Nuôi biển những năm gần đây vươn lên trở thành lĩnh vực mũi nhọn, quan trọng trong chiến lược tái cơ cấu ngành thủy sản, tuy nhiên hiện khâu thức ăn công nghiệp và dinh dưỡng đang là mắt xích yếu kìm hãm sự phát triển của ngành này.
Theo Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngành thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2030 diện tích nuôi biển sẽ đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12 triệu mét khối, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn.
Thống kê đến hết năm 2021, diện tích nuôi biển của nước ta ước đạt 75 nghìn ha, 8 triệu mét khối lồng, sản lượng nuôi biển đạt trên 700 nghìn tấn.
Có thể nói, diện tích và sản lượng nuôi biển của Việt Nam hiện vẫn còn rất hạn chế so với lợi thế của một đất nước 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển lên tới trên 3.000km. Một trong những điểm yếu lớn nhất đối với nuôi biển của nước ta hiện tại là hưa tự chủ được thức ăn công nghiệp.
Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
“Vấn đề là sự quan tâm của chính phủ, các bộ ngành trung ương nhưng phải có sự vào cuộc của địa phương, đặc biệt là 28 tỉnh thành ven biển. Phải đầu tư hạ tầng, con người, hệ thống trang thiết bị như lồng nuôi, công nghệ phụ trợ, phải có thức ăn dinh dưỡng, phải có con giống. Tuy nhiên chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng để có những giải pháp phù hợp”.
Tại hội thảo thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam được Bộ NN-PTNT tổ chức tại Khánh Hòa vừa qua, các đại biểu, chuyên gia cho biết: Thức ăn thủy sản dành cho nuôi biển của nước ta phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu với sản lượng 150 nghìn tấn/năm, trong nước hiện mới sản xuất được khoảng 50.000 tấn/năm.
Còn lại, đa phần bà con ngư dân đang tận dụng nguồn cá tạp ngoài tự nhiên làm thức ăn chính cho nuôi biển nên tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và môi trường rất lớn.
Ông GABOR FLUIT
Tổng Giám đốc De Heus châu Á
“Dùng thức ăn công nghiệp sẽ giúp giảm tỷ lệ chết rất nhiều vì dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của đối tượng. Thứ hai là bảo vệ môi trường, khi môi trường xung quanh ao nuôi tốt thì hiệu quả nuôi trồng sẽ cao hơn. Hiện tại De heus đang khuyến khích người nuôi song song thử nghiệm, một nửa theo cách cũ với cá tạp, một nửa theo hướng dẫn của De Heus, theo dõi đánh giá lại kết quả và rất nhiều nơi cho kết quả hiệu quả”.
Chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá việc chuyển đổi từ sử dụng thức ăn truyền thống sang thức ăn công nghiệp là rất cần thiết để tăng hiệu quả, quy mô sản lượng nuôi cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường.
Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn các công thức thức ăn nuôi biển công nghiệp đa dạng, phù hợp với từng đối tượng nuôi để vừa giảm chi phí sản xuất, vừa chủ động được nguồn thức ăn, tránh lệ thuộc quá lớn vào nhập khẩu như hiện nay.