Trồng và phát triển rừng phòng hộ là một giải pháp của tỉnh Sóc Trăng trong việc thích ứng, giảm thiểu sức tác động của biến đổi khí hậu tại các địa phương ven biển.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tại Sóc Trăng, tần suất sạt lở bờ biển xuất hiện ngày càng nhiều mà không theo quy luật của các hiện tượng tự nhiên. Trong đó, tuyến đê biển thuộc địa bàn thị xã Vĩnh Châu sạt lở diễn ra nặng nề và không có dấu hiệu giảm. Nhiều đoạn đê biển bị đe dọa trực tiếp, bởi dãy rừng phòng hộ làm nhiệm vụ chắn sóng bị thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí có nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với thân đê cũng như đời sống, sinh hoạt của bà con nhân dân trong vùng.
Ông NGUYỄN QUANG VINH
Phó chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng
Trước ki hồi xây dựng tuyến đê khoảng năm 92, đê cách mép rừng khoảng 200 mét. Nhưn hiện nay 1 số đoạn như là từ chỗ cống số 2 tới giáp ranh Bạc Liêu mà chúng tra đang đứng thì rừng phòng hộ gần như không còn, nếu không có hệ thống kè bảo hộ thì sóng biển đánh trực tiếp thân đê, tốc độ xói lở sẽ nhanh, khó bảo vệ cuộc sống của người dân.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, rừng phòng hộ có vai trò hết sức quan trọng đối với tuyến đê biển. Và tại đoạn đê biển ở Vĩnh Châu, sạt lở là do phía bên ngoài đê không có rừng phòng hộ, bãi bồi trống vắng không được trồng rừng để giữ sóng, giữ đất. Những vùng bị xói lở do ảnh hưởng của các quá trình tự nhiên như các dòng hải lưu, thủy triều, gió chướng, hoạt động của sóng nhưng chủ yếu do không có rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển. Do đó, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng những hệ thống kè giảm sóng để ổn định bãi phía trong và phát triển rừng phòng hộ.
Ông NGUYỄN QUANG VINH
Phó chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi tỉnh Sóc Trăng
Kè giảm sóng thì khi đạt đến một cao trình thì bồi dần lên thì tiến hành xây dựng kế hoạch trồng rừng. Tại hiện trường thì chúng ta thấy rừng bắt đầu mọc lại, báo hiệu cho chúng ta thấy có điều kiện sống và phục hồi lại rừng phòng hộ.
Bên cạnh giải pháp thực hiện các công trình duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đê biển, tỉnh Sóc Trăng còn chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang đê biển thông qua việc trồng cây gây rừng. Tính riêng năm 2022, tỉnh Sóc trăng đã trồng và phát triển mới 30 ha rừng phòng hộ. Hiện, tổng diện tích đất rừng phòng hộ của tỉnh là hơn 7.300ha. Đây được xem là thành công của tỉnh Sóc Trăng trong việc thích ứng, giảm thiểu sức tác động của quá trình biển đổi khí hậu tại các địa phương vùng ven biển.