Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững cây quế Ngọc Thường Xuân, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc, mở ra hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế rừng bền vững tại vùng đệm của khu bảo tồn.
Phát triển cây quế tiến vua triều nguyễn tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên
Quế Trịnh Vạn ở xã Vạn Xuân, huyện miền núi Thường Xuân là loại quế chất lượng cao, nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa, được mệnh danh là Quế Ngọc - Châu Thường. Dưới thời nhà Nguyễn, Quế Thường Xuân còn dùng để cung tiến vua và được gọi là Quế Ngừ.
Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững cây quế ngọc Thường Xuân, giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025, những năm qua, huyện Thường Xuân đã vận động người dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trồng quế xen keo.
Qua 6 năm thực hiện, đến nay đã có 10 xã thực hiện trồng quế, tuyển chọn được 200 cây quế giống có bộ gen tốt nhằm bảo tồn nguồn gen bản địa quý để lấy giống phục vụ đề án.
Mô hình trồng quế của nhà ông Nguyễn Văn Bình, tại thôn Thắng Làng, xã Vạn Xuân nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, sau hơn 7 năm canh tác, bước đầu cho thu nhập ổn định từ sản phẩm tinh dầu được chiết xuất từ lá quế.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc và máy nấu tinh dầu quế, nhờ đó, mở ra hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế bền vững tại vùng đệm của Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên.
Trích phỏng vấn Ông NGUYỄN VĂN BÌNH
“Hiệu quả kinh tế thì so với cây keo trước đây thì nó mang lại cái giá trị là gấp rưỡi hoặc gấp đôi trong cái quá trình sản xuất và latin thừa quế và cái nguồn lợi mang lại gia đình cũng cảm thấy là tạm ổn được, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo”.
Bên cạnh tạo lợi nhuận bền vững cho gia đình, vườn quế của ông Bình cũng tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 7 lao động trong khu vực, nhờ việc chăm sóc vườn quế.
Tuy đạt được nhiều thành công bước đầu nhưng tình hình phát triển trồng quế ở các huyện miền núi còn chậm và đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, nhất là chính sách đầu tư hỗ trợ vốn cho trồng rừng tập trung theo quy hoạch
Trích phỏng vấn Ông NGUYỄN VĂN BÌNH
“trồng quế thì so với trồng keo và những cái cây khác thì cái đầu tư chi phí nó lớn thì bản thân gia đình thì cũng là thuần nông, nên là cái khó khăn về cái tài chính thì cũng là eo hẹp thì cũng mong muốn rằng là cơ quan nhà nước chức năng có các chính sách hỗ trợ về cho những cái người trồng rừng như chúng tôi được tiếp cận với những cái nguồn vốn”
Để bảo tồn và phát triển cây Quế Ngọc, đồng thời là sinh kế cho đồng bào miền núi huyện Thường Xuân, người dân đang kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa trong việc đẩy mạnh thực hiện việc trồng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng, tìm kiếm thị trường, đưa Quế Ngọc tiến vua của huyện miền núi Thường Xuân có mặt ở thị trường trong nước và quốc tế.