| Hotline: 0983.970.780

Xây 3 trục hành động đưa nuôi biển thành ngành hàng giá trị cao

Thứ Năm 15/09/2022 , 12:06 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT giao Tổng cục Thủy sản ban hành những kế hoạch ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp, khuyến khích đầu tư theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận Hội thảo Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đức Minh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận Hội thảo Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đức Minh.

Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để thực hiện Đề án, Bộ NN-PTNT ban hành Kế hoạch hành động nhằm giải quyết triệt để những hạn chế như: tính tự phát trong nuôi biển, hạn chế về hạ tầng, trình độ kỹ thuật sản xuất, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ vùng ven biển, hệ thống lồng bè mẫn cảm với thời tiết...

Tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam sáng 15/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu quan điểm: Thống nhất hành động trong 3 trục (Chính phủ, doanh nghiệp, người dân), để xây dựng nuôi biển là một ngành hàng mang lại giá trị cao và phát triển bền vững.

Trong đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT giao Tổng cục Thủy sản ban hành những kế hoạch ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp, khuyến khích đầu tư theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trên thế giới.

"Nuôi biển Việt Nam có tiềm năng, dư địa lớn. Đây là lúc cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án trọng điểm để giải quyết các vấn đề cốt lõi, tạo nền tảng để phát triển ngành nuôi biển hiệu quả, bền vững, thân thiện môi trường", Thứ trưởng nói.

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân kiểm tra chất lượng con giống thủy sản.

Tổng cục trưởng Trần Đình Luân kiểm tra chất lượng con giống thủy sản.

Làm rõ hơn vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, cần tổ chức lại ngành hàng nuôi biển theo hướng tăng hàm lượng công nghệ, quy hoạch chi tiết, cụ thể vùng nuôi, đảm bảo kiểm soát các vấn đề môi trường và phát triển bền vững.

Một trong những giải pháp được ông Luân nhấn mạnh cần triển khai thời gian tới, là sử dụng những vật liệu mới có tính an toàn, hiệu quả, nhất là trong nuôi biển xa bờ, vùng biển hở. "Người dân cần nhận thức được, tại sao cần chuyển từ nuôi biển bằng vật liệu truyền thống như gỗ, nhựa sang vật liệu mới như lồng HDPE", ông Luân chia sẻ.

Lợi ích của lồng HDPE, theo lãnh đạo ngành thủy sản, là độ bền, sức chống chịu trước biến đổi khí hậu như bão, sóng, gió sẽ tốt hơn lồng bè bằng gỗ. Ngoài ra, sử dụng lồng HDPE còn giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tốt hơn. 

Hiện một số tỉnh đã áp dụng công nghệ nuôi lồng HDPE rộng rãi như Khánh Hòa, Quảng Ninh, Ninh Thuận... kết hợp hệ thống lồng, bè, phao nổi và một số thiết bị chuyên dụng để phục vụ nuôi biển công nghiệp.

"Chúng ta cần tiếp tục xây dựng chính sách, khuyến khích có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất các vật liệu mới để phục vụ người nuôi đảm bảo hiệu quả", ông Luân nhấn mạnh.

Khánh Hòa là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về nuôi biển.

Khánh Hòa là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về nuôi biển.

Bên cạnh công nghệ, nuôi biển bền vững còn đặt ra vấn đề về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến giao nhiệm vụ cho các viện, trường nghiên cứu, đề xuất các dự án đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa họcphục vụ nuôi biển, đặc biệt là nuôi biển công nghiệp.

Với Sở NN-PTNT địa phương 28 tỉnh, thành phố ven biển, Thứ trưởng gợi ý phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các ban, ngành chuyên môn để sớm chuyển giao những công nghệ tiên tiến ở cấp tỉnh về phát triển nuôi biển.

"Sở NN-PTNT có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển nuôi biển tại địa phương một cách hiệu quả, nghiêm túc; đồng thời có giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng phát triển nuôi tự phát, không theo quy hoạch gây ô nhiễm môi trường, gây mất ổn định thị trường", Thứ trưởng bày tỏ.

Cùng với đó, Sở NN-PTNT cần hướng dẫn người dân thực hiện nhanh quy định đăng ký nuôi trồng thuỷ sản lồng bè và cấp phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển thuộc thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc kỹ thuật thủy sản châu Á, Tập đoàn Olmix cho biết, rong biển là đối tượng giảm biển đổi khí hậu hiệu quả vì hấp thụ carbon; cũng như giúp khôi phục lại hệ sinh thái biển và phát triển kinh tế sinh học ven biển. Đặc biệt, rong biển chứa chất dinh dưỡng (đạm và nhiều hoạt chất sinh học) có lợi cho con người và vật nuôi. Một số sản phẩm được chế biến từ bột rong biển, theo ông Tuấn, giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng, hệ số thức ăn, tỷ lệ sống và giảm phụ thuộc vào bột cá.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất