng trồng, các thiết bị hỗ trợ khâu đóng gói, thu hoạch rất quan trọng. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn đóng gói xuất thô chứ chưa chế biến sâu. Sắp tới muốn đầu tư nhà máy để thu hoạch các sản phẩm từ cây nhãn, cây vải để đóng gói phục vụ xuất khẩu nâng cao giá trị cho người dân.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cùng các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, sản xuất tập trung, rà soát lại những vùng phù hợp để phát triển cây vải thiều theo hướng bài bản, có quy hoạch. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chứng nhận; chú trọng thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng vải để phát triển với số lượng lớn, bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nhằm phát huy lợi thế vải chín sớm tại địa phương vào việc xuất khẩu nhằm mang lại giá trị kinh tế cao.