Trình bày về hiện trạng nuôi trồng thủy sản trên biển và kế hoạch sản xuất trong thời gian tới, tại hội thảo thực thực trang và giải pháo về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam được Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, nước ta có tiềm năng phát triển nuôi biển bởi nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ.
Theo đó, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha, trong đó vùng bãi triều ven biển 153.300 ha, vùng vũng vịnh, eo ngách, ven đảo là 79.790 ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000 ha.
Đối tượng nuôi chính như nhóm nhuyễn thể (ngao, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương); nhóm cá biển (cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá ngừ, cá măng biển); nhóm giáp xác (tôm hùm; cua, ghẹ...); rong biển (rong sụn, rong câu, rong mứt, rong nho…)
Trong giai đoạn 2010-2021, nuôi biển đã có những bước phát triển đáng kể, diện tích và sản lượng đã không ngừng tăng. Cụ thể, năm 2010 tổng diện tích nuôi biển đạt 38.800 ha, đến năm 2021 đạt 75.000 ha (trong đó chưa tính 202.000 ha nuôi cua xen ghép) và 8,0 triệu m3 lồng nuôi.
Cùng với đó, năm 2010 sản lượng nuôi biển đạt 156.681 tấn nhưng đến năm 2021 đạt 700.000 tấn. Kế hoạch năm 2022 tổng diện tích nuôi biển đạt 90.000ha (chưa tính diện tích nuôi xen ghép) và 9,0 triệu m3 lồng nuôi; với tổng lượng đạt 790.000 tấn.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nuôi biển hiện nay còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu.
Khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn yếu, công nghệ sản xuất chưa chủ động hoàn toàn. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè thích ứng với điều kiện thời tiết. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm.
Đối với sản xuất thức ăn, theo ông Trần Công Khôi được cung cấp bởi 2 nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập ngoại. Trong đó, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phục vụ nuôi cá biển công nghiệp. Thức ăn tự chế từ tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp, các loài cá tạp được sử dụng khá phổ biến trong nuôi biển, đặc biệt nuôi cá biển và nuôi tôm hùm.
Có thể nói việc sản xuất và cung cấp thức ăn chưa phát triển mạnh. Phần lớn lượng thức ăn công nghiệp cho nuôi biển do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc nhập ngoại. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã chủ động nghiên cứu công thức thức ăn riêng cho cá biển và đặt hàng doanh nghiệp sản xuất gia công, cung ứng cho nuôi cá biển tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), bước đầu có hiệu quả tốt.
Ngoài ra, hiện nay một số công ty như CP Group, Uni-President, Proconco, Cargill, De heus, Skretting Việt Nam đã tham gia sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho nuôi biển, sản lượng thức ăn sản xuất khoảng 40.000- 50.000 tấn/năm. Khối lượng thức ăn thủy sản phải nhập khẩu hàng năm rất lớn, từ 140.000 - 150.000 tấn thức ăn từ Thái Lan, Hồng Kông và Đài Loan.
Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết năm 2021 cả nước 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè. Trong đó số cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ bờ đến 3 hải lý: 6.506 cơ sở, cụ thể số cơ sở nuôi cá biển 3.795, tôm hùm 1.846, khác 865. Số cơ sở nuôi trồng Thuỷ sản trên biển từ 3 đến 6 hải lý: 914 cơ sở nuôi cá biển. Số cơ sở nuôi trồng Thuỷ sản trên biển xa trên 6 hải lý: 27 cơ sở nuôi cá biển.