| Hotline: 0983.970.780

Phát triển kinh tế rừng Đắk Nông [Bài 5] Kích hoạt 'kho báu xanh' Nâm Nung

Thứ Sáu 31/03/2023 , 20:08 (GMT+7)

Khu bảo tồn Nâm Nung được coi là 'kho báu' về đa dạng sinh học, với rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...

Kho báu xanh" Tây Nguyên

Lực lượng bảo vệ ở chốt số 5, Khu bảo tồn Nâm Nung đang tuần tra rừng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Lực lượng bảo vệ ở chốt số 5, Khu bảo tồn Nâm Nung đang tuần tra rừng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Khu Bảo tồn Nâm Nung có diện tích tự nhiên hơn 23.000ha, nằm trên địa giới hành chính của 10 xã thuộc 3 huyện: Krông Nô, Đắk Glong và Đắk Song. Khu bảo tồn có đỉnh Nâm Nung (núi Sừng Trâu) cao 1.578m, được coi là “nóc nhà” của tỉnh Đăk Nông.

Rừng Nâm Nung giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu vùng Tây Nguyên và cả khu vực miền Đông Nam bộ. Nơi đây có 2 hệ sinh thái chủ yếu là rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh và rừng gỗ hỗn giao tre nứa tự nhiên. Trong đó, hệ sinh thái rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh chiếm trên 90% diện tích khu bảo tồn.

Theo kết quả ghi nhận của các nhà khoa học, hệ thực vật rừng Nâm Nung vô cùng đa dạng, phong phú, với 881 loài, 541 chi và 175 họ thực vật, trong đó có 75 loài quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, sao đen, dầu mít, sến mủ, sồi ba cạnh... 

Tương tự, hệ động vật cũng phong phú với 297 loài, 29 bộ và 93 họ động vật có xương sống. Đây là nơi sinh sống của một số loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và IUCN như voi, bò tót, voọc chà vá chân đen, báo gấm, khỉ đuôi lợn, khỉ cộc, cầy mực… và một số loài thực vật như cây sồi ba cạnh, thông ba lá, cẩm lai (trắc lai)... Ngoài ra còn có 173 loài chim, 66 loài cá, 37 loài bò sát…

Rừng Nâm Nung có hệ động -  thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Ảnh: Khu bảo tồn Nâm Nung.

Rừng Nâm Nung có hệ động -  thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Ảnh: Khu bảo tồn Nâm Nung.

Bên cạnh các giá trị đa dạng sinh học, trong rừng Nâm Nung còn có nhiều di sản địa chất có giá trị như các thác nước hùng vĩ, đá granit, đá thiên thạch tektite phản ánh lịch sử địa chất đa dạng. Đặc biệt, đây còn có công viên địa chất toàn cầu Unesco. Ngay tại khu vực lõi rừng là núi Nâm JerBri với đỉnh cao nhất 1.578m so với mực nước biển.

Khu rừng này còn là nơi diễn ra những thăng trầm lịch sử cả trăm năm, là “mái nhà” của các thủ lĩnh N’Trang Gưh, N’Trang Lơng cùng nghĩa quân trong thời kỳ nổ ra các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Sau này, nơi đây là căn cứ cách mạng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Khu bảo tồn Nâm Nung còn là nơi tập trung khá nhiều đồng bào M’nông với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo. Đó là những món ăn truyền thống độc đáo có nguyên liệu từ rừng, các vật dụng phục vụ cuộc sống cư dân địa phương. Đặc biệt là không gian văn hoá, các lễ hội truyền thống độc đáo.

Chính vì những giá trị vô cùng lớn như vậy, nên mặc dù Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung có diện tích không lớn bằng các khu bảo tồn khác ở Tây Nguyên, nhưng vẫn được xếp vào cấp bảo tồn quốc gia.

Xác định tầm quan trọng của khu rừng, nhiều năm gần đây, tập thể cán bộ, nhân viên khu bảo tồn Nâm Nung đã nỗ lực không ngừng để bảo vệ tốt nhất mọi thứ có trong rừng, mặc dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn.

Một góc rừng Nâm Nung. Ảnh: Minh Sáng.

Một góc rừng Nâm Nung. Ảnh: Minh Sáng.

“Thực tế thời gian qua, có khá nhiều áp lực khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu BTTN Nâm Nung gặp nhiều khó khăn. Do địa bàn rộng, hiểm trở, chia cắt, đường ranh giới dài, trong khi lực lượng bảo vệ mỏng nên việc tuần tra, kiểm soát tài nguyên rừng, bao quát toàn bộ lâm phần là điều không dễ dàng. Ngoài ra, vẫn còn không ít người dân do đời sống khó khăn, hiểu biết pháp luật hạn chế, nên vẫn lén lút vi phạm lâm luật. Chúng tôi cùng lúc thực hiện nhiều giải pháp như phối hợp với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ rừng. Đẩy mạnh vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ, phát triển rừng tại các thôn, xã… ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 284 hộ dân, tổng diện tích giao khoán khoảng 3.000ha. Các biện pháp này đã mang lại hiệu quả rất tốt, không chỉ hạn chế tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, mà còn tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân sống gần rừng”, anh Phạm Trọng Thuỷ, Phó Giám đốc Khu bảo tồn Nâm Nung cho biết.

“Kích hoạt” tiềm năng

Với những giá trị cực lớn như vậy, nhưng hiện nay, việc phát triển du lịch, hợp tác đầu tư kinh tế dưới tán rừng mặc dù đã có nhưng chưa tương xứng với “tầm” của khu rừng này.

Ngoài hệ sinh thái động thực vật vô cùng phong phú, Khu bảo tồn Nâm Nung còn có những điểm tham quan nổi tiếng. Đó là thác 7 tầng, còn gọi là thác Cọp, và thác Gấu ở xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô. Trong đó, thác 7 tầng được mệnh danh là “đệ nhất thác Tây Nguyên”. Ngoài ra còn có Khu rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sap, diện tích hơn 1.600ha, nằm trên địa bàn xã Đắk Sor và Nam Đà, huyện Krông Nô. Khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Thắng cảnh cấp quốc gia.

Thác 7 tầng trong lõi rừng Nâm Nung, 1 trong những ngọn thác đẹp nhất Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Thác 7 tầng trong lõi rừng Nâm Nung, 1 trong những ngọn thác đẹp nhất Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Theo anh Bùi Duy Giáp, Phó Giám đốc khu bảo tồn, mới đây đơn vị đã ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí với 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Liên Thành Đắk Nông và Công ty Cổ phần du lịch Hiểu về Trái tim, trên tổng diện tích hơn 743ha. Sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần phát huy hết giá trị của rừng mang lại, đó là phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, quảng bá tài nguyên; nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng địa phương đối với các tài sản vô giá về du lịch cảnh quan - văn hóa – lịch sử và tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân địa phương, từng bước xóa đói giảm nghèo và hướng tới phát triển bền vững; tạo ra nguồn thu bổ sung cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho đơn vị. Đồng thời, phát triển, nâng cao giá trị Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, góp phần quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Thác Gấu trong rừng Nâm Nung. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Thác Gấu trong rừng Nâm Nung. Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Việc khai thác bền vững các tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên rừng, bản sắc văn hóa địa phương, di tích lịch sử để phát triển du lịch sinh thái sẽ góp phần quan trọng cho công tác bảo tồn thiên nhiên, góp phần tạo ra cơ chế tài chính bền vững cho Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung. Thông qua phát triển du lịch để tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương và du khách về các giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường”, anh Giáp nói.

UBND tỉnh Đăk Nông đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung. Đề án quy định chặt chẽ, cụ thể về nguyên tắc cho thuê môi trường rừng là phải thực hiện theo quy định của Chính phủ về Luật Lâm nghiệp; không thay đổi quyền sở hữu của Nhà nước về rừng; sử dụng sinh thái rừng không ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường, đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã cũng như bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ở địa phương”, ông Bùi Duy Giáp, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.