Sau 1 năm triển khai thí điểm nuôi biển công nghệ cao bằng lồng HDPE tại vùng biển hở cho thấy hiệu quả cao hơn so với nuôi bằng lồng gỗ truyền thống. Trong đó, mô hình nuôi cá bớp tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt 172%, nuôi tôm hùm đạt 112%, nuôi cá mú đạt hơn 131%.
Nuôi thủy sản vùng biển hở bằng lồng HDPE: Hiệu quả cao, rủi ro thấp
Khánh Hòa là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế nuôi biển. Đây là tỉnh tiên phong triển khai đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao khi phối hợp với Tập đoàn Vingroup xây dựng, hỗ trợ, chế tạo lồng nuôi HDPE.
Đề án thí điểm đã chọn 10 hộ nuôi đủ các tiêu chí, điều kiện để tham gia, đồng thời hỗ trợ 16 lồng tròn HDPE (thể tích 800m3/lồng) nuôi cá biển, 12 ô lồng vuông HDPE (thể tích 24 m3/ô lồng, nuôi 2 tầng) nuôi tôm hùm.
Phỏng vấn: Anh Nguyễn Văn Tiến, Hộ nuôi cá bớp sử dụng lồng HDPE
Lúc đầu nuôi bằng bè gỗ truyền thống thao tác vận hành rất khó khăn. Từ khi dùng lồng HDPE sau một mùa vụ thì thao tác vận hành, chăm sóc thuận tiện, dễ dàng hơn và đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn so với nuôi truyền thống. Với nguồn nước hiện tại đang nuôi ở biển hở sạch, cá nhanh lớn, nhanh phát triển hơn.
Theo các hộ nuôi, do ở vùng biển hở nên nguồn nước sạch, cá tôm nuôi nhanh lớn, tỷ lệ hao hụt thấp, ít dịch bệnh so với nuôi gần bờ. Nếu như trước đây nuôi cá bớp bằng lồng gỗ truyền thống đến 10 tháng mới đạt trọng lượng từ 5 - 8kg/con. Nay với nuôi bằng lồng HDPE với thể tích lớn, rộng rãi nên cá nuôi từ 7,5 - 8 tháng đã đạt trọng lượng như trên.
Bên cạnh đó, lồng HDPE chắc chắn, thân thiện với môi trường, nên các hộ nuôi rất tin tưởng trong quá trình nuôi tôm cá sẽ không sợ sóng gió lớn gây thiệt hại như trước đây nuôi bằng lồng gỗ.
Phỏng vấn: Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa
Sau 1 năm triển khai mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE, với sự hỗ trợ tích cực của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và ngành nông nghiệp thì nuôi ở trên khu vực biển hở của TP Cam Ranh đạt kết quả rất cao, đảm bảo môi trường bền vững cho quá trình nuôi biển công nghệ cao và hiệu quả kinh tế đã thể hiện gấp hơn 10 lần ở các khu vực khác. Và vấn đề quan trọng là tiết kiệm được diện tích mặt nước nuôi và tạo điều kiện cho ngư dân quản lý tốt vùng nuôi của mình bằng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.
Sau 1 năm triển khai, các lồng nuôi HDPE của mô hình nuôi thí điểm đều thu hoạch cho lợi nhuận cao hơn mô hình nuôi bằng lồng gỗ truyền thống. Trong đó, mô hình nuôi cá bớp tỷ suất lợi nhuận trung bình đạt 172%, mô hình nuôi tôm hùm đạt 112%, mô hình nuôi cá mú đạt hơn 131%. Đặc biệt, mô hình nuôi tiết kiệm được diện tích mặt nước và tạo điều kiện để ngư dân quản lý tốt vùng nuôi bằng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.
Phỏng vấn: Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
Khánh Hòa có chiều dài bờ biển 385km, đây là lợi thế rất lớn và Khánh Hòa đi trước, tổ chức với VinGroup xây dựng và chế tạo những cái lồng không khác gì Na Uy.
Trong thời gian vừa qua đã tổng kết lại hiệu quả của nuôi cá giò, cá hồng, tôm hùm, nhuyễn thể đưa lại hiệu quả rất cao. Đây sẽ là mô hình sẽ được tổng kết, nhân rộng tại Khánh Hòa và 27 tỉnh khác có bờ biển để chúng ta phát huy lợi thế nuôi biển và kinh tế biển. Đồng thời giảm sản lượng khai thác để gỡ thẻ vàng trong thời gian sớm.
Để lan tỏa mô hình nuôi biển công nghệ cao ra toàn tỉnh, thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ báo cáo Chính phủ để Thủ tướng sớm phê duyệt Đề án, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ ngư dân. Trong đó, xem xét, nghiên cứu quy định hỗ trợ vốn ban đầu cũng như hỗ trợ lãi suất để ngư dân chuyển đổi từ lồng bè truyền thống sang lồng HDPE nhằm đảm bảo tài sản, thích ứng với thiên tai.