Người Pa Kô, Vân Kiều trồng chuối lùn theo hướng hữu cơ
Chủ Nhật 06/04/2025 , 09:21 (GMT+7)
Tại các xã Tà Rụt, A Ngo, A Vao, A Bung… của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, đồng bào tổ chức trồng chuối theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được hợp tác xã thu mua với giá từ 7.000 đến 8.000 đồng/kg.
Đồng bào Pa Kô trồng chuối lùn bản địa theo hướng hữu cơ đắt khách
Phát triển cây chuối lùn bản địa, trồng theo hướng hữu cơ không chỉ giúp đồng bào Pa Kô, Vân Kiều tại huyện miền núi Đakrông thoát nghèo mà còn góp phần tạo nên nền nông nghiệp sinh thái, bền vững.
Tại các xã Tà Rụt, A Ngo, A Vao, A Bung… của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Chuối lùn bản địa được đồng bào các dân tộc Pa Kô, Vân Kiều trồng chủ yếu với tập quán canh tác thuận tự nhiên, không sử dụng phân bón nên năng suất không cao.
Kể từ khi các mô hình khuyến nông được triển khai, tư duy của đồng bào đã có sự thay đổi đáng kể. Thay vì sử dụng phân bón hóa học, đồng bào đã tận dụng nguồn phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây trồng. Năng suất chuối vì thế cũng cải thiện hơn.
Phỏng vấn Bà HỒ THỊ BUỔI Thôn A Đăng, xã Tà Rụt: “Lúc trước trồng chuối chị không bón phân, để thưa. Giờ có xã, có thôn, có ban ngành tập huấn phải bón phân trồng chuối cho tốt”.
Để phát triển cây chuối theo hướng hữu cơ, năm 2019, tổ hợp tác trồng chuối lùn bản địa thôn A Đăng đã đã được thành lập. Hiện nay, tổ hợp tác có 20 thành viên. Ngoài việc phổ biến kỹ thuật trồng chuối theo hướng hữu cơ, tổ hợp tác còn xây dựng địa điểm trưng bày và thu mua chuối quả để cung ứng cho thị trường. Chuối trồng theo hướng hữu cơ tại tổ hợp tác đạt tiêu chuẩn VietGap, được chứng nhận sản phẩm Ocop 3 sao. Tất cả sản phẩm của thành viên được Hợp tác xã thu mua với giá 7-8 nghìn đồng/kg.
Phỏng vấn Bà HỒ THỊ THANH NHÀN Công chức địa chính nông nghiệp xã Tà rụt: “Ở đây là vùng trồng chuối lùn của tổ hợp tác với quy mô diện tích 2 ha. Vùng chuối này cũng đã được công nhận VietGap là vùng trồng rau an toàn. Người dân không sử dụng phân hóa học mà chỉ dùng phân hữu cơ”
Là giống chuối đặc trưng, được khách hàng ưa chuộng nhưng thời gian qua, chuối lùn bản địa tại xã Tà Rụt được trồng nhỏ lẻ, manh mún. Ông Hồ Văn Bước, Quyền chủ tịch UBND xã Tà Rụt cho biết, Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, một đơn vị tại miền Bắc đặt hàng 2 nghìn buồng chuối. Tuy nhiên, địa phương không thu gom đủ. Thời gian tới, địa phương này sẽ tăng diện tích chuối lùn bản địa trồng theo hướng hữu cơ để cung ứng ra thị trường, nâng cao đời sống cho người dân.
Phỏng vấn Ông HỒ VĂN BƯỚC Quyền Chủ tịch UBND xã Tà Rụt: “Trên địa bàn xã Tà Rụt có khoảng 20 ha chuối lùn bản địa. Trong thời gian tới, xã Tà Rụt sẽ mở rộng diện tích này và sẽ áp dụng khoa học kỹ thuật, bón phân và có sự chăm sóc tốt hơn để đảm bảo cho sự phát triển tốt cho giống chuối này trong thời gian tới”
Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt đang còn hạn chế. Cây trồng, vật nuôi đặc trưng, lợi thế cần được khuyến khích phát triển. Bên cạnh đó, phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hướng hữu cơ sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực, bền vững, lâu dài cho bà con và người tiêu dùng.