Thảo quả là loại cây được trồng nhiều nhất trong số các loại cây trồng dưới tán rừng ở Tuần Giáo (Điện Biên) trung bình 1ha thảo quả thu được khoảng 2 tấn quả tươi, tương đương với hơn 4 tạ quả khô, giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/kg giúp bà con ổn định cuộc sống, thoát nghèo.
Thoát nghèo nhờ trồng thảo quả dưới tán rừng
Nếu như trước đây, cây thảo quả được người dân ở xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo trồng tự phát dưới tán rừng như 1 loại cây gia vị dùng hàng ngày. Thì khoảng 10 năm trở lại đây, từ khi có đầu ra tiêu thụ ổn định, diện tích trồng thảo quả đã không ngừng được mở rộng. Đến nay, diện tích thảo quả được trồng dưới tán rừng ở xã Tênh Phông đã lên tới hơn 83 ha, tập trung nhiều tại các bản Ten Hon, Há Dùa, Xá Tự. Trung bình 1 ha thảo quả thu được khoảng 2 tấn quả tươi, tương đương với hơn 4 tạ quả khô. Giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/kg quả khô.
Anh LẦU A THU
Bản Há Dùa, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, Điện Biên
Nhà tôi trồng 100 gốc, nửa ha thôi. Khó khăn đi xa vào tận rừng sâu, đi rất xa, phải đi tầm 2 tiếng mới vào đến nơi. Chủ yếu là mình làm cỏ 2 lượt 1 năm. Năm nào ra quả tốt thì được 20 tr, năm ít thì 6tr cũng có, trung bình thì 10tr/ năm. Mình thu hoạch là trước tiên mình sơ chế ban đầu mình sấy trước, xong sẽ gọi thương lái từ các tính ví dụ như Lai Châu, Lào Cai về thu mua. Người ta mua hết, kể cả vài chục tấn người ta cũng mua. Và bây giờ cũng thành lập HTX về nông sản ở trên này cũng quảng cáo nhiều đi khắp nơi rồi cho nên bây giờ không lo đầu ra.
Để thuận tiện trong việc vận chuyển thảo quả, nhiều gia đình tại xã Tênh Phông đã mạnh dạn làm lò sấy thảo quả tươi bằng phương pháp thủ công ngay trên nương.
Anh LẦU DŨNG SÍNH
Bản Há Dùa, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, Điện Biên
Nói chung thảo quả này quả rất nặng hái trên rừng về rất nặng, nó xa thì cũng không thể lấy được về nhà. Đa số dân trong bản người ta đi hải ở trên rừng xong làm 1 cái lò thủ công như thế này để sấy khô thì mới mang trên rừng về nhà
Phát triển cây trồng dưới tán rừng đã mang lai hiệu quả kép, vừa nâng cao thu nhập cho người dân lại vừa quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng. Để phát triển kinh tế dưới tán rừng bền vững, xã Tênh Phông đã và đang tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích cây thảo quả và một số cây gia vị khác, từng bước hình thành vùng nguyên liệu tập trung, để đem lại nguồn thu ổn định và bền vững cho bà con.
Ông MÙA A DỤA
Chủ tịch UBND xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, Điện Biên
Những gia đình đã trồng được nhiều thì cũng đã thoát nghèo từ những cái cây thảo quả này vì vừa bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế từ rừng. Vì cái cây thảo quả này nó là dưới tán rừng, phải có rừng thì cây nó mới sống được cho nên là chúng ta đã thực hiện được 2 cái mục đích.
Hiện, huyện Tuần Giáo đang ưu tiên huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình để hỗ trợ người dân phát triển các dự án cây dược liệu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, để xây dựng, hình thành vùng sản xuất cây dược liệu tập trung có chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.